"Cô ở nhà có nấu canh chua không chú? Con gửi chú bịch me này nha", Trúc Ly niềm nở trò chuyện với người đàn ông chạy xe ôm vừa dừng lại bên đường.
Bất ngờ vì không phải được tặng cơm hay bánh mà lại là túi me, người đàn ông vẫn niềm nở nhận lấy, hai người trò chuyện như đã thân quen từ lâu.
Số me này được Trúc Ly mua từ người đàn ông lớn tuổi vô tình gặp trên đường Lý Tự Trọng (quận 1). Thấy chú đã khoảng 70 tuổi, vất vả leo cây hái me nên cô mua lại hết rồi đem chia thành nhiều túi nhỏ, phát cho những người khó khăn dọc đường đi.
Trúc Ly mua giúp me cho người đàn ông lớn tuổi rồi đem tặng cho những người cô gặp dọc đường. |
Sáng sớm, cô dự định đạp xe từ nhà trọ ở quận 1 sang Gò Vấp để trao tiền mạnh thường quân tặng bé gái bán vé số vô gia cư cô gặp từ khi thành phố còn giãn cách.
Ly kể vô tình gặp bé nhưng không xin được số điện thoại, chỉ biết bé hay ngồi ở đoạn đường trước Thiền Viện Vạn Hạnh (đường Nguyễn Kiệm) nên đến đây để tìm.
"Cách tôi đi làm từ thiện suốt 6 tháng qua là như vậy. Tôi cứ đi ra khỏi nhà chứ không biết mình sẽ giúp ai, nhiều khi định chạy qua giúp người này nhưng trên đường gặp vài ba hoàn cảnh khó khăn khác, lại chẳng thể làm ngơ", nữ giáo viên tâm sự với phóng viên Zing.
Cái duyên với từ thiện
Trúc Ly là giáo viên mầm non một trường quốc tế, phải tạm nghỉ vì dịch Covid-19 bùng phát. Cuối tháng 6, cô dùng tiền lương của mình mua đồ tặng người nghèo trước khi về quê Phú Yên tránh dịch.
Thế nhưng, cảm thương hoàn cảnh những người nghèo ở Sài Gòn trong dịch, cuối cùng nữ giáo viên chọn ở lại và gắn bó với việc thiện nguyện suốt 6 tháng qua.
Thời gian đầu, cô mua nhiều bánh ngọt rồi hàng đêm xách túi đi bộ dọc các con đường phát cho người vô gia cư. Vì không thể đi xe máy nên cô đã mượn chiếc xe đạp để tiện di chuyển.
Không chỉ tặng quà, Ly dành nhiều thời gian ngồi xuống tâm sự để hiểu được hoàn cảnh của từng người.
Suốt 6 tháng qua, Trúc Ly đều đặn đạp xe khắp các quận để tặng quà cho người nghèo. |
"Những người nghèo, khó khăn rất ngại trải lòng, họ giữ trong lòng những khắc khổ. Tôi thường ngồi xuống trò chuyện để họ thả lỏng tâm trạng. Khi cảm nhận được đây là người chịu lắng nghe, họ sẽ kể về những điều mà thậm chí không nói được với vợ, với gia đình hay bạn bè. Lúc đó, tôi mới biết họ thực sự cần gì để giúp cho đúng".
Điều cô muốn là giúp người khó khăn được trải nghiệm điều gì đó lần đầu tiên trong cuộc đời, thứ họ cần và rất muốn chứ không phải chỉ là trao những món quà theo cách hời hợt.
Cô kể có lần đi trao quà vô tình hỏi chuyện và biết một chú mua chiếc xe đạp 150.000 đồng nhưng phải trả góp mỗi ngày 20.000 đồng. Sau khi nói chuyện, chú tâm sự muốn có một chiếc xe máy để chạy xe ôm.
"Tôi vừa giúp mua cho chú được cái xe máy thì phong tỏa cứng, không làm được gì. Mấy hôm hết giãn cách, chú lại bị trộm mất cái xe. Nhưng chú không hề than thở hay đòi hỏi gì. Chú đã tự gom tiền mua một cái xe cũ để chạy. Lúc mình gọi điện, chú chỉ bảo: 'Lúc nào con đi xe thì gọi chú nha'".
Thời gian này, rất ít khách đi xe ôm nên Trúc Ly gợi ý xin cho chú một công việc, nhưng phải tiêm đủ vaccine.
"Tôi hỏi chuyện một hồi mới biết chú phải đi cầm chứng minh thư vì đã hết sạch tiền. Cầm chứng minh chỉ được 100.000 đồng để mua đồ ăn thôi. Chiều hôm đó, tôi dẫn chú đi chuộc giấy tờ, rồi đăng ký cho chú đi tiêm vaccine để kiếm việc làm".
Không chỉ tặng quà, nữ giáo viên còn dừng lại trò chuyện với từng người mình giúp đỡ. |
Sợ mắc bệnh sẽ không thể giúp người nghèo
Những tháng phong tỏa, Trúc Ly đăng ký làm tình nguyện viên cho một tổ chức bảo trợ xã hội. Cô thường có trách nhiệm tìm hiểu, xác minh những hoàn cảnh khó khăn để hỗ trợ tiền và giúp những người có nhu cầu vào ở trong mái ấm tình thương.
"Nỗi sợ lớn nhất của tôi là mình trở thành F0, khu nhà bị phong tỏa thì không thể đi giúp người ta. Nhiều khi tôi nằm trằn trọc, mất ngủ cả đêm, chỉ mong đúng 5h sáng để dẫn người ta đi test Covid-19 rồi đưa họ vào nhà trọ tình thương".
