Không đường, không điện, không sóng
Sinh năm 1990, cô Thủy học chuyên ngành mầm non, trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai. Thấy yêu mảnh đất này, được bạn bè giới thiệu, cô Thủy “háo hức” lên nhận quyết định về công tác tại Huyện Bắc Hà.
Nhưng, ngày đầu tiên đi làm, được phân dạy ở điểm trường lẻ Sản Chư Ván (thuộc trường mẫu giáo Thải Giàng phố), từ nhà đến trường cách 20 km, hai bên là vách núi cao, hiểm trở, những ngày nắng còn có thể cố, chứ ngày mưa, để đến trường là một vấn đề lớn. Có nhiều đoạn đường không dám đi xe mà phải dắt, cô giáo trẻ không khỏi lo lắng.
Cô Thủy luôn sáng tạo làm đồ chơi theo từng chủ đề môn học để học sinh tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn. |
Vẫn xác định lên miền núi là thiếu thốn, khó khăn nhưng từ khi bước chân vào cổng trường, cảnh tượng hiện ra khiến cô không khỏi bất ngờ. Trường lợp bằng tranh tre lứa lá rất tạm bợ, lại là nhà cũ lấy từ trường tiểu học, gió mùa đông thổi vào lạnh buốt xương, mọi đồ dùng đều đơn sơ, có phần… lạ lẫm với cô gái phố.
Mỗi ngày trôi qua, khó khăn càng thêm chồng chất khó khăn. Tuổi đời còn trẻ, chưa một lần lên miền núi sinh sống, có nhiều lần cô Thủy muốn bỏ xe bên đường mà khóc. Nỗi nhớ nhà dâng lên khiến cô buồn da diết. Ước gì giờ này được ở bên bố mẹ, được sống trong gia đình có đủ chăn ấm, đệm êm, có điện sáng trưng mỗi ngày, và có thể lướt web, nghe nhạc…
Giờ đây, muốn gọi về hỏi thăm bố mẹ cũng khó, mỗi tuần chỉ những ngày thứ 7, chủ nhật, nếu không phải ra thị trấn (cách 20 km) mới có sóng điện thoại mà gọi. Đã bao lần, khi mặt trời chuẩn bị xuống núi, cô Thủy vội lấy giấy bút ra viết thư về nhà để trải lòng, để vơi đi nỗi nhớ… Nước mắt hoen mi vì buồn tủi, cô đơn.
Nhưng lại nghĩ: “Các em học sinh phải tự mình trèo đèo lội suối, còn rất nhỏ nhưng đã tự đến trường một mình từ sáng sớm để mong được học chữ thì tại sao, mình là một cô giáo mầm non lại không làm được? Và nếu mình không đến, các em sẽ chờ. Ánh mắt thơ ngây nép bên cửa lớp mong cô đến giảng bài, dạy hát, đọc thơ…”.
Gạt nước mắt sang một bên, cô lại tiếp tục bước tiếp để đến trường, mang đến những kiến thức và tình yêu thương, chăm sóc cho các em nhỏ.
Cô Thủy cùng đồng nghiệp hướng dẫn học sinh những giờ ngoại khóa |
Khó khăn không lường trước
Trên tất cả mọi khó khăn chính là việc đi vận động phụ huynh cho con đến trường. Bởi, điểm trường cô Thủy dạy 100% học sinh đều là con em dân tộc Mông. Mọi sự bất đồng về ngôn ngữ, phong tục, văn hóa… khiến cô Thủy chưa lường trước được.
Còn nhớ mãi, lần đầu tiên đến vận động gia đình học sinh Vàng A Gia cho con đi học. Buổi tối, làng bản không một ánh đèn, sương lạnh trên núi rét buốt, cô được anh trưởng thôn tốt bụng dẫn đường, nhân tiện để còn “phiên dịch” cho cuộc trò chuyện sắp tới.
Vừa đi đường cô Thủy vừa sợ và lo lắng, anh trưởng thôn thấy vậy thương cô gái trẻ, định khuyên cô quay về. Nhưng nghĩ đến việc các em không được đến trường, còn nhỏ đã phải đi làm nương, không biết chữ, thiệt thòi đủ đường, rồi còn cả tương lai phía trước. Cô Thủy lại gạt nỗi lo lắng, vượt đèo bước tiếp.
Vào nhà gặp phụ huynh, anh chị chủ nhà mời cô giáo ăn cơm và uống rượu, nếu không sẽ không cho con đi học. Lúc ấy còn quá trẻ, cô không biết đó là sự hiếu khách của người dân tộc Mông.
Đặc biệt hơn, khi bát cơm vừa ăn vơi một nửa thì lại được xới đầy. Mấy lần liên tiếp như vậy, cô cứ cố gắng, chỉ mong sao các em được đi học. Và cô cũng không biết mình đã uống bao nhiêu chén rượu, bao nhiêu lần bát cơm vơi lại đầy.
Chỉ mừng rằng, cuối cùng Gia đã được đến trường cùng các bạn trong niềm vui sướng và nụ cười tươi rói. Từ đó về sau, nhiều phụ huynh yêu mến sự chân thành, quý trẻ của cô Thủy, họ đã tự giác và yên tâm gửi con đến trường.
