Với các trường hợp mù lòa do bệnh lý giác mạc, cách điều trị duy nhất khiến người bệnh có thể nhìn thấy trở lại là ghép giác mạc (lấy từ người hiến) nhằm thay thế phần giác mạc bị bệnh bằng giác mạc lành. Tuy nhiên, có những trường hợp không thể ghép được giác mạc thông thường do mắt không còn tế bào nguồn nuôi dưỡng hoặc nguy cơ thải ghép quá cao do đã ghép giác mạc nhiều lần, ghép giác mạc Keratoprosthesis (Kpro) sẽ là giải pháp cuối cùng cho người bệnh. Lần đầu tiên, các bác sĩ Khoa Kết giác mạc, Bệnh viện Mắt Trung ương đã áp dụng thành công phương pháp ghép giác mạc Kpro cho hai bệnh nhân.
TS.BS. Phạm Ngọc Đông đang kiểm tra lại cho bệnh nhân D. |
Mong muốn tìm lại ánh sáng nhưng không thể ghép được giác mạc thông thường
Nguyễn Đức D. (26 tuổi, Đông Anh, Hà Nội) phải sống trong cảnh mù lòa từ năm lên 8 tuổi do bỏng vôi. Tai nạn cướp đi đôi mắt khiến cậu bé nhà nghèo không học lên được nữa. Lớn lên, D. vào hội người mù, học tẩm quất, mát-xa kiếm tiền nuôi thân. Qua mọi người và đài phát thanh, D. biết ghép giác mạc có thể khiến mắt sáng trở lại. D. tích cóp tiền mong chữa trị được đôi mắt. Đi khám, D. được tư vấn không thể ghép được giác mạc thông thường do cả hai mắt không còn tế bào nguồn nuôi dưỡng giác mạc, giác mạc có quá nhiều tân mạch. Nếu ghép giác mạc thông thường, mảnh ghép sẽ nhanh chóng bị mờ đục, không cải thiện được thị lực. Ghép giác mạc Kpro là giải pháp duy nhất có thể giúp cho bệnh nhân có thể nhìn lại được. D. là bệnh nhân đầu tiên được áp dụng kỹ thuật này.
Từ năm 45 tuổi, bà Lê Thị B. (68 tuổi, ở Ninh Bình) đã bị thiên đầu thống ở mắt trái, bà chữa trị ở nhiều nơi nhưng đến năm 2010 mắt trái của bà hỏng hẳn không còn nhìn thấy gì. Mắt phải nhìn mờ do sẹo giác mạc. Bà đến bệnh viện (BV) Mắt Trung ương chữa mắt phải và được ghép giác mạc năm 2000. Sau một thời gian mắt phải lại mờ dần, bà phải ghép lại lần thứ hai nhưng cũng chỉ được hơn 1 tháng lại nhìn không rõ vì bị thải ghép giác mạc. Đã 2 năm nay bà gần như sống trong cảnh mù lòa, có chăng chỉ nhìn thấy những hình ảnh lờ mờ ngay trước mắt. Sợ làm phiền đến chồng, các con, các cháu, bà vẫn lặng lẽ cố làm mọi việc thường ngày theo quán tính, cùng giúp ông nấu cơm nhưng đôi khi không tránh được những đổ vỡ, sai sót.
Bà kể những lần biết mình làm hỏng, làm sai như thế bà buồn lắm, tủi thân tìm chỗ khóc một mình. Bà sợ trở thành gánh nặng, sống lệ thuộc, không giúp gì được cho mọi người. Trong lần khám mắt gần đây, bà B. được các bác sĩ BV Mắt Trung ương tư vấn chỉ còn giải pháp ghép giác mạc Kpro mới mong nhìn lại được, vì bà đã được ghép giác mạc tới 2 lần, mảnh ghép vẫn đục. Nếu ghép lần 3 với giác mạc thông thường, nguy cơ bị đục lại rất cao. Bà là bệnh nhân thứ hai sau D. được ghép giác mạc Kpro cuối tháng 12/2014.
