Đó là các điểm như nhà thờ Đức Bà, Bưu điện, các ngôi chùa, vài bảo tàng, hay mua sắm ở các cửa hiệu dọc đường Đồng Khởi, Lê Lợi, chợ Bến Thành... Phố đi bộ ở TP.HCM đang dần hình thành, hi vọng một “city tour” chăng?
Mong ước về những chiếc xe buýt đỏ hay vàng trong một chương trình tham quan thành phố kiểu “Hop on - Hop off” như ở một số quốc gia dành cho du khách không phân biệt quốc tịch đã hàng chục năm rồi vẫn chưa thành sự thật. Được biết cũng đã có một số dự án như vậy của một vài doanh nghiệp lữ hành, nhưng rồi có quá nhiều vướng mắc không thể triển khai được.
“Những góc nhỏ Sài Gòn”
Nghe một vài người bạn đến từ New York (Mỹ) và Berlin (Đức) kể về một tour đi bộ ở Sài Gòn theo cách của họ kèm theo lời khen “thú vị hơn Singapore hay Malaysia...”, thú thật tôi chưa tin lắm. Rồi một ngày tôi đã thử thực hiện một tour đi bộ tạm gọi là “Những góc nhỏ Sài Gòn” khám phá bao điều thú vị.
Tour ngắm phố Sài Gòn có thể bắt đầu từ công viên 30-4. Đường Lê Duẩn là một trong những con đường xưa nhất Sài thành, mang tên Norodom từ năm 1871, được đổi tên thành Thống Nhất vào năm 1950.
Buổi sớm mai ở đây, với các tay máy, lý tưởng để bắt được cái “thần” của đường phố Sài Gòn. Phố bước vào ngày mới với người và xe dần đông, những tán cây xanh mướt xòe rộng, nhưng vẫn nhường chỗ cho nắng sớm xuyên qua, nhảy múa trên thảm cỏ. Những viên gạch đỏ gốc Pháp của nhà thờ cổ kính đôi khi bắt nắng rực lên trên nền xanh của cây cối. Khung cảnh ấy sẽ giúp bạn cảm nhận được một Sài Gòn hối hả và bình yên, động và tĩnh cùng song hành.
Góc phải của nhà thờ Đức Bà (1880), đối diện Bưu điện thành phố (1891) là nơi có một đàn bồ câu tới 300 con, rất thân thiện với du khách. Hãy vào tòa nhà Bưu điện chụp vài tấm hình lưu niệm và đừng quên chiêm ngưỡng những viên gạch bông cổ tuyệt đẹp trên nền nhà.
Góc đường Đồng Khởi - Lê Lợi hứa hẹn trở thành phố đi bộ lý thú hiện diện trên bản đồ du lịch thế giới.
Đường Đồng Khởi, dù đã thay đổi tới chóng mặt cùng với sự phát triển của thành phố, nhưng vẫn xứng đáng là con đường “Sài Gòn” nhất, theo góc nhìn của chúng tôi. Ở đây bạn có thể tìm thấy những dấu ấn qua các thời kỳ lịch sử, thấy sự bán buôn đặc trưng vốn là truyền thống, nhưng cũng thấy những gì hiện đại nhất cũng như sự năng động của người Sài Gòn.
Tới góc Lý Tự Trọng rẽ trái, bạn sẽ gặp lối vào của một chung cư Pháp cũ. Thuê cửa hàng trong những căn hộ cũ được cải tạo đang khá phổ biến tại Sài Gòn. Tầng trệt là một gallery tranh chép, nơi du khách có thể chọn cho mình vài bức tranh dạng du lịch để kỷ niệm nơi mình đã tới.
Chiếc thang máy thời Graham Green như đưa bạn trở lại thời mà “người Mỹ trầm lặng” từng thả bộ nơi đây. Trong những căn hộ cũ ở hai tầng phía trên là những cửa hàng thời trang, đồ lưu niệm, đồ da, gallery và quán cà phê đầy phong cách. Chắc chắn bạn phải ghé chung cư số 151 Đồng Khởi, bởi ở đó có quán cà phê đẹp, vị trí không nơi nào sánh được với bancông nhìn ra Nhà hát thành phố (1897).
Ở đường Pasteur, Mạc Thị Bưởi, hay Lê Lợi cũng có những quán cà phê, nhà hàng và cửa hàng như vậy trong một số chung cư cũ. Yêu thích lịch sử thành phố, bạn sẽ mê say với vết tích thời gian được lưu giữ trên bức tường bao, những vệt sơn bong tróc còn nguyên trên các khung cửa sổ nhìn ra hàng cây cổ thụ dưới phố. Đôi khi những viên gạch lát nền hay những bậc cầu thang cũ kỹ cũng có thể cho ta thêm nhiều hiểu biết về thành phố và con người nơi đây hơn bất kỳ chú thích nào trong các viện bảo tàng.
Linh hồn của Sài Gòn ở đâu?
Lộ trình tiếp theo sẽ dẫn bạn tới đường Lê Thánh Tôn, ngang qua tòa nhà Ủy ban nhân dân TP (1900) và quảng trường Nguyễn Huệ mới. Từ đây bạn có thể phóng tầm mắt tới tận sông Sài Gòn hoặc tản bộ trên quảng trường, hay la cà vào những trung tâm thương mại hiện đại, hoặc ghé nhà sách Nguyễn Huệ thăm thú.
