Viết đẹp vì bị phụ huynh chê chữ xấu
Là giáo viên dạy tiếng Anh tại Cung thiếu nhi Hà Nội, cô Nguyễn Bích Nguyệt rất thích viết chữ đẹp. “Duyên” đưa cô Nguyệt đến với nghệ thuật viết chữ xuất phát từ lời chê của phụ huynh.
“Sau khi tôi viết tiếng Anh mẫu vào vở học trò, phụ huynh phản hồi: Đề nghị cô giáo viết chữ đúng ly, đúng dòng. Nhìn lại chữ của mình, tôi nhận ra, nét chữ không xấu nhưng chưa đúng quy chuẩn", cô Nguyệt kể lại.
Trăn trở viết thế nào để làm gương cho học trò, cô Nguyệt theo học lớp luyện viết chữ đẹp của thầy Nguyễn Đương Anh (giáo viên nổi tiếng tại Hà Nội).
Từ năm 2014, cô Nguyệt theo khóa học trong 3 ngày (6 tiết) để có được cách viết cơ bản. Trong một năm, ngày nào cô cũng luyện viết từ 22h đến 1h sáng hôm sau. “Viết chữ đẹp rồi lại muốn đẹp hơn nữa” - như cô tâm sự - là động lực để nữ giáo viên biết thêm nhiều nét chữ sáng tạo mới.
Ban đầu muốn viết chữ đẹp để không bị phụ huynh chê, sau thời gian gắn bó, cô giáo trẻ tìm thấy đam mê thật sự từ những con chữ.
Cô Bích Nguyệt có tài viết chữ ngược bằng cả tay phải và tay trái, đẹp không kém chữ viết xuôi. Đó là những kiểu chữ ngược từ phải sang trái, từ trái sang phải (xoay 180 độ), kiểu chữ này khi soi gương sẽ đọc được. Đặc biệt, cô gái 8X có khả năng viết chữ ngược từ trên xuống dưới (xoay 360 độ).
Cô giáo Nguyệt có tài viết chữ xoay ngược 360 độ. |
Theo cô Nguyệt, ngược 360 độ là kiểu viết khó nhất, bởi cấu tạo của chiếc bút nét thanh nét đậm đã bị đảo ngược hoàn toàn. Không chỉ viết như thói quen, cô giáo trẻ phải tính toán, tư duy và hoàn toàn tập trung vào nét bút.
"Nét chữ, nét người"
Trước quan niệm của một số người cho rằng, viết chữ đẹp là vô bổ, đặc biệt là chữ ngược, nữ giáo viên cho rằng, cuộc sống luôn đa dạng, trong từng góc nhìn nhận của con người.
Đối với cô Nguyệt, mỗi ngày luyện viết chữ 30 phút sẽ giúp giảm stress. “Bạn tập trung việc say mê cũng là đang tập thiền (thiền động), để có tâm tĩnh lặng. Việc viết chữ đẹp giúp tôi có được điều đó”, Bích Nguyệt chia sẻ.
Thêm nữa, những kiến thức từ bậc thầy về phát triển tư duy và sáng tạo Tony Buzan giúp cô giáo này nhận ra việc luyện khả năng tập trung, sử dụng thành thạo tay trái, tay phải khiến phát triển não trái (IQ) và não phải (EQ).
Nét chữ viết xuôi theo quy chuẩn của cô giáo Nguyệt. |
Cũng nhờ viết chữ đẹp, Bích Nguyệt quen thêm nhiều bạn bè trên khắp mọi miền đất nước có cùng sở thích. Trên trang cá nhân, cô giáo 8X đăng nhiều chữ viết tặng bạn bè. Facebook cũng như lớp học online, là nơi hằng ngày Bích Nguyệt chia sẻ kinh nghiệm, trả lời nhiều thắc mắc của học trò, đồng nghiệp.
Ngoài việc dạy học tại Cung văn hóa thiếu nhi, cô Nguyệt còn mở lớp dạy thêm viết chữ đẹp cho trẻ em (từ 6-10 buổi) và người lớn (15-20 buổi). Qua khóa học này, học sinh nắm vững được cách viết cơ bản, nhiều cô giáo đã thành công và tiếp tục mở lớp.
Cô giáo có biệt tài viết chữ đẹp đồng tình với quan điểm "nét chữ nết người", tuy nhiên, để đánh giá một con người vẫn cần nhìn nhận theo hướng đa chiều.