Theo chị Trần Thị Thúy Quỳnh – phụ huynh em P.M. - ngay sau khi xảy ra sự việc, con gái chị về nhà khóc lóc, không dám đến lớp vì xấu hổ với bạn bè. Chị Quỳnh lo lắng tâm lý con bị ảnh hưởng tâm lý rồi làm điều dại dột.
Cô Đặng Thị H. - giáo viên dạy Hóa trường THPT Cao Bá Quát - cho hay: “Để xảy ra sự việc này, tôi thấy bản thân cũng có lỗi một phần vì nghiệp vụ sư phạm chưa chuẩn. Tuy nhiên, sự việc xảy ra không hẳn như phụ huynh em P.M. phản ánh với báo chí".
Theo nữ giáo viên, vào giờ học Hóa hôm thứ bảy (ngày 10/9) của lớp 10A3, cô phát hiện P.M. nói bậy. Cô nói việc các em nói chuyện trong giờ học đã là thiếu tôn trọng giáo viên chứ chưa kể nói bậy.
Cô giáo này đưa ra hai phương án cho em P.M. lựa chọn: Viết bản kiểm điểm và mời phụ huynh hoặc "xử lý" cái miệng. "Tuy nhiên, tôi vừa nói xong thì trống trường điểm hết giờ học nên tôi đành nói với các em sẽ xử lý sau".
Cô H. kể sang ngày thứ ba (13/9), cô có tiết đầu tiên tại lớp 10A3 nên nhắc lại sự việc của em P.M. Quan điểm của nữ giáo viên là đã nói cần xử lý nghiêm túc để lần sau các em lấy đó làm gương. Cô H đã gọi bạn P.M. lên và nói: “Có con nào muốn giúp bạn xử lý cái miệng không?”, lúc ấy em H.A. giơ tay. Tôi gọi H.A. vả vào miệng P.M. 5 cái rất nhẹ.
Đơn khiếu nại của phụ huynh em P.M. Ảnh: Infonet.
|
Cô giáo dạy Hóa cho biết sau đó, cô mời bạn khác làm lại và em N.H.Đ. giơ tay. Học sinh này vả vào miệng bạn chỉ nhẹ hơn H.A. một chút chứ không phải đánh theo kiểu thù hằn, thâm tím mặt mày, choáng váng đầu óc, tinh thần hoảng loạn như đơn phản ánh của phụ huynh em P.M.
"Giờ học lại bắt đầu như mọi tiết học khác. Tôi cho một bài tập bình thường, rất nhiều học sinh giơ tay lên bảng trong đó có P.M., tôi đã ưu tiên gọi P.M. lên bảng. Tuy học sinh này làm sai một chút, tôi vẫn cho 9 điểm để em ấy hiểu việc phạt là muốn tốt cho em, chứ cô không thù hằn hay ghét bỏ.
Học sinh trong lớp cũng nói, sau giờ học Hóa, em P.M. hoàn toàn bình thường, vẫn nô đùa với bạn bè, thậm chí tối về vẫn online Facebook. Đến ngày thứ tư (14/9), tôi nghe cô giáo chủ nhiệm lớp 10A3 gọi điện nói phụ huynh kiện tôi về tội danh làm ảnh hưởng tới tinh thần học sinh”, cô H. nói.
Nữ giáo viên cũng chia sẻ thêm lúc bấy giờ, cô rất sốc vì không bao giờ nghĩ vì thù hằn cá nhân mà làm ảnh hưởng học sinh. Tuy nhiên, cô cũng nhận ra sai sót của mình trong việc này. "Sau đó, nhiều lần tôi đến nhà em P.M. xin lỗi nhưng phụ huynh em không chịu gặp".
Vẫn theo nữ giáo viên, thứ tư, em P.M. nghỉ học. Thứ năm(15/9), cô H. có tiết đầu ở lớp 10A3, nhưng hiệu trưởng nói phụ huynh yêu cầu không dạy lớp này vì trước đó có mâu thuẫn với trò, cô cũng đồng ý.
Nữ giáo viên cho hay đã xin 20 phút để xuống lớp nói chuyện với các em và xin lỗi P.M ,cũng như nói lời chia tay với lớp.
Cô H, cũng nói có lỗi với em N.V.Đ. (học sinh thứ hai tát em P.M.) vì bị chuyển từ lớp chọn sang lớp cơ bản. Nữ giáo viên đã tới nhà xin lỗi phụ huynh em này vì để thi vào lớp chọn là sự cố gắng rất lớn của bản thân em.
Hiện, cô giáo dạy Hóa đã bị hình thức kỷ luật cảnh cáo với viên chức, kèm theo không chủ nhiệm lớp 12A7 và không dạy lớp 10A3. Sau đó, nhà trường tổ chức cuộc họp có mời cả bố và mẹ P.M. (vì bố mẹ học sinh này đã ly thân) nhưng mẹ em không đến. Cô H. khẳng định tại buổi họp, bố P.M. cũng thông cảm với sự đáng tiếc của cô và đồng ý chấm dứt sự việc tại đây.
"Tuy nhiên, phụ huynh em P.M. lại cho đó là hình phạt quá nhẹ và yêu cầu tôi đến ngày 15/10 phải viết đơn nghỉ việc và chuyển trường, nếu không thực hiện sẽ tiếp tục viết đơn. Tôi đã không làm theo yêu cầu phụ huynh em P.M. bởi lẽ, tôi đã công tác tại trường THPT Cao Bá Quát hơn 11 năm nay, có rất nhiều kỷ niệm với học sinh và đồng nghiệp", cô H. nói.
Nữ giáo viên cũng cho rằng chuyển trường đồng nghĩa với việc chấp nhận điều mà phụ huynh em P.M. nêu trong đơn là cho học sinh đánh em P.M. thâm tím mặt, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tinh thần học sinh.
"Đành rằng, sự việc này bản thân tôi cũng sai nhưng tình hình sức khỏe của em P.M. không quá nghiêm trọng như vậy”, nữ giáo viên nêu quan điểm.