Năm Thìn có thể là hy vọng cải thiện tình trạng dân số ở một số nước châu Á. Ảnh: Chwee/MCI Photo. |
Sinh con vào năm rồng là niềm tin lâu nay của nhiều gia đình tại châu Á, với hy vọng con cái họ sống sung túc và thành công.
Mỗi lần đến năm Thìn, một số quốc gia châu Á ghi nhận số ca sinh tăng mạnh. Các cặp vợ chồng thường tính trước thời điểm mang thai và sinh con, lựa chọn phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm hoặc lên lịch sinh mổ để đảm bảo con họ chào đời trong năm này.
Một nữ hộ sinh tại Đài Loan kể rằng vào năm 2012, những bé chào đời vào năm Nhâm Thìn lấp đầy các giường bệnh, khiến nhiều bà mẹ phải sinh ngay tại hành lang bệnh viện, theo Guardian.
Hy vọng bùng nổ dân số
Các bệnh viện tại Trung Quốc trong năm nay đã đưa ra những hướng dẫn và thời gian biểu cụ thể cho các cặp vợ chồng khi thụ thai để có thể chào đón “bé rồng”, theo Washington Post.
Zhai Zhenwu, Chủ tịch Hiệp hội Dân số Trung Quốc và là giáo sư tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, nói rằng niềm tin của người ở xứ tỷ dân về năm sinh sẽ mang đến những hy vọng về tỷ lệ sinh khởi sắc trong năm nay.
Trước đây, vào năm Nhâm Thìn 2012, số ca sinh tại Trung Quốc tăng hơn 930.000 ca so với 2011. Năm Canh Thìn 2000 cũng ghi nhận số ca sinh hơn 280.000 ca so với năm 1999.
Tại Việt Nam, Tổng cục Thống kê cho biết tổng tỷ suất sinh năm 2012 đạt 2,05 con/phụ nữ, tăng so với mức 1,99 con/phụ nữ của năm 2011.
Với Singapore, nước này năm 2012 có tổng tỷ suất sinh cao nhất trong 5 năm, với 1,29 con/phụ nữ.
Năm Rồng được xem là hy vọng cải thiện tình trạng tỷ suất sinh thấp ở các nước châu Á.
Trung Quốc vào năm 2022 lần đầu giảm dân số sau 6 thập kỷ. Các chuyên gia lo ngại nếu tỷ suất sinh tiếp tục ở mức báo động, dân số nền kinh tế số hai thế giới chỉ còn khoảng hơn nửa tỷ người vào năm 2100.
Tại Nhật Bản, dân số đang giảm với tốc độ nhanh nhất và đã giảm trong 14 năm liên tiếp. Năm 2022, mức giảm này là khoảng 800.000 người. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử toàn bộ 47 tỉnh ở Nhật Bản đều giảm dân số trong một năm.
Trong thông điệp năm mới được đăng trên website Văn phòng Thủ tướng Singapore, Thủ tướng Lý Hiển Long nói rằng đây là thời điểm thích hợp để các cặp vợ chồng đón thêm “bé rồng” cho gia đình.
“Tôi hy vọng sự khuyến khích của tôi sẽ thúc đẩy nhiều cặp vợ chồng cố gắng có con hơn, mặc dù tôi biết rằng quyết định này mang tính cá nhân. Trên thế giới, đặc biệt là ở những xã hội phát triển như Singapore, tỷ lệ sinh đang giảm dần”, ông nói.
Thủ tướng Singapore cho rằng mỗi thế hệ sẽ có những kỳ vọng khác nhau. Những người trẻ ưu tiên phát triển sự nghiệp, theo đuổi sở thích khác. Ngay cả những cặp vợ chồng muốn có con cũng có thể trì hoãn bằng những biện pháp can thiệp.
“Tất cả điều này là khá dễ hiểu, nhưng tôi vẫn hy vọng sẽ có nhiều cặp vợ chồng Singapore quyết định sinh thêm con và sinh sớm hơn”, ông Lý Hiển Long nhấn mạnh.
Naci Mocan, giáo sư kinh tế tai Đại học bang Louisiana, Mỹ, dự báo khoảng một triệu trẻ sẽ được sinh tại Trung Quốc trong năm 2024.
Mạng xã hội Trung Quốc cũng xuất hiện nhiều hơn các cuộc thảo luận giữa những bà mẹ mang thai, trong khi truyền thông nhà nước đưa tin doanh số bán sản phẩm liên quan đến thai kỳ tăng kể từ cuối năm 2023, theo Guardian.
Người Trung Quốc quan niệm rằng những đứa trẻ sinh vào năm Thìn sẽ gặp may mắn, có triển vọng thành đạt. Ảnh: Xinhua. |
Áp lực vô hình với những “Rồng con”
William Yang, phóng viên người Đài Loan, nói rằng ông cảm thấy văn hóa và xã hội đã vô hình tạo áp lực lên những người sinh năm rồng, dù gia đình ông không thực sự mê tín.
“Tôi sinh vào năm rồng, với quan niệm về may mắn và thành công, điều đó có thể đã ảnh hưởng đến tiềm thức rằng tôi phải khám phá, đưa ra những quyết định lớn lao, đón nhận những thử thách lớn hơn”, ông nói.
Theo Cơ quan Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER), tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận có trụ sở tại Mỹ, các nhà nghiên cứu phát hiện cha mẹ của những đứa trẻ sinh năm Thìn thường có kỳ vọng cao hơn so với những trẻ sinh năm khác.
NBER dẫn các nghiên cứu chỉ ra học sinh năm Thìn có tỷ lệ nhận bằng đại học cao hơn 14% so với 11 cung còn lại trong 12 con giáp.
Hank, người sinh năm 2000 (Canh Thìn) tại tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, hiện là sinh viên tại đại học Anh, kể rằng đã chịu không ít áp lực khi lớn lên. “Tôi là con trai một, lại sinh vào năm Thìn, do đó, gia đình bên nội đặt kỳ vọng rất cao vào tôi”, Hank nói.
Trong nghiên cứu năm 2020, giáo sư Mocan nói việc các gia đình chờ đến năm Thìn để sinh con sẽ khiến các lớp học của những học sinh năm này khi lớn lên sẽ đông hơn, tỷ lệ cạnh tranh khi bước vào thị trường lao động cũng cao hơn.
"Cha mẹ thậm chí không để con họ làm việc nhà. Quan niệm về những người con năm rồng khiến họ đầu tư nhiều hơn, đồng thời cũng gây áp lực nhiều hơn. Không có bằng chứng khoa học nào chỉ ra trẻ em năm Thìn sẽ thành công hơn. Điều này cho thấy ảnh hưởng đáng kể từ những niềm tin văn hóa", ông Mocan nói.
Máu là sức mạnh tự nhiên, là nguồn năng lượng quan trọng đã duy trì sự sống của chúng ta từ thời xa xưa. Bạn có thể không biết mình thuộc nhóm máu nào trừ khi bạn từng đi hiến máu hoặc cần truyền máu. Tại sao nhóm máu của chúng ta lại mạnh mẽ đến vậy? Vai trò thiết yếu của nhóm máu đối với sự tồn tại của chúng ta là gì - không chỉ trong hàng nghìn năm trước mà cho đến tận ngày nay?
Cuốn sách Ăn theo nhóm máu của BS Peter J D’Adamo gợi ý những chế độ ăn theo nhóm máu và những tác động đến sức khỏe, đời sống và tuổi thọ.