Cô Hà bộc bạch khi cô giáo bước vào lớp học với nụ cười tươi, ánh mắt trìu mến, ngay lập tức, học sinh cảm thấy được yêu thương, khích lệ nên đón nhận giờ học một cách nhẹ nhàng.
Và khi được cô “hiểu” tâm lý, sở thích, học trò càng hứng thú học bài. Bản thân người giáo viên không thể không đổi mới, tiếp nhận phương pháp, mô hình dạy học mới để tránh đi vào lối mòn của cách giảng dạy truyền thống.
Cô Đặng Hoàng Hà tận tâm với học trò. Ảnh: Giáo dục & Thời đại. |
Hiểu trò để hạnh phúc
Gần gũi học sinh, hiểu trẻ lứa tuổi tiểu học thích xem phim hoạt hình, cô Hà mạnh dạn xây dựng những bộ phim hoạt hình đơn giản qua mày mò học hỏi các phần mềm… Trong nhiều giờ học, cô đã biến lớp học thành rạp chiếu phim mini, mỗi học sinh được hóa thành những nhân vật hoạt hình yêu thích. Rạp chiếu phim xuất hiện trong những giờ học Đạo đức, Tự nhiên xã hội và cả giờ kiểm tra, đánh giá của môn Toán, Tiếng Việt…
Cô Hà cho hay muốn dựng được những bộ phim hoạt hình hấp dẫn, chuyển tải được nội dung bài học đến với học sinh, bên cạnh sự hỗ trợ của các phần mềm, giáo viên phải chủ động nắm bắt, tìm tòi những nhân vật, bộ phim hoạt hình đang “hot”, được nhiều trẻ em yêu thích để dựng thành phim theo nội dung bài học. Có như vậy mới cuốn hút, kéo các em hòa vào bộ phim để “xem mà học”.
Điều thú vị ở đây chính là việc cô Hà đưa gương mặt của học sinh trong lớp vào các nhân vật hoạt hình thay cho việc sử dụng các con vật.
“Khi nhìn thấy gương mặt của mình và các bạn trong lớp xuất hiện trong đoạn phim , các con trở nên hào hứng tham gia giải quyết các tình huống trong bài học. Thông qua các tình huống đó và sự phân tích, giải đáp của cô giáo, học sinh hiểu được việc mình làm đúng hay sai, từ đó các con tự thay đổi bản thân qua mỗi giờ học Đạo đức, Tự nhiên xã hội và biết được kết quả học tập của mình qua các giờ kiểm tra nhẹ nhàng”, cô Hà chia sẻ.
Với lợi thế về âm thanh, hình ảnh, màu sắc, những bộ phim hoạt hình của cô Đặng Hoàng Hà đã giúp học trò hiểu sâu sắc hơn bài học và đặc biệt là các em thấy hứng thú, yêu thích và nhớ kiến thức lâu hơn. Học sinh không còn cảm giác gò bó, cứng nhắc khi tiếp nhận những kiến thức mang tính lý thuyết, trừu tượng. Các em không chỉ gắn kết, yêu thương, chia sẻ với nhau nhiều hơn mà đã tự tin và biết cách tự giải quyết các vấn đề cụ thể trong cuộc sống hàng ngày.
Cô Hà tâm niệm, sáng tạo trong giáo dục không nhất thiết phải là những gì to tát mà nhiều sự thay đổi nhỏ, sẽ cộng hưởng thành giá trị lớn. Cũng như vậy, sáng tạo không phải là cái gì đó quá xa lạ. Đó có thể là những sáng tạo tưởng chừng rất đơn giản, dễ làm, thực tế, nhưng nó có tác động tích cực đến học sinh, đến giáo viên, đến nhà trường và phụ huynh học sinh. Nhiều thay đổi nhỏ sẽ tạo nên một sự thay đổi lớn vững chắc hơn.
Lựa chọn đúng đắn nhất
Cô Hà tâm sự mọi đổi mới, sáng tạo của tôi đều được khơi nguồn từ lòng yêu nghề, mến trẻ. Với tôi, giáo viên không chỉ là người truyền thụ kiến thức mà là nhà tâm lý, giáo dục học, biết khơi những đam mê của học sinh, phát huy những tố chất, nội lực mà các em có được. Nhìn thấy sự trải nghiệm, tiến bộ của học trò mỗi ngày, tôi càng thấy việc mình chọn nghề giáo là quyết định đúng đắn nhất trong cuộc đời.
Luôn nắm bắt tâm lý học sinh, cô Hà áp dụng phương pháp khích lệ, động viên thay cho kỷ luật trách phạt. Cô cho biết: Trẻ lứa tuổi tiểu học thích được yêu thương, khen ngợi nên khi dạy học, tôi thường xuyên động viên, khích lệ các em có tiến bộ; nói giảm, nói tránh những việc các em làm chưa tốt. Qua đó, học sinh vui vẻ đón nhận và có những chuyển biến tích cực trong giáo dục đạo đức, trong tiếp thu kiến thức trên lớp...
Nhìn vào đôi mắt của học sinh, nhìn nét mặt hạnh phúc của các con khi đến lớp, tôi thấy mình đã đi đúng hướng. Các con không chỉ thích đến lớp, đến trường như đúng mục tiêu mà nhà trường đang xây dựng là tạo dựng trường học, lớp học hạnh phúc mà đáng mừng là các con say mê, thích học, không bị áp lực, gò bó, thụ động mà tự tin, chủ động chiếm lĩnh kiến thức...
Nỗ lực đổi mới và không ngừng sáng tạo, hiện nay cô Hà sở hữu một kho bài giảng điện tử phong phú với hàng trăm trò chơi khởi động tạo hứng thú cho học sinh và củng cố kiến thức, trong các tiết học Tiếng Việt, Toán, Đạo đức, Tự nhiên Xã hội. Nguồn tài nguyên này được cô chia sẻ, lan tỏa trong nhà trường để các đồng nghiệp cùng ứng dụng, góp ý và ứng dụng vào thực tế dạy học một cách hiệu quả nhất. Cô đã xây dựng các nhóm “Giáo viên cùng nhau phát triển” và lan tỏa tới 100% giáo viên trong nhà trường…
Cô Đặng Hoàng Hà vinh dự được đón nhận giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” năm học 2019-2020. Cô xúc động: Thành công của một giáo viên không phải từ cá nhân đó mà là nhờ sự ủng hộ, giúp đỡ của cả tập thể, sự tin tưởng, đồng hành của phụ huynh. Và tôi may mắn được công tác trong một tập thể như vậy - đó chính trường Tiểu học Giáp Bát thân thiện, hạnh phúc.
"Con rất thích các tiết học Đạo đức, Tự nhiên xã hội, Toán, tiếng Việt, đặc biệt là các tiết học có các nhân vật hoạt hình cô Hà dàn dựng cho chúng con xem mà học. Con thấy mình cũng như nhân vật hoạt hình được thể hiện, nói lên cảm xúc, suy nghĩ của mình; còn các bạn thấy rất thú vị khi xem con ở trên màn hình chứ không phải là con trong bộ quần áo đồng phục hàng ngày. Được hóa mình vào nhân vật hoạt hình vui nhộn, con thấy giờ học trôi qua thật nhanh, hiểu thêm nhiều bài học mới" - Em Trần Minh Tiến (lớp 2A1, trường Tiểu học Giáp Bát)