Cao Thị Thanh Huyền và GS Howard Williamson (bìa trái) tại Diễn đàn kinh tế - chính trị châu Âu (EAF) - Ảnh nhân vật cung cấp. |
Cơ duyên của cô sinh viên nhỏ nhắn này đến từ một lần tham dự Diễn đàn kinh tế - chính trị châu Âu (EAF)...
Cô sinh viên “bé hạt tiêu”
Cuối năm 2012, tại EAF được tổ chức ở Bỉ, GS H.Williamson thuyết trình đề tài “Chuyển động trẻ”. Trong khi thuyết trình, ông đặc biệt chú ý đến một cô gái nhỏ nhắn, và ấn tượng với kỹ năng thuyết trình, lãnh đạo nhóm, kỹ năng sử dụng tiếng Anh mà cô gái ấy thể hiện. Tìm hiểu, ông biết đó là Cao Thị Thanh Huyền, sinh viên VN duy nhất tham dự diễn đàn.
Ngay trong buổi thuyết trình của mình, GS H.Williamson thấy Huyền luôn đưa ra các câu hỏi hóc búa và có những quan sát khác biệt. “Những câu hỏi về vai trò của giới trẻ trong bối cảnh toàn cầu hóa và những thách đố hiện sinh đối với thế hệ tương lai của Huyền cho thấy em có hiểu biết đáng kể về những vấn đề quốc tế, cũng như nhiệt tâm của em trong việc tìm kiếm những giải pháp cho các vấn đề ấy...”, GS H.Williamson viết.
Trong phần thảo luận, GS H. Williamson thấy Huyền xây dựng được một nhóm làm việc ăn ý, đoàn kết và trở thành trưởng nhóm một cách rất tự nhiên. Từ những quan sát của mình, GS H. Williamson đã viết thư giới thiệu để Huyền tham dự GESS, vì ông tin rằng Huyền là một “thành viên tuyệt vời và sẽ có đóng góp tích cực cho chương trình”.
“Tổ quốc là động lực lớn nhất!”
Được GS H.Williamson khuyến khích và giới thiệu, Cao Thị Thanh Huyền tập trung chuẩn bị hồ sơ và xây dựng dự án để tham gia GESS.
Lần này, Huyền chuẩn bị một dự án kinh doanh mang tên “Sản phẩm tài chính cho trẻ em”. Theo Huyền, trẻ em VN khi còn bé bị “nhồi nhét” học toán, văn quá nhiều trong khi những kỹ năng mềm lại chưa được chú trọng. Vì thế tuy thanh niên VN thông minh, học toán rất tốt, nhưng tư duy tài chính không tốt nên luôn gặp khó khăn trong quản lý tài chính cá nhân.
Dự án của Huyền chọn hình thức thể hiện sinh động, dễ tiếp thu dưới góc nhìn ngộ nghĩnh của trẻ nhỏ, có tính tương tác cao và góp phần định hình cho trẻ những tư duy tài chính nhất định.
Dự án gửi đi, và ngày 23/7 Huyền nhận được thư của GESS thông báo dự án “Tài chính cho trẻ em” của Huyền đã vượt qua 1.100 dự án khác trên toàn cầu để trở thành một trong 35 dự án tham gia GESS. Huyền cũng là sinh viên VN đầu tiên và duy nhất tham dự GESS lần này. Cuộc thi khởi nghiệp toàn cầu sẽ diễn ra tại Munich, Đức từ ngày 18 đến 26/9. Huyền hi vọng dự án của mình sẽ đoạt giải để có đủ tài chính thực hiện những gì tốt đẹp cho trẻ em VN.
Trong suốt 3 tháng chuẩn bị dự án, Huyền phải vượt qua nhiều khó khăn. Có những thời điểm Huyền vừa đi học, vừa đi thực tập cả ngày, đêm về thức trắng để hoàn thành đề án và thủ tục yêu cầu.
Nhiều khi Huyền cũng mệt mỏi. Những lúc ấy được nghe mẹ gọi điện động viên Huyền lại thấy mình mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Và điều quan trọng hơn, theo Huyền, cứ nghĩ đến việc mình sẽ đem hình ảnh VN đến với GESS, để mọi người thấy được tư duy toàn cầu và khả năng kinh doanh của người Việt là bao nhiêu vất vả lại bay biến hết. “Khi vươn tầm ra thế giới, Tổ quốc sẽ là động lực lớn nhất để tôi cố gắng!”, Huyền nói.