Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cô giáo khuyết tật giỏi và xinh đẹp

Cô giáo Lâm Ngọc Hoa Lan, 28 tuổi, người dân tộc Khmer, bị tật nguyền nhưng đã vượt lên để đạt nhiều thành công.

Lan hiện là giáo viên trường tiểu học An Ninh D, xã An Ninh, huyện Châu Thành. Cô cho biết, gia đình cô thuộc thành phần nông dân Khmer nghèo ở ấp Châu Thành, xã An Ninh.

Năm lên 1 tuổi, Hoa Lan bị sốt bại liệt, đôi chân yếu dần đi. Nhưng với sự giúp đỡ của cha mẹ và sự nỗ lực vượt lên, Hoa Lan đã tập đi và phần nào phục hồi được đôi chân.

Bị bạn trêu chọc cũng quyết đi học

Những ngày đầu đến trường cô học trò nhỏ này gặp không ít khó khăn bởi mặc cảm, cộng vào đó là sự  trêu chọc của bạn bè. Thế nhưng, ước mơ được đến trường đã giúp Hoa Lan vượt lên. Bỏ qua mọi sự trêu chọc của bạn bè, cô học trò nhỏ nhắn Hoa Lan liên tục đạt danh hiệu học sinh tiên tiến và học sinh giỏi nhiều năm liền.

Hoa Lan tâm sự: “Mỗi ngày đến trường em đều nhờ ba chở đi. Em biết hoàn cảnh của mình không may mắn như các bạn cùng trang lứa nhưng em đã tự dặn với lòng mình rằng nếu các bạn có trêu chọc thì kệ các bạn, mình ráng học cho thật giỏi để các bạn không trêu chọc, xem thường mình nữa”.

Năm 2006, sau khi học xong THPT, Hoa Lan đăng ký thi vào Cao đẳng sư phạm Sóc Trăng chuyên ngành Sư phạm tiếng Anh cho gần nhà nhưng trường này có qui chế không tuyển sinh học sinh khuyết tật. Không bỏ cuộc, Hoa Lan lại nộp đơn thi và đỗ vào trường đại học Cần Thơ, ngành sư phạm Anh văn.

Sau khi tốt nghiệp đại học Cần Thơ với kết quả loại khá, Hoa Lan được phân công về giảng dạy tiếng Anh tại trường tiểu học An Ninh D cho đến nay.

co giao khuyet tat anh 1

Cô giáo Lâm Ngọc Hoa Lan cùng học sinh. Ảnh: Xuân Lương/Tiền Phong.

Có học sinh đoạt giải tiếng Anh cấp huyện

Về trường, Hoa Lan được phân công giảng dạy hầu hết các khối ở tiểu học. Hàng năm, cô đều có kế hoạch bồi dưỡng học sinh giỏi và giúp đỡ những học sinh còn yếu. Hiện tại, để đến trường, Hoa Lan vẫn phải nhờ ba làm “tài xế” đưa đón mỗi ngày bởi đường vào nhà Hoa Lan là hẻm nhỏ, sâu trong khu dân cư, không thể đi lại dễ dàng được.

Nhận xét về cô giáo Hoa Lan, thầy Đào Phụ, Hiệu trưởng trường tiểu học An Ninh D cho biết: “Cô ấy là giáo viên trẻ rất nhiệt tình, năng nổ trong các hoạt động cuả trường cũng như ở địa phương. Những năm qua cô đều được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp trường. Trong bồi dưỡng học sinh giỏi tiếng Anh, với sự hướng dẫn nhiệt tình của cô Hoa Lan, trường chúng tôi đã có học sinh đoạt giải trong các cuộc thi tiếng Anh trên internet cấp huyện”.

Đặc biệt, cô Hoa Lan là người khởi xướng, phụ trách Câu lạc bộ Doraemon của nhà trường (câu lạc bộ tiếng Anh dành cho học sinh).

Ngoài công việc giảng dạy, Hoa Lan còn tích cực tham gia CLB Người khuyết tật thành phố Sóc Trăng và của tỉnh với mong muốn được chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với những hoàn cảnh không may mắn như mình.

Năm 2014, Hoa Lan từng tham gia hội thi “Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết” - và đã vào đến vòng bán kết. Dù không lọt vào vòng chung kết nhưng Hoa Lan vẫn tươi cười bởi “dù sao đi nữa, mình vẫn là người may mắn hơn nhiều người khác”. 

48 cô giáo phải thay tên đổi họ để gắn bó với nghề

Vì không có bằng THPT, năm 1996, 48 giáo viên tại các trường mầm non trên địa bàn huyện Nho Quan (tỉnh Ninh Bình) đành đi mượn bằng hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp, thay tên.

http://www.tienphong.vn/giao-duc/co-giao-khuyet-tat-gioi-va-xinh-dep-1009929.tpo

Theo Cao Xuân Lương/ Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm