Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cơ hội nào cho cử nhân luật vào ngành tòa án?

Theo quan điểm của Tòa án Nhân dân Tối cao, điều kiện phải có chứng chỉ thư ký tòa án mới được tuyển vào ngành là đúng quy định.

Theo Thông báo số 607/TB-TANDTC ngày 18/9/2020 của TAND Tối cao (về việc tuyển dụng công chức vào ngành tòa án năm 2020), đơn vị này tuyển dụng 195 công chức ngạch thư ký viên cho 34 TAND các tỉnh, thành trên cả nước.

Phải có chứng chỉ thư ký mới được tuyển

Theo đó, ngoài các tiêu chuẩn là có trình độ cử nhân luật trở lên, chứng chỉ ngoại ngữ trình độ bậc 2, chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản thì điều kiện nữa là: Đã được đào tạo nghiệp vụ thư ký tòa án hoặc nghiệp vụ tòa án, chuyên ngành xét xử hoặc nghiệp vụ xét xử.

Trong khi môn học nghiệp vụ thư ký tòa án hoặc nghiệp vụ tòa án, chuyên ngành xét xử hoặc nghiệp vụ xét xử, hiện nay chỉ có Học viện Tòa án (HVTA) thuộc TAND Tối cao mới đào tạo. Kể cả hai ĐH luật lớn nhất nước là Hà Nội và TP.HCM trong chương trình giảng dạy cũng không có môn học này. Với điều kiện nói trên thì một cử nhân trường luật dù tốt nghiệp loại giỏi cũng không đủ tiêu chuẩn nộp hồ sơ tuyển dụng vào ngành tòa án.

Sau thông báo tuyển dụng số 607, ngày 1/10/2020, Tòa án Nhân dân Tối cao có thông báo số 636 bổ sung chỉ tiêu tuyển dụng vào ngành 20 chỉ tiêu công chức. Trong số 20 chỉ tiêu thì một người làm việc tại Vụ Hợp tác quốc tế bằng hình thức xét tuyển với tiêu chuẩn khá cao. 19 công chức được thi tuyển vào làm việc tại các bộ phận hành chính, văn phòng, kế toán, công nghệ thông tin thuộc Tòa án Nhân dân Cấp cao tại TP.HCM và không yêu cầu phải trải qua lớp nghiệp vụ xét xử hay nghiệp vụ tòa án.

Em Lê Văn Tốp, sinh viên khóa 43, ĐH Luật TP.HCM, đánh giá: Với điều kiện như trên thì cái lợi là ngay khi vào làm việc tại tòa, thư ký đã có kiến thức về nghiệp vụ không phải đi học thêm.

Tuy nhiên, quy định này lại tạo ra sự cạnh tranh không công bằng, không bình đẳng giữa các sinh viên học tại Học viện Tòa án với các trường khác có đào tạo ngành luật. Tức là sinh viên luật dù giỏi đến đâu cũng không thể vào ngành tòa án nếu không học tại Học viện Tòa án. Ngành tòa án mất đi cơ hội tuyển dụng các sinh viên luật giỏi từ bên ngoài.

“Em mong muốn tòa nên cân bằng nguồn tuyển sinh song song giữa Học viện Tòa án với sinh viên luật từ các trường khác” - em Tốp nói.

Một sinh viên khóa 44, ĐH Luật TP.HCM cho rằng nhiều sinh viên học luật khi ra trường mong muốn được làm cán bộ tòa án, thư ký, thẩm phán. Nếu ngành tòa án tuyển dụng với điều kiện như trên thì vô tình đã bít cửa, tước đi cơ hội của nhiều cử nhân luật.

co hoi viec lam sinh vien luat anh 1

Sinh viên ĐH Luật TP.HCM trong ngày tốt nghiệp. Ảnh: BYC.

Quan điểm của Tòa Tối cao

Ngày 18/12/2020, TAND Tối cao nhận được công văn kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Định do Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến.

