Trả lời Zing.vn, PGS, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thường, giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết bệnh viện chưa từng tiếp nhận trường hợp bệnh nhân nào tử vong vì nặn mụn.
Câu chuyện lan truyền trên mạng về vị bác sĩ tên Ngô Thanh Loan, công tác tại bệnh viện kể lại vụ việc xảy ra từ năm 2013, có một thanh niên nhập viện do biến chứng nặn mụn trong tình trạng lơ mơ, sốt cao, nhịp thở nhanh, mạch nhanh, huyết áp tụt, chân tay lạnh, tím các đầu chi. Sau đó, người này tử vong.
“Tôi khẳng định, từ năm 2013, không có bất kỳ trường hợp nào tử vong tại Bệnh viện Da liễu Trung Ương. Bệnh nhân tử vong là vấn đề nghiêm trọng và được quản lý chặt chẽ, nếu có trường hợp như vậy, tất nhiên phải có trong y bạ của bệnh viện”, Tiến sĩ Thường nói. Ông cũng cho biết thêm, bệnh viện cũng không có bác sĩ nào tên Loan như trong thông tin trên.
Hơn 30 năm gắn bó với bệnh viện, bác sĩ Thường cũng chia sẻ ông chưa từng ghi nhận trường hợp nhập viện trong tình trạng nguy kịch như vậy. “Thực tế, nếu có bất kỳ trường hợp nào trong hoàn cảnh hôn mê, sốt cao, nguy kịch, bện nhân sẽ được cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai hoặc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương ngay gần kề chứ không phải Bệnh viện Da Liễu Trung ương”, ông nói.
Tuy nhiên, PGS Thường cũng khuyến cáo với các trường hợp bị mụn, tuyệt đối không tự ý nặn, đặc biệt với mụn to, mưng mủ. Hệ quả của nặn mụn sai cách nhẹ có thể dẫn tới đinh râu, nốt ruồi, nặng có thể bị nhiễm trùng huyết. Trong đó, nhiễm trùng huyết hoàn toàn có thể dẫn tới tử vong. Tốt nhất bạn nên đến các bệnh viện, trung tâm da liễu để được điều trị bằng máy móc và các phương tiện hiện đại, tránh tai biến xảy ra.
Cùng quan điểm với Tiến sĩ Thường, Tiến sĩ Nguyễn Duy Hưng đang công tác tại Bệnh viên Da liễu Trung ương cũng chia sẻ với Zing.vn, chỉ một loại mụn có thể nguy hiểm đến tính mạng là mụn đinh râu.
Theo bác sĩ Hưng, đinh râu là loại nhọt độc, có hiện tượng viêm, nơi cư trú của vi khuẩn. Khi nặn sẽ phá vỡ hàng rào bảo vệ, lan rộng theo đường máu, vi khuẩn qua vết nặn vào máu gây nên nhiều bệnh lâm sàng khác nhau như nhiễm trùng huyết, viêm nhiễm lan rộng xung quanh, hoặc sốc nhiễm trùng.
Loại mụn này nếu không được điều trị đúng và kịp thời có thể tử vong. Mụn thông thường xử lý sai cách dễ bị phát triển thành mụn đinh râu. Biến chứng thường xảy ra do nặn mụn trứng cá, mụn nhọt không đúng cách, nhổ râu, cạo râu bị chảy máu, xăm môi, ngoáy mũi bằng tay gây xước, dẫn đến nhiễm trùng.
Khi bị đinh râu, tuyệt đối không được dùng tay, nhất là tay bẩn để nặn. Dùng tay để nặn sẽ làm cho các vi khuẩn xâm nhập vào hệ thống tĩnh mạch, dẫn đến nhiễm trùng máu. Đây là một dạng nhiễm trùng toàn thân nghiêm trọng, nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách thì tỷ lệ tử vong sẽ rất cao.
Những sai lầm khi chăm sóc da mụn
Theo bác sĩ Hưng nặn mụn là thói quen xấu, không thể chữa dứt điểm mà còn tạo cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập, mụn dễ bùng phát mạnh hơn. Ngoài ra, nặn mụn không đúng cách, tay hoặc dụng cụ không hợp vệ sinh, không đúng thời điểm còn để lại sẹo thâm, sẹo lõm trên da làm mất thẩm mỹ.
Tự ý mua và sử dụng thuốc trị mụn không có chỉ dẫn của bác sĩ cũng là một trong những nguyên nhân làm mụn lâu khỏi hơn. Không phải loại thuốc trị mụn nào cũng an toàn với da và trị được tất cả các loại mụn. Bên cạnh đó, trên thị trường xuất hiện nhiều loại thuốc trị mụn kém chất lượng, chứa thành phần độc hại gây kích ứng da, bào mòn, viêm nhiễm nặng.
Trong trường hợp mụn sưng to, kèm theo nóng, đỏ và đau nhức, mệt mỏi, sốt li bì, người bệnh nên đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Khi mới phát hiện vết sưng đỏ, chưa có mủ cần dùng bông chấm cồn iốt 1-3% lên chỗ sưng nhiều lần trong ngày.
Không tự đắp các loại lá trực tiếp lên chỗ sưng đau vì có thể gây ngứa hoặc nhiễm trùng dẫn đến bội nhiễm, rất nguy hiểm. Khi mủ đã chín, người bệnh nên đến thầy thuốc hoặc y tá tháo mủ theo đúng quy trình kỹ thuật và chế độ vô khuẩn, vô trùng.
Để phòng ngừa mụn nên chú ý giữ vệ sinh tốt, tắm gội, lau mồ hôi, giữ da thông thoáng bằng việc rửa mặt 2 - 3 lần mỗi ngày bằng nước sạch.