Cấu tạo của giác mạc Keratoprosthesis. |
Thêm một cơ hội mới cho người bệnh
TS.BS. Phạm Ngọc Đông - Trưởng khoa Kết giác mạc, BV Mắt Trung ương cho biết: Giác mạc là một màng mỏng, trong suốt, cho ánh sáng đi qua và hội tụ ánh sáng tại võng mạc. Nhờ vậy, chúng ta có thể nhìn rõ mọi vật. Giác mạc bị mờ đục hoặc biến dạng sẽ làm giảm thị lực, thậm chí gây mù lòa. Những trường hợp giảm thị lực nặng do tổn thương giác mạc sau viêm loét giác mạc, bỏng giác mạc, bệnh giác mạc hình chóp, loạn dưỡng giác mạc di truyền, chấn thương mắt hay những biến chứng sau phẫu thuật mắt, cách điều trị duy nhất là ghép giác mạc thay thế cho giác mạc bị hỏng của người bệnh. Tuy nhiên, với mắt đã ghép giác mạc rồi nhưng giác mạc vẫn bị mờ đục (trường hợp của bà B.) nếu ghép tiếp nguy cơ thải ghép rất cao, càng ghép nhiều lần khả năng thất bại càng cao. Hay như trường hợp của D., đôi mắt bị bỏng vôi đã nhiều năm, hỏng mất tế bào nguồn (tế bào gốc), nếu ghép giác mạc thông thường, không có nguồn nuôi dưỡng giác mạc cũng nhanh chóng bị đục và người bệnh sẽ không còn nhìn thấy. Để giác mạc trong suốt vĩnh viễn, giải pháp dùng giác mạc Kpro là cứu cánh cuối cùng cho người bệnh lúc này.
Giác mạc Kpro là một trong những thành tựu quan trong trong nhãn khoa. Ra đời từ lâu nhưng giác mạc Kpro ít được áp dụng bởi có nhiều biến chứng. Sau nhiều lần cải tiến, các nhà khoa học đã đưa ra những mẫu giác mạc Kpro an toàn và dễ ghép hơn. Đến nay, Keratoprosthesis Boston I là giác mạc an toàn nhất, đã được ghép cho hơn 6.000 bệnh nhân trên toàn thế giới. Các bác sĩ đưa mảnh nhựa vào ghép thay cho giác mạc đục của bệnh nhân. Mảnh nhựa trong suốt sẽ là chỗ cho ánh sáng đi vào nhãn cầu. Theo TS. BS. Phạm Ngọc Đông, kỹ thuật ghép sẽ khó hơn so với kỹ thuật ghép giác mạc thông thường vì đưa một thiết bị quang học bằng chất dẻo vào trong mắt đảm bảo phải chính tâm. Việc lắp phải đủ kín để không dò thủy dịch ra ngoài nhưng cũng không được quá chặt vì nếu không sẽ làm tổn thương các tổ chức xung quanh. Sau mổ, bệnh nhân cần phải được theo dõi nhãn áp chặt chẽ đề phòng tăng nhãn áp, sử dụng kháng sinh suốt đời để phòng nhiễm vi khuẩn, nhiễm nấm và định kỳ khám lại theo lịch.
Giá của một giác mạc Kpro là 2.000 USD. Nhưng cả hai bệnh nhân D. và B. đều được ghép miễn phí nhờ BV có nguồn viện trợ của nước ngoài.
Gặp D. sáu tháng sau khi được ghép, thay vì chiếc gậy dò đường của người mù trước kia giúp em đi lại, nay D. không còn cần đến nó nữa. Em tự bắt xe buýt 2 chặng từ nhà đến BV khám lại mắt, kết quả ghép ổn định với thị lực 2/10. Còn bệnh nhân B. hồ hởi khoe với tôi: “Từ hôm được ghép, ở nhà con gái trên Hà Nội, bác đã tự ra phố một mình, bác nhìn được tận cuối đường. Trước ngồi xem tivi bác chỉ nghe thôi, có thấy hình đâu. Bây giờ bác đọc báo, đọc được cả đơn thuốc bác sĩ kê. Mừng lắm cháu ạ”. Với những người đang sống trong cảnh mù lòa tưởng chừng không thể ghép được giác mạc, đây thực sự mở ra một cơ hội, mang lại cho họ tương lai tốt đẹp hơn.
Giác mạc Keratoprosthesis được chỉ định ghép cho bệnh nhân khi:
- Ðã ghép giác mạc thông thường nhưng bị thất bại nhiều lần.
- Các trường hợp sẹo đục giác mạc mà giác mạc có nhiều mạch máu hoặc không còn tế bào nguồn.
- Người bệnh vẫn phải có bài tiết nước mắt.
- Có mi mắt, cùng đồ bình thường.