Trong buổi gặp gỡ cộng đồng doanh nhân tại TP.HCM chiều 11/1, Đại sứ Saleh Mohamed Ahmed Al Saqri đánh giá: "Hàng hóa Việt Nam đang có cơ hội rất lớn để xuất khẩu vào Arab vì đây là thị trường đông dân và nhu cầu hàng hóa, đặc biệt là hàng tiêu dùng, rất cao".
Ông khuyên rằng doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý đến vấn đề văn hóa trước khi có ý định xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này.
“Chẳng hạn, văn hóa ẩm thực của vùng Vịnh khác rất nhiều so với ẩm thực Việt Nam. Vì vấn đề tôn giáo và thói quen văn hóa, người dân tại đây không ăn một số loại rau củ và thịt. Vì vậy, trước khi xuất khẩu sang thị trường này, cần phải tìm hiểu rất kỹ đặc điểm đó”, vị đại sứ cho biết.
Đại sứ Oman tại Việt Nam Saleh Mohamed Ahmed Al Saqri (trung tâm) chia sẻ về văn hóa thị trường khối Arab vào chiều ngày 11/1. Đây là lần thứ 2 ông công tác TP.HCM trong nhiệm kỳ tại Việt Nam. Ảnh: Hồng Ngọc. |
Đại sứ cho rằng cách tốt nhất để các sản phẩm Việt Nam có thể thâm nhập vào thế giới Arab là tham gia vào các hội chợ, triển lãm.
“Các bạn cần mang sản phẩm của mình đến đó, để mọi người có thể trực tiếp trải nghiệm sản phẩm, cũng như trực tiếp trao đổi thông tin với khách hàng tiềm năng. Đây là cách hiệu quả nhất để giới thiệu sản phẩm, cũng như nắm bắt được nhu cầu, thói quen tiêu dùng của thị trường này”, ông nói với Zing.
Vị đại sứ khuyên các doanh nghiệp muốn thử sức ở thị trường các nước Trung Đông cần một tham vọng lớn cùng với sự kiên nhẫn.
“Dư địa lớn”
Một số doanh nghiệp Việt Nam cũng chia sẻ về cơ hội và thách thức khi nhắm đến thị trường Arab. Từng khảo sát thị trường ở Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất), bà Nguyễn Hoàng Hạnh Tiên, đại diện công ty mật ong Phong Sơn ở Bình Dương, đánh giá Arab là thị trường ít người khai phá.
Nhiều doanh nghiệp có xu hướng chọn các thị trường quen thuộc như Mỹ, Trung Quốc, châu Âu. Vì vậy, việc tìm hiểu thị trường này để đánh giá, so sánh với các thị trường khác có thể mang lại cơ hội rất lớn.
Bà cũng cho rằng nhu cầu tại Arab rất lớn bất chấp khác biệt văn hóa, vì có rất nhiều người nhập cư. “Mật ong của chúng tôi có nhiều vị, nếu loại nào không hợp khẩu vị với người Arab, thì vẫn có thể phù hợp với người nhập cư Indonesia hay Pakistan”, bà nói với Zing.
Bà cho rằng những sản phẩm mạnh của Việt Nam là tiêu và điều, bên cạnh gạo và cà phê. Trái cây tươi, thủy sản cũng rất được quan tâm.
Đại sứ Oman đi thăm một nhà máy sản xuất mật ong của Việt Nam. Ảnh: Duy Hiệu. |
Có 20 năm tìm hiểu và xuất khẩu nông sản vào thị trường Arab, ông Đỗ Hoàn Vũ - Giám đốc phụ trách bán hàng và tiếp thị của Hợp tác xã Nông Phú - đánh giá thị trường Arab khá lớn, người dân có thu nhập cao và thân thiện với các sản phẩm nông sản Việt Nam, như gạo, trái cây.
Ông cho biết doanh nghiệp của ông xuất khẩu các loại gạo, trái cây sấy dẻo, trái cây tươi đến khu vực này. Các mặt hàng như cà phê, cacao còn rất nhiều dư địa so với Mỹ hay châu Âu, và không phải cạnh tranh quá nhiều với đối thủ nặng ký.
“Có nhiều dư địa, nhất là những mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh về cả sản lượng và giá cả, như gạo. Gạo Việt Nam từ lâu đã thâm nhập vào các thị trường như Oman, Qatar, Iran, Iraq, Sudan, Libya, Jordan”, ông nói với Zing.
Đánh giá về lợi thế của hàng hóa Việt Nam so với các nước khác tại thị trường Arab, các doanh nghiệp khác đều đồng ý rằng giá cả là ưu điểm cạnh tranh lớn nhất.
Thách thức
Nhận định về thách thức, bà Tiên cho biết sự thiếu thông tin và thiếu các tổ chức giúp giao lưu, kết nối để xúc tiến thương mại giữa Việt Nam với các nước Arab là một trong những khó khăn lớn.
“Chúng tôi phải tự tìm hiểu thông tin về các hội chợ thông qua mối quan hệ với doanh nghiệp Việt Nam khác từng tiến vào thị trường này”, bà chia sẻ.
Bên cạnh đó, văn hóa của Arab cũng còn lạ lẫm so với nhiều người Việt. Ngay cả cộng đồng người Việt ở Trung Đông cũng không nhiều, bà nói thêm.
"Vì vậy, cách tiếp cận đúng hướng để phát triển suôn sẻ ở thị trường này khá khó khăn”, bà nói. Dẫu vậy, bà tin rằng một khi đã thâm nhập được vào, mọi chuyện sẽ trở nên dễ dàng.
Đồng quan điểm, ông Vũ cho rằng thiếu quy hoạch về thị trường cũng là một khó khăn đáng lưu ý. “Doanh nghiệp phải tự tìm cơ hội ở thị trường Arab, trong khi hiếm có hỗ trợ chính thức hoặc có các buổi giao lưu về cơ hội ở thị trường này”, ông nhận xét.
Đề xuất hướng đi để vượt qua những khó khăn trong việc tiếp cận thị trường Arab, bà Tiên cho rằng các doanh nghiệp cùng chí hướng cần hợp tác để hỗ trợ trong việc tìm kiếm thông tin cũng như khách hàng tiềm năng.
Ông Vũ đồng ý, nói thêm rằng việc tìm hiểu đặc điểm văn hóa và tiêu chuẩn đối với các mặt hàng cũng là bước đi quan trọng.