Trần Phương Thảo (sinh năm 1992) hiện là giáo viên dạy Toán tại trường THPT Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Trên trang Humans of Yenhoa, cô Thảo nhận được nhiều lời khen ngợi từ học trò nhờ sở hữu vẻ ngoài xinh xắn và tinh thần luôn hết mình với công việc.
Phương Thảo cho biết, cô đi dạy chính thức được 2 năm. Những thành tích cô có là kinh nghiệm tích lũy từng ngày trong quá trình công tác. Bên cạnh đó, tình cảm yêu thương của học trò cũng khiến cô muốn gắn bó lâu dài với nghề.
Cô giáo Trần Phương Thảo dạy môn Toán tại trường THPT Yên Hòa, Hà Nội. Ảnh: Humans of Yenhoa. |
"Ngày đầu đứng lớp tôi hồi hộp lắm"
"Tôi bén duyên với nghề giáo có lẽ từ lúc tập kèm cặp, giảng bài cho các em. Hồi còn cắp sách tới trường, tôi không đi học thêm. Mẹ vẫn thường nhắc nhở: “Khi con giảng giải được khúc chiết, mạch lạc, gãy gọn cho người khác là con đã hiểu bài. Dạy được cho các em cũng là học được cho mình, không cần học thêm ở đâu xa" - Thảo chia sẻ.
Trong hành trình của mỗi người thầy, lần đầu đứng lớp luôn để lại cho họ nhiều kỷ niệm. Đối với Phương Thảo, ngày chính thức đứng trên bục giảng, cô rất hồi hộp, không biết bao nhiêu lần hình dung bản thân sẽ ra sao khi đối diện trò, học sinh sẽ đón nhận mình như thế nào…
"Lúc ấy, tôi hiểu và đồng cảm hơn với các thầy cô giáo của mình. May mắn nhờ chuẩn bị kỹ và có sự góp ý từ người hướng dẫn, tiết học diễn ra khá trôi chảy. Đó là động lực để tôi bắt nhịp nhanh hơn với công việc này" - cô kể.
Phương Thảo là cựu học sinh trường THPT Yên Hòa, Hà Nội. Ảnh: FBNV. |
Trước đây, Phương Thảo từng là cựu học sinh trường THPT Yên Hòa, Hà Nội. Đó chính là lý do khiến cô gái 23 tuổi chọn sự nghiệp "đưa đò". Bởi khi còn đi học, cô nhận được sự yêu quý của thầy cô và những kỷ niệm gắn bó với ngôi trường.
Khi trưởng thành, Thảo muốn quay lại nơi mình từng học để góp sức xây dựng cho các thế hệ học sinh sau này có những năm tháng học trò đáng nhớ, yên hòa, có sự trưởng thành cả về thể chất và tâm hồn.
Khi nhận nhiều tình cảm thương mến từ học trò, cô Thảo cho hay, cô rất vui và bất ngờ hơn khi chúng được lan truyền trên mạng xã hội.
"Món quà lớn nhất và không gì bằng của “nghề bụi phấn bám đầy tay” chính là được học trò yêu quý, tôn trọng" - cô vui vẻ nói.
"Sống lâu mới biết lòng người dở hay"
Có nhiều ý kiến nhận định rằng, phái nữ dạy môn Toán chắc hẳn tính cách rất cứng rắn và khô khan tình cảm. Về điều này, Phương Thảo cho biết, đối diện với các nhận xét như vậy, cô chỉ cười trừ cho qua, không bàn cãi và thực tế trả lời: "Sống lâu mới biết lòng người dở hay".
Cô giáo 9X nhận được nhiều tình cảm của học trò. Ảnh: FBNV. |
Phương Thảo chia sẻ, nghề giáo được đánh giá là rất áp lực và "nghèo", nhưng cô giáo 9X tâm niệm "nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, bất kể ngành nào, nếu bản thân thạo nghề, cũng có thể sống đủ với nó.
"Về áp lực, nghề nào cũng có. Vượt qua áp lực là thử thách, cũng là rèn luyện bản lĩnh cho mình" - cô nhấn mạnh.
Hiện tại, Thảo tập trung vào công tác giảng dạy môn Toán cho khối 10 và 11. Kỷ niệm đáng nhớ, khiến Phương Thảo hạnh phúc trong suốt 2 năm qua là khi được học trò báo điểm thi đại học ngay lúc nhận kết quả, hay nhận nhiều thiệp làm tay từ học sinh gửi tặng.
"Thường trong ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, các em đều tặng tôi các món quà nhỏ xinh tự làm, lúc nào cũng làm tôi bất ngờ và rất vui" - cô giáo sinh năm 1992 tâm sự.
Ngoài dạy học, Phương Thảo cho biết, cô còn thích chơi đàn violin.
"Chưa được học cô Thảo, chỉ trò chuyện với cô qua lần phỏng vấn cho Humans of Yenhoa nhưng mình khâm phục, yêu quý cô. Cô có những quan điểm, tư tưởng trong dạy học rất mới. Đồng thời, cô cũng rất hiểu tâm lý học sinh. Tâm sự với cô, mình cảm thấy được thông cảm và chia sẻ như một người bạn, không còn khoảng cách" - Thảo Trang, lớp 10D4 cho hay.
"Cô Phương Thảo xinh và hay cười. Bài giảng của cô khá hay và dễ hiểu. Cô cũng rất tâm lý với học trò" - Hồ Thuý Anh, lớp 11D1, THPT Yên Hòa, Hà Nội tâm sự.