Trước khi lắp chân giả, Lềnh đi lại bằng cách dùng hai bàn tay và hai đầu gối để bò.
Câu chuyện bắt đầu từ cuối tháng 10/2014, sau khi có một tấm ảnh được lan truyền trên mạng xã hội về một cậu bé 5 tuổi bị cụt hai bàn chân, không thể đi lại. Hằng ngày, em bò từ ngôi nhà ở nơi sườn núi xuống dưới đường đèo xin bánh kẹo của khách du lịch.
Sau đó, cô giáo Hà “vào cuộc” tìm ra được địa chỉ của em.
“Nhìn thấy bức ảnh Lềnh ngày đó ai cũng xúc động vì đã 5 tuổi rồi nhưng em không thể đứng dậy bằng đôi chân của mình. Tôi nhờ người thân, bạn bè và đã tìm ra Lềnh. Tôi cũng là người mẹ nên rất hiểu cảm giác của một em nhỏ không thể đi lại được bằng đôi chân. Người chụp bức ảnh, một khách du lịch, chỉ nhớ chụp ở đèo Mã Pí Lèng mà không biết rõ địa điểm cụ thể nên mới đầu tôi tìm em rất khó...” - cô Hà nhớ lại.
Có lẽ người dân trong thôn Lềnh không quên được hình ảnh một cô giáo chạy ngược chạy xuôi nhiều lần từ huyện Bắc Quang, vượt qua hơn 240 km đường đèo bằng xe máy đến nhà Lềnh, rồi gặp chính quyền xã để thuyết phục đưa Lềnh xuống Hà Nội lắp chân cho em.
Người dân nơi đây khó khăn, quanh năm sống dựa vào những nương ngô, thiếu thóc gạo thường xuyên. Gia đình Lềnh càng khó khăn gấp bội lần. Bố Lềnh đi Trung Quốc làm thuê, vài tháng mới về thăm nhà một lần. Mẹ Lềnh suốt ngày quanh quẩn với nương ngô trên núi đá tai mèo khô cằn.
Cô giáo Hà (bìa trái), mẹ Lềnh và Lềnh sau khi được lắp chân giả. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
“Tôi kêu gọi bạn bè giúp đỡ trường hợp của Lềnh trên Facebook, sau đó có người ở Hà Nội nhận sẽ giới thiệu giúp để làm chân giả cho Lềnh. Rồi tôi tức tốc từ Bắc Quang lên Mèo Vạc đưa Lềnh đi Hà Nội lắp chân giả. Em tập khoảng một tuần mới đi bình thường được” - cô giáo Hà kể.
Khi đã lắp chân giả cho Lềnh xong, vào các ngày cuối tuần cô lại chạy xe lên nhà Lềnh để tập đi cho em. Rồi cô dạy Lềnh không được ra đường xin bánh kẹo mà phải đi học lấy “cái chữ”.
Lên nhà Lềnh thấy hai bên vách mối mọt đã ăn hỏng hết, cô Hà kêu gọi mọi người trong nhóm thiện nguyện của cô mua bạt đem đến sửa chữa.
“Tình yêu thương của cô Hà dành cho mẹ con tôi, chúng tôi không thể quên” - mẹ Lềnh nghẹn ngào nói.
Người dân nơi đèo cao này bảo nếu không có cô giáo Hà thì Lềnh khó có cơ hội đến trường. Khi đưa chúng tôi từ trung tâm xã lên nhà Lềnh, ông Sùng Mi Sính - chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Pả Vi - bảo: “Người trong xã dù ai cũng thương Lềnh nhưng do quá khó khăn nên không ai giúp gì được. Vì vậy khi thấy Lềnh có chân giả đến lớp, mọi người trong bản vui lắm...”.
Đôi chân giả giúp Lềnh đi lại bình thường. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Chị Sùng Thị Máy (29 tuổi) cứ ôm Lềnh khóc rưng rức khi thấy con trai đã đi lại được bình thường như bao đứa trẻ khác nhờ đôi chân giả.
“Lúc được có mấy tháng tuổi, nó trườn vào bếp lửa, khi được người nhà kéo ra thì hai bàn chân đã bị lửa đốt cháy, không đi được từ đó đến nay” - chị Máy nhớ lại.
Cô Hoàng Thị Hường - giáo viên Trường tiểu học xã Pả Vi, chủ nhiệm lớp Lềnh - cho biết: “Lềnh dù vào sau bạn bè trong lớp, không học qua mẫu giáo về chữ cái cũng như các âm nhưng em tiếp thu rất nhanh.
Biết em thuộc diện gia đình khó khăn và đi lại bằng chân giả nên ban giám hiệu nhà trường hết sức tạo điều kiện để em theo lớp, đến trường đều đặn”.