Nhà của cô giáo đã nghỉ hưu Trần Thị Hằng được người dân ở xã Trung Lập Hạ, Củ Chi, TP HCM gọi là lớp học bà Sáu. Ở tuổi 64, cô giáo Hằng (tức bà Sáu) vẫn miệt mài mang kiến thức của mình làm từ thiện cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, nhất là các em có cha mẹ đang thụ lý án tù. Chỉ với mấy cái bàn ọp ẹp, một cái bảng đen dựng tạm bà đã rèn người cho nhiều học trò.
Dụ trò bằng bánh tráng
Trong căn phòng không đến 12 m2, gần 20 em chăm chú học bài. Đứa tập viết chữ, đứa đánh vần, đứa cặm cụi làm bài tập. Bà Sáu đang tập đánh vần cho đứa này thì đứa kia gọi: “Má Sáu ơi! Con làm bài này có đúng không?”. Đứa học lớp 4 rối rít: “Má Sáu, con đọc bài xong rồi”. Đứa lớp 1 réo gọi: “Chữ mẹ, chữ má đánh vần như thế nào? Mẹ và má có giống nhau không bà sáu?”. Bà Sáu ân cần chỉ bảo từng đứa và luôn kèm theo khuyến mãi: “Học ngoan, lát bà Sáu thưởng quà”.
Quà của bà Sáu chỉ vài miếng ổi, vài cái bánh tráng hay mấy cái kẹo được người ta cho để dành. Hôm nào có tiền, bà ra chợ mua ít đậu nấu nồi chè cho đám học trò lót dạ lúc giải lao. Hôm sẵn tiền trong túi, thấy hàng kem đi ngang, bà đãi học trò chầu kem.
Lớp học của bà Sáu có 20 học trò, từ lớp chồi đến lớp 5. Mỗi đứa là một hoàn cảnh. Em bị cha mẹ bỏ rơi. Đứa bị bệnh bẩm sinh từ nhỏ, học chữ chẳng vào. Có những đứa cả cha và mẹ đều đi tù. Biết được hoàn cảnh của các em, bà Sáu đến nhà động viên cho bà đưa về dạy chữ nghĩa miễn phí. Học phí bà Sáu chỉ lấy mấy trái ổi, mấy trái mướp hay ít bánh kẹo lót dạ cho học trò trong giờ giải lao.
Lớp học của bà Sáu. |
Lấy học trò làm niềm vui
Điều bà Sáu băn khoăn là hai anh em Duy và Khoa có cha mẹ đi tù, phải sống với bà nội hơn 60 tuổi. Mỗi ngày nội của hai em kiếm được 50.000 đồng đủ lo tiền ăn hằng ngày, muốn cho hai cháu đi học mà chẳng có tiền. Không được đi học nên hai đứa ăn nói cụt ngủn, không đầu không đuôi. Bà Sáu đến nhà xin cho mình được dạy các em.
“Lúc mới đến lớp, hai đứa đều không biết chữ, học trước quên sau, không nghe lời cô giáo”. Sau khi các em biết chút chữ, bà liên hệ xin cho các em đi học ở trường tiểu học và tình nguyện dạy thêm ở nhà cho hai anh em. Giờ Duy đang học lớp 4, Khoa học lớp 1, biết tự đưa đón nhau đi học, phụ giúp việc nhà cho bà nội.
Ba của Phi Long (lớp 3) bỏ đi, em phải sống với mẹ. Đang học lớp 1, em có những cử chỉ giống người bị bệnh tâm thần nên nhà trường trả cho phụ huynh. Nghe người hàng xóm kể chuyện của em, bà Sáu đến tận nhà động viên để em đến lớp học. Biết Long thích vẽ và xếp hình, bà Sáu gắn chữ cái, chữ số lên khuôn hình để em vừa học vừa chơi.
Chồng mất sớm. Bà Sáu chỉ có đứa con trai duy nhất, từ nhỏ đã ăn chơi, hút chích rồi vào tù ra khám. Con dâu bà sinh con xong thì bỏ đi rồi sa đà vào ma túy, giờ cũng đang đi tù. Trong căn nhà cũ kỹ chỉ còn bà và đứa cháu nội bốn tuổi sống với nhau. Tài sản có giá trị duy nhất chỉ là chiếc xe máy cũ nhưng với bà Sáu, mỗi ngày được mang kiến thức ra dạy cho đám học trò nghèo như một niềm vui và quên đi buồn tủi trong gia đình mình.
Học trò của bà Sáu có người đã thành đạt, có người nghe lời bà mà bỏ được tệ nạn xã hội sống thành người lương thiện.
"Cô Sáu đã mở lớp dạy miễn phí cho các em có hoàn cảnh khó khăn trong xã, từ lúc đang đi dạy ở trường tiểu học đến nay nghỉ hưu vẫn duy trì việc đó. Việc làm thầm lặng này đã được cô duy trì từ 20 năm nay. Học trò trong lớp cô chủ yếu là những em có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện đi học thêm hay những em không có khả năng đến trường. Xã chúng tôi đang xây dựng là xã nông thôn mới, việc làm của cô Sáu giúp ích được cho rất nhiều bà con nghèo ở nông thôn, rất đáng được khen ngợi".
Bà Nguyễn Thị Bắc Sinh, Chủ tịch UBND xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi
"Cô Sáu là hộ khó khăn của ấp. Lớp học của cô giúp những đứa trẻ trong ấp biết chữ và dạy nhân nghĩa cho chúng. Tôi cũng có hai đứa cháu đang học ở lớp này. Đứa học lớp 4, đứa đang học chữ. Ngày nào chúng cũng sang đó học nhưng mỗi khi tôi sang đóng học phí cô ấy đều không lấy. Tôi chỉ biết góp ký gạo, mớ rau, ít bánh kẹo phát cho mấy đứa nhỏ".
Bà Nguyễn Thị Rưng, ấp Lào Táo Trung, xã Trung Lập Hạ, Củ Chi
"Cô Sáu tốt lắm, người vậy hiếm lắm à. Lương hưu chẳng bao nhiêu mà phải một mình nuôi cháu nội, rồi để dành đi thăm nuôi con trong tù nhưng dạy mấy đứa nhỏ chẳng lấy tiền. Sáu là ân nhân giúp hai đứa cháu tôi biết được con chữ và được đến trường đi học. Tôi làm nghề đan giỏ mây nên cũng nghèo, chẳng biết giúp gì, Sáu ngoài lời cảm ơn".
Cao Thị Nhỏ, bà nội của hai cháu Duy và Khoa đang học lớp bà Sáu