Sau khi được chọn cử tuyển đi học và tốt nghiệp khoa Hóa, đại học sư phạm Huế, Đinh Thị Thiết trở về quê (Sơn Tây, Quảng Ngãi) vào năm 2011. Do trường THPT của huyện đã đủ giáo viên bộ môn này nên Thiết được điều về công tác tại trường Tiểu học Sơn Liên.
Sau một năm đứng lớp tại điểm trường chính, đến đầu năm học 2012, cô Thiết được tăng cường về cắm bản tại điểm Đăk Doa - Trường Tiểu học Sơn Liên. Đây cũng là một trong những điểm xa nhất của Sơn Tây để dạy chữ cho học sinh lớp 1 và 2.
Cô Thiết đang giúp học trò luyện chữ. |
Gọi là điểm trường nhưng nơi đây chỉ là một căn phòng cấp 4 cũ, rộng khoảng 20m2. Trong đó 2/3 diện tích được dành làm lớp học, phần còn lại làm nơi ở của cô trò. So với cả nước, đây cũng là điểm trường khá đặc biệt - khi số học sinh chỉ vẻn vẹn 4 em.
Nói về việc dạy chữ kiêm làm mẹ của mình, cô Thiết kể: "Trong quá trình đến nhà vận động các em ra lớp, tôi xót xa vô cùng. Học sinh của tôi đều có hoàn cảnh đáng thương. Có những em bố mẹ bị tâm thần. Thậm chí có em, cả bố mẹ đều nghiện rượu, bán luôn cả nhà, đưa nhau lên rẫy ở tận đỉnh núi để làm chòi, phải sống nhờ vào lòng hảo tâm của người dân trong làng".
Thỉnh thoảng, Thiết cùng 4 học trò do cô cưu mang đi hái rau rừng. |
Các học trò giúp cô giáo nhặt rau. |
Cám cảnh trước sự cơ cực của các em, cô Thiết đã đưa về nuôi. Mỗi tháng, riêng tiền thức ăn cho 4 em khoảng hơn 1,5 triệu đồng; đó là chưa tính tiền mua sách vở, giấy bút và quần áo. "Còn gạo thì cứ 1-2 tuần về thăm nhà tôi xin từ mấy người em đang bán tạp hóa. Mỗi lần tôi mang khoảng 10-20 kg gạo lên trường", cô giáo trẻ cho biết.
Trước đó, khi nhận dạy tại điểm trường này, cô Thiết cũng đã nuôi 3 em khác.
Nhận xét về cô giáo này, thầy Lê Hoài Thạnh, Trưởng phòng GD huyện Sơn Tây bày tỏ: "Tuy tuổi đời còn trẻ, với thời gian đứng lớp không lâu thế nhưng cao hơn cả tình thương và trách nhiệm của người giáo viên cắm bản, cô giáo Thuyết còn là một người mẹ của những học sinh nghèo ở bản làng vùng cao Sơn Tây".