Những tháng mùa dịch, nhiều bạn bè can ngăn vì sợ Ly sẽ lây nhiễm bệnh nhưng cô vẫn quyết tâm phải đi.
“Trong đầu tôi chỉ có một suy nghĩ duy nhất thôi là nếu mình không làm, họ sẽ thiệt thòi, nên bất chấp nguy hiểm để tiếp tục công việc này", cô nói.
Nỗi sợ lớn nhất của Trúc Ly những ngày phong tỏa là nếu cô bị nhiễm bệnh, sẽ không thể tiếp tục giúp người nghèo. |
Ly nhớ những ngày phong tỏa, cô phải mặc đồ bảo hộ kín mít, đạp xe mấy chục cây số dưới trời nắng nóng để đi trao quà cho mọi người. Có ngày, cô đạp xe từ quận 1 sang quận 12 nhưng không thấy mệt. Những lần đi qua chốt chặn, Ly còn được cán bộ trực chốt tặng nước uống và động viên cố gắng.
Có thời gian cô hỗ trợ đội phát lương thực tiếp tế, cứ mỗi sáng đạp xe từ nhà trọ ra bến xe miền Đông, ngồi lên ôtô đi phát rồi chiều tối lại đạp xe về, đến nỗi nhân viên các chốt chặn quen mặt và không cần hỏi giấy tờ.
"Hồi đầu có thể đi buổi tối và đi phát cơm trưa, đến khi giãn cách cứng, tôi chỉ được đi ban ngày. Nhiều hôm tôi mải đi, tôi quên mất cả uống nước, cả ngày chỉ ăn một bữa mà quên luôn cảm giác đói".
Truyền cảm hứng
Trúc Ly nói rằng niềm vui của cô là không chỉ giúp người vô gia cư có thêm một bữa no, mà còn có những lần giúp thay đổi cả cuộc đời của người khác.
Một lần, Ly gặp Trung - cậu thanh niên vô gia cư bị cụt một tay nằm dưới chân cầu Bông (quận 1, TP.HCM).
"Khi thấy cậu ấy, mình cũng trò chuyện hỏi han, mới biết cậu từng học khoa Luật của ĐH Thủ Dầu 1 (Bình Dương). Trung không có bố mẹ, ông bà ngoại vừa mất vì Covid-19, thế giới của cậu sụp đổ hoàn toàn, còn vay nợ rất nhiều và dường như buông bỏ mọi thứ".
Khi Trúc Ly đăng clip về câu chuyện của Trung lên mạng, bạn cùng lớp đã vào bình luận: “Trời ơi đây là lớp trưởng Trung, học rất giỏi, sao bây giờ lại thế này”. Họ hàng ở quê của cậu cũng ngỡ ngàng khi thấy cháu phải ngủ gầm cầu.
Sau đó, nhiều người bạn cũ và cộng đồng mạng đã giúp đỡ Trung trả hết nợ. Cậu còn được mạnh thường quân giúp đỡ một công việc tại văn phòng Luật ở quận 1.
"Bạn có nhắn cho mình một tin nói rằng: 'Cả cuộc đời này, em sẽ không quên ơn chị'. Mình hạnh phúc khi bạn ấy giờ có việc làm ổn định, kết nối lại với bạn bè ở quê và cuộc đời bước sang trang mới".
Cô không quản ngại khó khăn, mệt nhọc khi giúp đỡ người khó khăn. |
Hơn 6 tháng làm từ thiện, Trúc Ly luôn nhìn vào những hoàn cảnh khó khăn để không từ bỏ, dù đôi lần phải suy nghĩ quá nhiều về việc từ thiện sao cho đúng cũng khiến cô quá tải, sốc tâm lý.
"Tôi từng bị người ta giả mạo Facebook rồi đi lừa đảo tiền từ bạn bè trên mạng. Khi đó, tôi đã sốc và mất khoảng 3 ngày mới bình tâm lại. Tôi không muốn bạn bè của mình bị lợi dụng, việc tốt của mình bị kẻ khác dùng để trục lợi".
Trải qua những mệt nhọc, niềm vui của nữ giáo viên là được gặp gỡ và giúp nhiều người khó khăn, để họ có được niềm vui nho nhỏ.
Những video của Trúc Ly lan truyền trên mạng cũng truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ làm việc thiện, yêu thương những hoàn cảnh khó khăn xung quanh họ.
"Mình được bạn bè, cộng đồng mạng giúp đỡ và ủng hộ rất nhiều. Đôi khi họ gửi cho mình ít quà, nhắn riêng muốn hỗ trợ người này người kia sau khi xem clip của mình. Có khi là 50.000 đồng hay vài chiếc bánh thôi, nhưng đó đều là những món quà ý nghĩa cho người cần".
Trúc Ly không đăng số tài khoản để kêu gọi từ thiện mà chỉ làm với danh nghĩa cá nhân và làm trong khả năng của mình. Cô chỉ nhận sự hỗ trợ thêm khi ai đó thực sự muốn giúp, nhắn riêng để trao đổi.
Sau hơn 2 tiếng chờ đợi vẫn không thấy cô bé bán vé số về nghỉ, Trúc Ly tiếp tục đạp xe đi phát nốt số me còn lại trên đường sang Gò Vấp gặp một cặp vợ chồng khó khăn khác đang cần giúp đỡ.