Một năm sau khi vào nghề, điểm trường lẻ Ngải Thầu thiếu giáo viên, học sinh không được chăm lo nhiều nên cô Thủy lại được phân vào điểm trường này để công tác.
Khó khăn hơn là quãng đường cách nhà đã nhân đôi lên là 40 km. Nhưng tình yêu với nghề đã không thể thay đổi được, dù có khó khăn đến mấy, cô giáo trẻ cũng sẽ vượt qua, chỉ mong sao mỗi ngày được tự tay mình làm đồ chơi và đồ dùng học tập cho các em.
Tôi về xuôi, ai lo cho đàn con Thải Giàng Phố
Ngắm kĩ ngôi trường mà cô Thủy đang công tác, học sinh nơi đây đáng yêu và rất ngoan ngoãn, ai nấy đều rạng rỡ khi nhắc đến tên cô Thủy. Đặc biệt, đồng nghiệp luôn quan tâm giúp đỡ mỗi khi khó khăn, nên đã bao nỗi vất vả, cô giáo trẻ người Kinh đều vượt qua hết.
Cô Nguyễn Thị Duyên - Hiệu trưởng trường Mẫu giáo Thải Giàng Phố - nhận xét: “Cô Thủy là giáo viên trẻ, vô cũng yêu nghề. Hằng ngày đi làm rất xa nhưng cô đều cố gắng đến trường sớm để nếu tiện đường thì đón các em.
Không chỉ tích cực sáng tạo những trò chơi, vật dụng cho học sinh, cô còn góp ý tưởng để đồng nghiệp cùng tăng gia sản xuất, làm thêm ngoài giờ, chăm sóc vườn rau xanh để tiết kiệm tiền mua thức ăn….
Trong mỗi cuộc thi tuyên vận, cô Thủy đều kêu gọi bạn bè, cộng đồng xã hội góp của, góp công cho các em học sinh. Bao lần thấy cô tranh thủ đan khăn, áo cho học sinh, lại khiến người làm công tác giáo dục bao nhiêu năm như tôi nể phục biết bao. Nếu không có tình yêu lớn với nghề, với trẻ, với người miền núi, có lẽ ít ai làm được những điều như thế".
Ngày bố mẹ lên thăm con gái, chỉ ở một ngày nhưng chứng kiến những khó khăn mà con đang trải qua, gia đình khuyên cô về quê dạy học. Mẹ cô Thủy nước mắt ngắn dài: “Con ơi, sao phải khổ như thế hả con, về nhà đi, dù có vất vả thì cũng được gần bố mẹ, được ăn đủ no, mặc đủ ấm. Con ở trên vùng rừng núi này, làm sao bố mẹ ngủ trọn giấc mỗi đêm…”.
Nhưng cô Thủy để bố mẹ nhìn thấy hình ảnh những học sinh của lớp, các em đượm buồn và lo lắng khi nghe rằng cô Thủy không ở đây nữa, có trò còn khóc nấc lên, dỗ mãi không chịu nín. Khuyên nhủ và động viên tinh thần cho bố mẹ yên tâm, cô Thủy tươi cười và chắc chắn rằng sẽ gắn bó ở đây, bố mẹ cũng không lỡ ép con gái.
Thấm thoát cũng 5 năm trôi qua, giờ, khi đã có gia đình nhỏ và là người mẹ của con trai 2 tuổi, cô Thủy vẫn miệt mài làm việc, nhớ con, nhớ chồng cô chỉ biết dồn tình yêu vào học trò. Và cũng mong ngóng đến những ngày cuối tuần để vượt đường núi về thị trấn thăm con.
Khi được hỏi: Hiện có rất nhiều cơ hội tốt để về miền xuôi dạy học, cuộc sống đủ đầy hơn, có điều kiện lo cho con hơn, cô sẽ về chứ? Nụ cười tươi, Cô Thủy khẳng định: Tôi không hối hận khi lên đây, chắc chắn rằng, Lào Cai là quê hương thứ hai của tôi, tôi sẽ gắn bó mãi với nơi này, tôi về xuôi thì ai lo cho đàn con của Thải Giàng Phố?
Cô Đàm Thị Thu Thủy là một trong 64 giáo viên đại diện cho thầy cô của 64 tỉnh, thành đóng góp cho công tác giáo dục của các tỉnh khó khăn sẽ được tuyên dương trong chương trình Chia sẻ cùng thầy cô. Chương trình do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức.
Khi trực tiếp đến thăm và tặng quà tại điểm trường của cô Thủy, Ông Võ Văn Thành Nghĩa - Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Long - phải thốt lên rằng: "Tôi cũng từng là một giáo viên, cũng từng trải qua nhiều khó khăn trong cuộc sống, nhưng để làm được như các cô giáo ở đây, như cô Thủy, tôi thật sự khâm phục. Càng chia sẻ với những khó khăn của các thầy cô, chúng tôi càng cố gắng hơn để duy trì tính bền vững dành cho các hoạt động giáo dục nước nhà".
|