- Ông có thể cho biết công tác chấm thi thi THPT quốc gia đang ở giai đoạn nào?
- Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Hiện nay, việc chấm thi ở tất cả các cụm đang trong quá trình nước rút. Công tác chấm thi cũng đã hoàn thành ở một số cụm thi có ít thí sinh. Các cụm thi không thông báo kết quả thi mà gửi số liệu về Bộ để công bố thống nhất.
Dự kiến đến 20/7, các cụm thi sẽ hoàn tất kết quả gửi về Bộ và Bộ sẽ rà soát, công bố ngay sau đó.
Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga. Ảnh: Chinhphu.vn. |
- Theo ý kiến đại diện của Bộ GD&ĐT, điểm thi sẽ là câu trả lời cho hiệu quả của kỳ thi THPT quốc gia. Vậy nếu điểm thi của các thí sinh năm nay thấp hơn so với năm trước và số lượng xét tuyển không đáp ứng được nhu cầu của các trường đại học tuyển dụng thì hiệu quả của kỳ thi được đánh giá như thế nào, thưa ông?
- Điểm thi của thí sinh chỉ mang tính chất tương đối, bởi nó phụ thuộc vào độ khó dễ của đề thi. Theo cấu trúc của đề thi thì 60% là kiến thức cơ bản và 40% kiến thức nâng cao.
Trước đây, đề thi tốt nghiệp THPT đa phần là kiến thức cơ bản, chỉ có kỳ thi đại học là có kiến thức nâng cao để phân loại. Do vậy, với đề thi năm nay, nếu học sinh làm được 60% kiến thức cơ bản thì cũng tương đương như năm ngoái làm được 100% đề thi tốt nghiệp.
Như vậy, năm nay chúng ta có thể hình dung được kết quả phổ điểm của học sinh sẽ cao hơn so với kỳ thi đại học năm 2014.
Còn trường đại học, cao đẳng sẽ tuyển dụng sau khi có kết quả của tất cả các cụm thi. Bộ sẽ xác định điểm đầu vào để tư vấn cho Bộ trưởng quy định ngưỡng tối thiểu. Như vậy, ngưỡng tối thiểu sẽ nhiều hơn, dư dôi hơn so mục tiêu của các trường.
- Có ý kiến cho rằng, Bộ GD&ĐT nên bỏ chế độ cộng điểm ưu tiên, nhất là điểm ưu tiên theo khu vực bởi theo cấu trúc đề hầu hết đạt được 6-7 điểm, để đạt được 8-9 điểm phải khổ luyện. Vì thế, học sinh khu vực được cộng điểm ưu tiên dễ dàng được 6-7 điểm, sau đó họ chỉ ngồi chờ điểm ưu tiên là nghiễm nhiên được 8-9 và có thể vào đại học. Việc cộng điểm ưu tiên dễ dàng như thế này thực sự tạo ra bất bình đẳng mới, Bộ đã tính được hết điều này?
- Việc cộng điểm ưu tiên nằm trong chính sách của Nhà nước. Học sinh ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo có điều kiện khó khăn hơn rất nhiều so với học sinh ở thành phố nên chế độ ưu tiên khu vực cần phải được duy trì nhằm tạo sự công bằng. Nếu không có chế độ ưu tiên thì học sinh vùng sâu, vùng xa khó tiếp cận được với giáo dục đại học.
Tuy nhiên, mức độ điểm ưu tiên sẽ giảm dần theo sự phát triển kinh tế và mức sống của khu vực đó. Năm 2014, việc cộng điểm ưu tiên đã bắt đầu có sửa đổi và đến năm 2015, chúng ta đã giới hạn vùng được ưu tiên cao trong quy chế tuyển sinh.
Bị điểm liệt sẽ không đỗ tốt nghiệp
- Bộ sẽ giải quyết như thế nào nếu có thí sinh trượt tốt nghiệp nhưng lại đủ điểm xét tuyển đại học, cao đẳng?
- Theo quy định, điểm 1 là điểm liệt, nếu thí sinh có một môn được 1 điểm thì sẽ không đỗ tốt nghiệp THPT. Cũng theo quy định của Bộ GD&ĐT, thí sinh trúng tuyển vào đại học phải tốt nghiệp THPT, những trường hợp nói trên sẽ không được xét vào đại học, cao đẳng.
Từ 1/8, thí sinh nộp đơn xét tuyển ĐH, CĐ đợt 1
- Thưa ông, Bộ và các trường đại học có giải pháp như thế nào để thí sinh không bị lúng túng khi nộp hồ sơ dự tuyển vào các trường đại học, cao đẳng?
- Trong quy chế tuyển sinh, Bộ đã hướng dẫn rất rõ về quy trình thí sinh nộp đơn xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng sau khi có kết quả thi và điểm đầu vào của các trường.
Từ ngày 1/8, thí sinh sẽ nộp đơn xét tuyển đợt 1 vào các trường đại học, cao đẳng sau khi có giấy báo kết quả. Tuy nhiên, với một giấy báo kết quả, thí sinh sẽ được nộp 3-4 nguyện vọng khác nhau. Trong quá trình xét tuyển nguyện vọng 1, thí sinh có thể thay đổi nguyện vọng.
Bộ đã quy định cứ 3 ngày, các trường phải thông báo số liệu nộp hồ sơ xét tuyển. Các thí sinh sẽ theo dõi những thông tin này trên trang điện tử của trường để biết mình có đỗ hay không, từ đó quyết định rút hồ sơ hay tiếp tục nộp hồ sơ vào trường đó.
Như vậy, thí sinh nên hết sức bình tĩnh và cân nhắc lựa chọn trường. Bởi nếu thí sinh quyết định thay đổi nguyện vọng thì phải đích thân thí sinh hoặc người nhà rút hồ sơ thì mới lấy được giấy báo kết quả để nộp vào trường khác. Như vậy, việc rút hồ sơ sẽ phức tạp hơn.
Các thi sinh cần lưu ý, trong đợt xét tuyển bổ sung thứ 2, mỗi thí sinh có tới 3 giấy báo kết quả thi nên số đơn ảo rất lớn, khó cho thí sinh lựa chọn trường và ngành phù hợp. Tôi có lời khuyên với các thí sinh là suy nghĩ cẩn thận, lựa chọn trường vừa tầm phù hợp kết quả thi của mình ngay từ lần xét tuyển đầu tiên.
- Trong trường hợp thí sinh muốn gửi đơn phúc khảo thì sẽ nộp ở đâu, thưa ông?
- Để nộp đơn phúc khảo, thí sinh có thể nộp ở các trường phổ thông mình học, Sở GD&ĐT hoặc tại cụm thi mình vừa thi xong. Dù là nộp ở trường hay ở Sở thì đơn của thí sinh sẽ được chuyển về cụm thi để Hội đồng chấm phúc khảo. Các em không phải lo lắng về vấn đề này.