Sự việc cô giáo Nguyễn Hoàng Trúc Quỳnh – giáo viên môn giáo dục công dân của trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TP. HCM) dùng thước kẻ đánh vào tay các học trò do làm mất sổ đầu bài và lớp bị xếp hạng chót trong 2 tuần liền gây xôn xao cộng đồng mạng.
Nhiều phụ huynh xót con khi nhìn thấy những vết hằn trên tay các em đã phản ánh lên nhà trường. Hiện tại cô Quỳnh đã bị ban giám hiệu cắt thi đua và bị yêu cầu làm kiểm điểm. Cách xử lý của trường Bạch Đằng đã tạo nhiều làn sóng phản ứng trong dư luận.
Đa phần các ý kiến cho rằng lỗi của cô Quỳnh chưa đáng bị khiển trách, và việc đối xử như vậy với người giáo viên sẽ làm giảm uy tín của họ trước mắt các học trò và đồng nghiệp.
Cái roi của người thầy trong ký ức thời đi học
Việc 26 học sinh của trường Bạch Đằng bị giáo viên đánh được nhiều người coi là điều quen thuộc, bởi thuở học trò, nhiều học sinh cũng từng bị phạt như vậy khi mắc lỗi.
Bạn Cường kể, ngày anh học lớp 9, do nói chuyện trong lớp nên bị thầy phạt mặt úp vào tường, tét cho 5 cây roi mây. Về nhà Cường chẳng dám nói ai, khi bị cha mẹ phát hiện lại bị tét thêm vài cây roi. Thế nhưng chưa bao giờ Cường giận thầy và bớt sự tôn kính với ông. “Giờ ra đường gặp thầy dạy lớp 5, tôi vẫn dừng lại để chào bằng được, dù đi bộ hay đi xe máy”, anh tâm sự.
Cũng từng được xử phạt với hình thức tương tự, nhưng cho rằng cách của giáo viên mình đa dạng hơn, Quyên Phạm chia sẻ: “Hồi nhỏ, lớp mình nghịch lắm, nên cứ hay bị phạt tập thể. Có lần lớp bị rớt hạng, cô bắt quỳ gối nguyên lớp, rồi từng đứa bị cô bắt nằm trên bàn đánh vào đít. Lúc đó, cứ đứa nào bị cô đánh thì không dám cho nhà biết, vì chỉ có đứa hư mới bị cô giáo đánh mà thôi”.
Giáo viên chính là những kỹ sư tâm hồn cho các thế hệ học trò. Ảnh: Xã Hội |
Bảo Duy thấy rằng cách phạt của cô Quỳnh tương đối nhẹ nhàng. Dù lười nhưng nghĩ đến không thuộc bài sẽ bị thầy cô phạt nên phải cố học tử tế. “Chính biện pháp mạnh này mới khiến lũ trò nghịch ngợm bớt quậy phá và tập trung học hành hơn”, Duy khẳng định.
Đây là lý do mà nhiều bạn nêu quan điểm, dù không ủng hộ hoàn toàn với cô Quỳnh, nhưng việc đánh trò là cực chẳng đã của các giáo viên.
Giáo viên và những áp lực thời @
Bên cạnh đó, nhiều độc giả cũng bày tỏ sự cảm thông với những áp lực mà các giáo viên đang phải gánh, nhất là trong thời đại mạng xã hội bùng nổ. Chỉ cần một chiếc điện thoại ghi hình là câu chuyện đã được chia sẻ với tốc độ chóng mặt. Có điều, không phải câu chuyện nào cũng phản ánh hoàn toàn sự thật.
“Nhiều phụ huynh bây giờ cứ cho là con mình là ngoan là giỏi, giáo viên có đụng tới một tí là phản ánh đòi kỉ luật, đòi đuổi dạy. Nhưng xin thưa các vị, nhờ những cái đánh đó mà nhiều thế hệ nên người. Đồng ý là giáo dục có cấm việc đánh học sinh, nhưng những cái đánh bằng thước vào tay vào mông thì chẳng chết ai được đâu!”, một bạn trẻ lên tiếng.
Một độc giả tên Hoàng chia sẻ, ngày đi học, lớp anh thuộc dạng "quậy" nhất trường, nên anh cũng từng chứng kiến cảnh thầy cô đánh học trò, với mức độ nặng nề hơn cô Quỳnh rất nhiều. Thế nên anh thấy bất công cho các giáo viên bây giờ bởi: "Hở một chút là lại bị lên án vì thời đại công nghệ phát triển, học trò dễ dàng quay video hoặc chụp ảnh cảnh giáo viên đánh học trò. Đôi khi vì lí do này mà mấy em hay quậy sẽ ỷ lại mà làm tới... Lúc đó thì bó tay!”
Anh cho rằng mọi người hãy đứng ở khía cạnh mình là giáo viên để hiểu được áp lực mà những giáo viên này gặp phải khi quản lý nhiều học sinh với nhiều tính cách khác nhau.
Đồng quan điểm với Hoàng, anh Thiệp Vũ Đức bày tỏ sự thông cảm khi thầy cô giáo ngày nay gặp quá nhiều áp lực về giảng dạy, thanh tra, chuyên môn, đóng góp... "Bỏ nghề không được, dạy thì không xong, mình là bậc phụ huynh mình thông cảm", anh nói.
Giáo dục không nên đi kèm với bạo lực
Cô giáo Quỳnh tâm sự mình đang mang bầu nên hơi nóng giận rồi đánh học trò, cô nhận khuyết điểm khi đánh các em như vậy. Đây có lẽ cũng là điều mà nhiều giáo viên nên rút kinh nghiệm, vì đôi khi không kiềm chế được mà thầy cô có thể khiến các em học sinh thấy tổn thương.
Nhiều người cho rằng, có nhiều cách để dạy dỗ trò nhưng thầy cô cũng nên hạn chế đòn roi mà dùng hình thức khác nhẹ nhàng hơn.
Bạn tên Thúy Nga chia sẻ, không thiếu cách để dạy dỗ các em học sinh này, cô Quỳnh có thể phạt bằng cách cho đi lao động, quét sân trường, tưới cây... Đây là những hình phạt rất bổ ích mà các em học hỏi được nhiều điều và thấm thía hơn chỉ là những đòn roi, bị đánh đau rồi quên mất theo thời gian.