Du lịch
Địa điểm du lịch
Cô giáo đầu tiên chinh phục cực bắc Việt Nam
- Thứ bảy, 7/3/2015 09:49 (GMT+7)
- 09:49 7/3/2015
"Ngụm nước mát lạnh của dòng sông miền biên cương là thứ giải khát ngọt ngào nhất tôi từng uống", Thảo Nguyên chia sẻ sau hành trình gặp nhiều bất ngờ.
|
Đặng Thị Thảo Nguyên là giáo viên Anh văn cấp 2-3 trường PTTH Chuyên Trần Đại Nghĩa, TP HCM. Đầu năm Ất Mùi 2015, cô cùng những người bạn đã từ miền Nam quyết tâm chinh phục điểm cực bắc thực sự của Tổ quốc - mỏm đá dưới lòng sông Nho Quế, Mèo Vạc, Hà Giang. Cô và một người bạn nữ nữa trong đoàn là hai cô gái đầu tiên tới cột mốc này, theo ghi chép từ đồn biên phòng Lũng Cú - nơi tất cả du khách phải đăng ký và được phép mới được tiếp tục hành trình.
|
|
Nguyên đã đi Đông Bắc và Tây Bắc từ năm 2011, qua các tỉnh thành như Hòa Bình, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng. Cô cũng đã chinh phục đỉnh Fansipan, tới các mốc biên giới Việt - Trung như mốc 17 nơi sông Đà chảy vào đất Việt, mốc 92 nơi sông Hồng chảy vào đất Việt, mốc 29, cửa khẩu U Ma Tu Khòong… Cô yêu thích vùng đất này muốn có nhiều thời gian để khám phá, muốn tìm hiểu sâu sắc văn hóa, con người nơi đây. |
|
Trên đường đi cực bắc, không tìm được đường mòn của người dân, cả đoàn phải trượt cỏ theo triền dốc xuống trong cái nắng nóng gắt của buổi trưa. Những con dốc nghiêng đến 40 độ cùng cỏ lau cao ngút đầu người thật sự là một trở ngại khủng khiếp với cô gái thành phố. Tuy nhiên, bạn đồng hành của Nguyên cho biết, cô bình tĩnh và còn hướng dẫn, động viên 2 người bạn, lắng nghe hướng dẫn và luôn tỉnh táo để trượt dốc an toàn, không rối trí.
|
|
Con dốc cứ kéo dài thăm thẳm hàng trăm mét. Xen lẫn cỏ tranh là cây gai sẵn sàng đâm vào người bất cứ lúc nào. Trang bị duy nhất để hãm lại lực tuột của quán tính chỉ là đôi tay. Chưa kể có những lúc vì quá dốc tuột tay trôi tự do vài mét. "Trên đường xuống, nguy hiểm nhất là gặp đám cháy rừng ngay đúng vị trí tuột dốc. Khói bốc lên mù mịt, hơi nóng ngột ngạt, khô khốc là khoảnh khắc khiến tôi hoảng sợ nhất", Thảo Nguyên chia sẻ.
|
|
Sau nhiều tiếng đồng hồ nỗ lực đến kiệt sức, cô và các bạn mới đến được lòng sông Nho Quế. "Ngụm nước mát lạnh của dòng sông miền biên cương là thứ nước giải khát ngọt ngào nhất mà tôi từng được uống", cô kể. |
|
Trong chuyến đi Tây Bắc lần này, qua nhiều chặng đường vất vả, phải di trong mưa rét, nhiệt độ xuống đến 8-9 độ, cô vẫn giữ được sự bền bỉ và sức khỏe ổn định.
|
|
Khúc gian nan và nguy hiểm nhất là phải men theo vách đá thẳng đứng, còn bên kia là sông Nho Quế. Khoảng trống dưới chân chỉ vài chục cm, lại phủ đầy lá khô mục trơn trợt. |
|
Nhiều lúc, cả đoàn gần như không thể đi tiếp vì kiệt sức, phải nghỉ. Thời gian không còn nhiều nhưng điểm cực bắc vẫn còn xa. Dọc đường đi, Nguyên cố gắng ghi lại những bức ảnh đẹp, những thước phim đầy thú vị. Cô dự định dùng những bức ảnh này để kể lại cho học trò những trải nghiệm tuyệt vời.
|
|
15h25 phút ngày 28/2, Thảo Nguyên cùng 4 người bạn đồng hành đã chạm tay vào điểm cực bắc thật sự của Việt Nam tại dòng sông Nho Quế ở tọa độ 23.392707, 105.323258. |
|
Nguyên tâm sự, chuyến đi gian khổ này giúp cô học được rất nhiều thứ - sự nỗ lực không ngừng nghỉ, sự trải nghiệm vượt qua bản thân, sự yêu thương lo lắng của những người bạn và trên hết là tình cảm đối với quê hương, đất nước. |
Lai Châu
cô giáo
đầu tiên chinh phục cực bắc
cực bắc
sông nho quế
đặng thị thảo nguyên
phượt