Công văn cho rằng TAND Tối cao quy định người tham gia thi tuyển công chức vào ngành tòa án phải có chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ thư ký tòa án hoặc nghiệp vụ tòa án, chuyên ngành xét xử hoặc nghiệp vụ xét xử là chưa phù hợp. Bởi nếu quy định các điều kiện như trên thì sinh viên mới ra trường sẽ không đủ điều kiện để tham gia thi tuyển vào ngành tòa án, đề nghị TAND Tối cao xem xét bỏ các quy định này.

Ngày 17/2, chánh án TAND Tối cao có văn bản gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định trả lời. Theo TAND Tối cao, ngành sử dụng công chức xác định các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí dự tuyển quy định tại điểm g khoản 1 Điều 36 Luật Cán bộ, công chức, phù hợp với khung năng lực vị trí việc làm nhưng không thấp hơn các tiêu chuẩn chung, không trái quy định pháp luật, không phân biệt loại hình đào tạo.

Căn cứ quy định này và yêu cầu về việc nâng cao chất lượng đầu vào và nhu cầu, TAND Tối cao đã tổ chức nhiều kỳ tuyển dụng, như việc xét tuyển sinh viên các trường đại học nước ngoài hoặc thạc sĩ tốt nghiệp loại giỏi cho các vụ Giám đốc kiểm tra. Ngành đã tổ chức thi tuyển đối với sinh viên tốt nghiệp loại giỏi cho các TAND Cấp cao (nhằm kịp thời cung cấp nguồn nhân sự chất lượng, hỗ trợ cho công tác giám đốc thẩm, tái thẩm đang bị quá tải của TAND Tối cao và TAND Cấp cao).

Ngành tòa án tổ chức thi tuyển đối với sinh viên tốt nghiệp cử nhân luật trở lên nhưng đã được đào tạo nghiệp vụ tòa án, nghiệp vụ xét xử cho TAND địa phương. Việc này nhằm bổ sung lực lượng thư ký viên không cần phải qua đào tạo lại, để kịp thời hỗ trợ công tác xét xử trong bối cảnh COVID-19 đã tác động lớn đến công tác của ngành.

Theo TAND Tối cao, các kỳ tuyển dụng đã thu hút được nhiều thí sinh tốt nghiệp từ nhiều trường đại học (ĐH Luật TP.HCM, ĐH Cần Thơ, ĐH Đà Lạt, ĐH Vinh, Học viện Tư pháp, HVTA, ĐH Luật Hà Nội…), đủ điều kiện và tiêu chuẩn dự thi. Kết quả đã lựa chọn được nguồn nhân lực chất lượng cho ngành, góp phần không nhỏ vào kết quả công tác của ngành trong những năm qua, đặc biệt là công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án.

Có thể nói việc thực hiện các quy định tuyển dụng nêu trên là đúng quy định của pháp luật, đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức của ngành tòa án.

190 sinh viên của Học viện Tòa án đã được tuyển làm thư ký tòa

Ngày 24/3 vừa qua, Học viện Tòa án đã tổ chức buổi lễ công bố quyết định tuyển dụng công chức ngạch thư ký viên cho hơn 190 sinh viên khóa 1 - khóa sinh viên đầu tiên của học viện, tốt nghiệp vào tháng 7/2020.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó chánh án TAND Tối cao, Giám đốc Học viện Tòa án, Chủ tịch Hội đồng tuyển dụng công chức Nguyễn Trí Tuệ thay mặt lãnh đạo To Toas TAND Tối cao, lãnh đạo học viện chúc mừng tất cả cán bộ, công chức mới, cùng các gia đình có con em được tiếp nhận vào làm công chức hệ thống tòa án.

Theo ông Tuệ, đây là lần đầu tiên trong hệ thống tòa án tuyển dụng tập trung và trao quyết định một lần, đánh dấu một phương thức tuyển dụng mới.

https://plo.vn/phap-luat/co-hoi-nao-cho-cu-nhan-luat-vao-nganh-toa-an-980933.html

Yến Châu - Hoa Thi/ Pháp Luật TP.HCM

Bạn có thể quan tâm