Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cô giáo dạy toán bằng thơ!

Những con số, phép tính khô khan trong toán học bỗng trở nên mềm mại, thú vị khi được chuyển hóa thành thơ.

Cô giáo mang thơ để truyền cảm hứng cho học trò yêu toán ấy là cô Lê Thị Hải (60 tuổi, trú xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, Quảng Nam).

Dù đã bước sang tuổi nghỉ hưu, thế nhưng cô giáo tận tụy với hơn 35 năm theo nghề vẫn ngày ngày cầm phấn, dốc sức giảng bài trên đôi nạng gỗ bởi trăn trở: “Vẫn còn lận đận học trò/Mỗi mùa thu đến lại lo lắng nhiều”.

35 năm qua, cô Hải ngày ngày tạo cảm hứng cho học trò học toán bằng những vần thơ. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Gieo thơ vào toán

Lối nhỏ dẫn vào nhà cô Hải “nhà thơ” (biệt danh thân thương mà bà con trong vùng thường gọi cô Lê Thị Hải) càng lúc càng thắt lại bởi những trận mưa tầm tã. Từ ngoài ngõ, chúng tôi đã nghe vang vọng tiếng đọc bài đồng thanh, dõng dạc của đám học trò lớp học toán.

Trên bục giảng, cô giáo đứng hơi lom khom, hai bàn tay gầy guộc chống lên đôi nạng gỗ. Cô khẽ nở nụ cười tươi sau khi cả lớp tiếp thu bài học về định nghĩa đường tròn chỉ qua bốn câu thơ: “Em ơi định nghĩa đường tròn/Tâm O bán kính nhớ còn điều chi/Tính chất đối xứng chớ gì/Tập hợp các điểm khắc ghi trong lòng”.

Vừa kết thúc chương đường tròn, giữa lúc học trò còn đang háo hức thảo luận nội dung phần hình học vừa được cô Hải “xuất khẩu thành thơ”, bất thình lình cô chuyển sang kiểm tra kiến thức phần đại số với câu hỏi nhân chia trái dấu. Ngay lập tức, hàng chục cánh tay xung phong phát biểu, trên gương mặt các em lộ rõ sự tự tin.

Ngồi ngay bàn đầu và lắng nghe câu hỏi của cô rõ nhất, Nguyễn Tấn Lập (lớp 9 Trường THCS Lý Thường Kiệt, Quảng Nam) nhanh nhảu đáp: “Nhân chia trái dấu thì trừ/Cùng dấu thì cộng giống như thường làm...”.

Vừa dứt câu, Lập vui vẻ khoe với chúng tôi: “Hai năm đầu cấp II em học toán rất tệ, gần như mất căn bản. Bắt đầu từ năm lớp 8, ngoài giờ học ở trường, em đăng ký học thêm lớp cô Hải, kiến thức toán chẳng mấy chốc được bổ sung”.

Nghe học trò bộc bạch sự tiến bộ, cô Hải bồi hồi tâm sự: “Chuyên khối tự nhiên nhưng ngay từ thuở còn ngồi ghế giảng đường, tôi đã dành tình cảm đặc biệt cho thơ. Khi chính thức bước chân vào nghề giáo và đảm nhiệm bộ môn toán, tôi đã cố lồng ghép thơ vào trong nội dung bài học nhằm đem lại tiết dạy bổ ích, hứng thú cho học trò”.

Lớp học đặc biệt

Mỗi khi nhắc đến lớp học của cô Hải “nhà thơ”, hết thảy phụ huynh, học sinh đều quả quyết chắc nịch: lớp học thêm ấy chẳng bao giờ tìm thấy ở bất kỳ vùng đất nào. Học trò đến lớp phải mặc đồng phục quần xanh áo trắng, đi học phải tới nơi về tới chốn, không la cà quán game... Đó là 3 trong 10 nội quy được cô Hải ghi chép tỉ mỉ và dựng thành khung treo ở góc phòng học.

Cầm trên tay xấp giấy cam kết thực hiện nội quy của gần 20 em đang tham gia lớp học, cô Hải nghiêm nghị cho biết: tất cả học trò học thêm ở đây bắt buộc phải viết cam kết kèm theo chữ ký cùng ý kiến phụ huynh.

Đang đọc một mạch bảng nội quy, bất chợt cô Hải dừng lại ở điều “ăn mặc, tác phong” và bật cười kể cho chúng tôi nghe câu chuyện vui.

“Vào buổi chiều ngày cận tết, một phụ huynh tìm đến nhà và bảo với tôi con trai của chị ấy báo ba mẹ là đi học thêm cô Hải nhưng lại không mặc áo trắng. Nghi ngờ con nói dối, chị này tới tận lớp học và quả thật con chị không đến lớp, đồng thời không có đơn xin phép. Sau khi buổi học kết thúc, tôi và phụ huynh đó cất công đi tìm thì phát hiện em ấy trốn học chơi game. Từ bài học ấy, về sau em không còn dám nói dối nữa và từ bỏ thói hư” - cô Hải kể.

Ngoài 10 điều nội quy mang tính răn dạy, những câu thơ nảy ra bất chợt cũng là “vũ khí” giúp cô Hải thu phục những học trò nghịch ngợm. Bằng chứng là khi trò chuyện với chúng tôi được một lúc, cô bất giác thấy một học trò tên Luật vô tư nói chuyện riêng, cô bèn quay sang em này đọc mấy câu thơ: “Bao năm rồi em chẳng biết chứng minh/Nên cô cố gắng trổ tài mình ra/Không ngờ tình quá xót xa/Văn Luật cứ gọi bả bà, chỉ cô”. Văn Luật cúi đầu hối lỗi, cả lớp học yên ắng như thể vừa lắng nghe một bài học quý giá.

Nhận xét về đàn chị tận tụy, mẫu mực, thầy Huỳnh Ngọc Dũng (hiệu trưởng Trường THCS Lý Thường Kiệt, xã Tam Xuân 1, Núi Thành, Quảng Nam) tự hào nói: “Bảy năm công tác cùng chị Hải dưới một mái trường, tôi thật sự cảm phục trước nhiệt huyết, lòng yêu nghề của chị. Tôi vẫn nhớ lớp nào vào tay chị chủ nhiệm cũng đều đứng nhất toàn trường. Mặc dù đã nghỉ hưu, chân trái tê liệt phải chống nạng nhưng chị vẫn dốc sức cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục của quê nhà”.

Giáo viên hơn 30 năm không có ngày 20/11

Ở khu vực không điện, không đường, không sóng điện thoại, nhiều giáo viên cắm bản chưa từng biết đến món quà, lời chúc ngày 20/11.

http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20151120/co-giao-day-toan-bang-tho/1006030.html

Theo Thanh Ba/Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm