1. Năm 7, 8 tuổi, tôi đã rành rọt George Washington và Abraham Lincoln là ai, họ có những cống hiến gì, trong khi hoàn toàn mù tịt về Lý Thường Kiệt với Trần Hưng Đạo.
Trí óc non nớt của trẻ thơ không giúp tôi biện giải được sự khác biệt về dòng máu đang chảy trong huyết mạch của mình với phần còn lại của đất nước mà tôi đã sinh ra và đang lớn lên, nhưng cũng đủ khả năng hình thành trong tôi một nhận thức đơn giản: các vị anh hùng của nước Mỹ không cùng nguồn gốc với tôi.
Đạo diễn Victor Vũ. |
Thời đấy chưa có Internet, sách sử Việt Nam cũng rất hiếm hoi, lời giáo huấn của mẹ vẫn là một câu hỏi lớn mà tôi chưa thể khám phá.
Năm lên 10 tuổi, bố tặng tôi một cuốn sách minh họa về “Những vị anh hùng và huyền thoại của Việt Nam”. Với tôi, đó cũng là sự khám phá đầu tiên về các nhân vật lịch sử lẫy lừng của dân tộc mình. Cuốn sách dạy tôi về một lịch sử mà tôi chưa từng được biết và khơi dậy trong trí tưởng của tôi biết bao nhiêu hình dung về các bậc tiền bối khai sơn lập địa, đánh giặc và giữ nước.
Đến tuổi trưởng thành, tôi đã vô cùng thích thú khi xem các bộ phim Glory (Vinh quang) của Edward Zwick, Lawrence of Arabia (Lawrence xứ Ả Rập) của David Lean, Mississippi burning (Dòng sông mãnh liệt) của Alan Parker, The last emperor (Hoàng đế cuối cùng) của Bernardo Bertolucci, Amadeus của Milos Forman…
Tôi cảm thấy nguồn cảm hứng của mình như được khai sáng. Với tôi, phim lịch sử lôi cuốn vì dựa vào người thật việc thật. Tôi còn nhớ từng say mê cuộc đời Trần Hưng Đạo và câu chuyện tình của Mỵ Châu - Trọng Thủy đến nỗi trở thành một khát vọng nung nấu. Trong những năm đầu theo học tại trường đại học điện ảnh, tôi đã phát triển một dự án phim tên là The kingdom of Au Lac (Vương quốc Âu Lạc) dựa theo truyền thuyết An Dương Vương.
Đề cương đã hoàn tất, nhưng kịch bản tôi chỉ viết được một nửa. Thời điểm đó tôi cũng bắt đầu viết một kịch bản về Trần Hưng Đạo, nhưng sớm nhận ra rằng việc xin tiền để làm những bộ phim như vậy khó vô cùng. Thế là tôi dấn thân vào những dự án khác.
2. Hầu hết con người ta đều say mê các nhân vật anh hùng, những cuộc tình giữa giai nhân và bậc anh hùng cái thế. Bởi vì những con người và những điều có thật trong cuộc sống luôn tạo ra cảm hứng cho mọi người. Tình sử Cleopatra với Julius Caesar và với Mark Antony cuốn hút nhân loại được Hollywood khai thác rất hiệu quả.
Nước ta có huyền thoại về Mỵ Châu - Trọng Thủy, chuyện tình công chúa Ngọc Hân với hoàng đế Quang Trung cũng bi tráng không kém. Nhìn sang các nước lân bang như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản thấy người ta khai thác sử liệu từ thời Tam Hoàng - Ngũ Đế trở đi để biến tấu thành những câu chuyện điện ảnh ly kỳ, hấp dẫn rồi được các nhà nhập khẩu phim ảnh Việt Nam rinh về trình chiếu đầy rẫy trên màn ảnh nhỏ lẫn màn ảnh lớn.
Nhiều kịch bản nước ngoài chỉ dựa vào một phần nhỏ sử liệu nhưng đã dựng lên các lớp lang đầy éo le kịch tính, hư cấu thêm các nhân vật “ăn theo” rất đặc sắc nên cuốn hút người xem, khiến họ say mê và hứng thú.
Nên cũng không còn lạ chuyện nhiều người Việt biết tường tận cuộc đời của vua Khang Hi bên Trung Quốc nhưng khá mù mờ về sự nghiệp lẫy lừng của vua Lê Thái Tổ nước ta, hoặc rành rẽ về các thế võ giả tưởng kungfu Thiếu Lâm nhưng lại nhầm lẫn Quang Trung và Nguyễn Huệ là đôi bạn chiến đấu (chuyện nhầm lẫn này có thật từ một người cháu trong nhà tôi)…
Tại sao? Tôi luôn tự hỏi mình câu hỏi đó. Bởi chỉ cần nhìn vào các triều đại Lê, Lý, Trần, Nguyễn là đã có thể thấy vô số câu chuyện đầy anh hùng, đầy mưu mô và đầy bi kịch. Thời cận đại và thời thuộc địa Pháp cũng chất chồng sự kiện và nhân vật phi thường mà đến nay hầu như chỉ được mô tả trong tiểu thuyết và sách vở. Sử Việt tràn trề những câu chuyện lâm ly, những anh hùng kỳ thú đủ để làm nên cả một kho báu kịch bản.
Đạo diễn Hoa vàng trên cỏ xanh chia sẻ: Có một kho báu trong sử Việt. |
Ngoài việc thúc đẩy niềm kiêu hãnh dân tộc, phim sử thi còn làm được một việc hữu ích là kể lại bằng thủ pháp điện ảnh về một thời điểm, một vùng đất, một sự kiện giúp khái quát nên bức chân dung đương thời của một dân tộc cùng với những gian nan, những nỗi sợ hãi và những khát vọng của dân tộc đó.
Chỉ cần vậy là đủ, các nhà làm phim lịch sử nếu làm tốt công việc của mình sẽ khắc họa trong tim óc người xem diện mạo của một thời đại đã qua, cốt cách của một nhân vật có thật. Vô hình trung họ đã kích thích sự tìm hiểu về kiến thức lịch sử của mọi người, góp phần giúp các nhà giáo dục làm tròn sứ mệnh truyền bá lịch sử quốc gia dân tộc tới các thế hệ sau. Khai thác hiệu quả kho tàng sử liệu Việt Nam chính vì thế càng là thách thức quá lớn.
3. Người làm phim có trách nhiệm vô cùng lớn khi “chuyển thể” lịch sử, vì lịch sử luôn là một chủ đề rất nhạy cảm. Những khán giả thích xem phim điện ảnh là những người được kích thích bởi “sự thật”. Bởi thế phim cần có một sự cân bằng giữa những thứ đã xảy ra và những thứ được hư cấu. Vì đây là phim lịch sử, không phải tư liệu nên một thứ rất tất yếu là quyền sáng tạo, với chừng mực, phải được trao cho nhà làm phim.
Để kể một câu chuyện qua điện ảnh sẽ có những thứ được tạo dựng lên. Lịch sử sẽ được đẩy thêm phần kịch tính. Sự thêm thắt và cường điệu có thể được áp dụng vào câu chuyện, nhân vật, phong cảnh hay trang phục.
Chúng ta cũng đang chứng kiến một sự thay đổi ngoạn mục trong ngành điện ảnh Việt Nam, với sự bùng nổ của các rạp chiếu và dự án phim đi kèm với một thị hiếu nhạy bén hơn của khán giả.
Tôi nghĩ thị trường Việt đã sẵn sàng cho nhiều phim lịch sử hơn. Không phải loại phim chỉ đơn giản “tường thuật” sự kiện, mà là loại phim khuyến khích suy nghĩ, có nền tảng cảm xúc vững chắc và khám phá những vấn đề, những chi tiết sách vở không thể khám phá. Loại phim vừa sư phạm vừa giải trí.
Hàng nghìn năm văn hóa và xung đột, những thứ tạo nên quá khứ, tạo nên con người chúng ta hôm nay đang nằm đó chờ được kể. Lịch sử hùng vĩ, gay cấn và ấn tượng. Nó cần phải được kể.
Và biết đâu sắp tới tôi sẽ có duyên trở thành một trong những người được kể lại những câu chuyện lịch sử qua tác phẩm điện ảnh của mình.
“Sử Việt hùng vĩ, gay cấn và ấn tượng, nó cần phải được kể”
Bước qua rào cản
Chúng ta cũng đã đặt ra nhiều câu hỏi về phim lịch sử, song ai cũng biết muốn tìm lời giải của nó phải vượt qua tầng tầng lớp lớp rào cản vô hình và hữu hình. Cũng dễ hiểu vì sao không có nhiều phim lịch sử Việt Nam, phim thành công về đề tài này càng ít hơn nữa. Một thực tế là dạng phim này đòi hỏi một khoản đầu tư cũng như công sức chuẩn bị rất lớn về mặt địa điểm, trang phục và bối cảnh.
Phim lịch sử còn có xu hướng kích hoạt tranh luận, bởi vì nó chỉ có thể phản ánh một góc nhìn của sự kiện. Với các nhà sản xuất, phim lịch sử còn là một rủi ro khá lớn, nhất là khi đề cập đến một nhân vật hay một sự kiện, chưa tìm ra tiếng nói thống nhất trong giới học giả. Có quá nhiều yếu tố để xem xét khi làm loại phim như vậy. Nhưng không lẽ cứ vì lắm thứ rào cản mà không mạnh dạn bước qua!?
CTION PRODU