Có thể với rất nhiều người lần đầu tới Sài Gòn, một phố đi bộ và nhà ga metro trung tâm sẽ là điểm tham quan của một Sài Gòn mới. |
Cũng như ở hầu hết các vùng miền tại Việt Nam, muốn tìm hiểu văn hóa nơi nào, bạn phải tới những khu chợ. Và vì phương tiện của chúng ta là đi bộ nên chọn chợ ngay trung tâm (như người Sài Gòn hay gọi), dù rằng ở Sài Gòn có không ít những ngôi chợ khá lý thú và đặc sắc.
Tại chợ Bến Thành, bạn thấy rõ một xã hội thu nhỏ của Sài Gòn, sẽ được gặp một gương mặt khác của Sài Gòn trong vẻ bề bộn bán mua, trong sắc sảo trả giá, trong nhạy bén dịch vụ, nhưng vượt lên trên hết vẫn là sự hồn hậu, cởi mở mà ngay cả những du khách nước ngoài cũng nhận thấy bất chấp mọi bất đồng ngôn ngữ. Nếu như việc thăm các ngôi nhà và công trình kiến trúc đã cho bạn cái nhìn chung về bộ mặt phố thị, thì ở chợ Bến Thành, bạn sẽ gặp và hiểu nhiều hơn về “những linh hồn” của phố.
Gần chợ Bến Thành là một điểm tham quan khá lý thú mà bạn không nên bỏ qua: “chùa bà Ấn”, là tên mà người Sài Gòn gọi ngôi đền Hindu giáo (thế kỷ thứ 19) ở số 45 Trương Định. Đây là ngôi đền cổ kính nhất trong bốn đền Hindu giáo hiện còn tại TP.HCM. Đền không mang dáng vẻ thâm u, tĩnh mịch mà rất sống động với hai gam màu vàng, xanh xen lẫn đỏ rực rỡ.
Đền thờ nữ thần Mariamman, một hóa thân của thần Siva (thần hủy diệt), là vị thần mưa, người giúp cho mùa màng được bội thu. Phía bên trong đền, trên tường có tượng của 18 vị thần, hóa thân của thần Siva và nhiều tượng các nhân vật theo truyền thuyết Ấn Độ giáo. Tôi đã gặp nơi đây đủ các sắc tộc Việt, Hoa, Ấn, Chăm, Mã Lai và các du khách Âu, những người đã ôm lấy các bức tường đá rồi thầm thì nói ước nguyện của mình vào những khe hở trên tường theo tín ngưỡng Hindu.
Ly cocktail đầy hương vị
Có rất nhiều những quán ăn nhỏ trên đường Trương Định hoặc Lý Tự Trọng, Lê Thánh Tôn nằm trên lộ trình tiếp theo của tour đi bộ này. Đây là những nơi bạn nên thử để hiểu câu nói: “Sài Gòn như một ly cocktail đầy hương vị”. Trên những con đường ấy, bạn có thể thử hàng chục món bún khác nhau tại một quán hoặc chọn quán cơm tấm đặc trưng của vỉa hè Sài Gòn.
Nói tới vỉa hè ở khu này, bạn không nên bỏ qua quán bún mắm tuyệt ngon ngay bên lề đường Nguyễn Trung Trực, dù nơi đây còn lừng danh với món xôi gà xé. Cũng không thể không nhắc tới một con hẻm nhỏ trên đường Lê Thánh Tôn, nơi có hai quán bán món ăn Huế tồn tại đã nhiều năm nay ngay cạnh nhau, bán những món ăn giống nhau. Bạn sẽ ngạc nhiên tại sao hai quán cạnh tranh mà lại cùng đông đến thế. Đi tới một chút nữa là một nhà hàng Âu có món bò bít tết mềm đến tê dại cả người.
Và còn nữa, nhiều lắm, không thể nói hết, tất cả chỉ trong vài bước chân, đủ để du khách bối rối không biết nên... đi đâu về đâu. Bạn giúp tôi thêm vào danh mục những địa chỉ thú vị khác nhé!
Có thể chọn cho mình con đường dọc theo sông Sài Gòn về phía cảng Ba Son trong lộ trình tiếp theo, hướng tới một khu nghệ thuật mới của Sài Gòn. Nằm trong một dãy nhà kho cũ, và chỉ chính thức hoạt động được khoảng hai ba năm nay, hóa ra đây lại là nơi lý tưởng để những nghệ sĩ trẻ tuổi thể hiện sự sáng tạo của mình.
Người sáng lập ra khu này là một phụ nữ nhạy bén, năng động, một trong những típ phụ nữ đang ngày một nhiều hơn ở thành phố này. Du khách ấn tượng với tranh graffiti trên những bức tường cũ, được ngắm nhìn những tác phẩm hội họa của các họa sĩ Việt Nam nhiều thế hệ trong một không gian gallery hình tròn, và nếu may mắn sẽ được tham dự một trong các hoạt động nghệ thuật diễn ra nơi đây:giao lưu với nghệ sĩ, triển lãm tranh, sắp đặt, trình diễn kết hợp các loại hình nghệ thuật... với sự tham dự của các nghệ sĩ trong nước và nước ngoài.