Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Có nên cho trẻ cắn tay khi lên cơn co giật?

Lo sợ bé trai bị co giật sẽ tự cắn vào lưỡi, chiến sĩ cảnh sát đã đưa ngón tay vào miệng bệnh nhi. Về phương diện sơ cứu, hành động này có đúng?

Chiều 4/8, tại sân vận động Thiên Trường, Nam Định, lực lượng an ninh trên khán đài phát hiện một bé trai có dấu hiệu co giật, khó thở giữa đám đông đang theo dõi trận đấu giữa chủ nhà Nam Định và đội khách Hoàng Anh Gia Lai. Ngay lập tức, hai chiến sĩ cảnh sát cơ động đã đưa cháu bé tách khỏi đám đông. Một chiến sĩ còn đưa tay vào miệng bé trai vì lo sợ em sẽ tự cắn vào lưỡi. 

Theo các bác sĩ, sự hỗ trợ kịp thời của các chiến sĩ cơ động là rất cần thiết để bảo đảm an toàn cho bệnh nhi. Tuy nhiên, việc cho tay vào miệng trẻ đang lên cơn co giật là không cần thiết. Vậy, làm thế nào để sơ cứu trẻ đúng cách khi lên cơn co giật, động kinh?

Hành động đẹp nhưng chưa đúng

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, cho biết trường hợp trẻ lên cơn động kinh, người lớn cần biết cách sơ cứu chính xác để tránh làm tình trạng tăng nặng.

Đối với hành động của hai chiến sĩ cảnh sát cơ động, bác sĩ Khanh nhận định: "Hành động nhanh chóng hỗ trợ cấp cứu là việc làm cần thiết, là hành động đẹp. Nhưng rõ ràng về phương diện sơ cứu trẻ động kinh, co giật là chưa đúng. Có thể, các chiến sĩ chưa được huấn luyện để xử lý tình huống này".

CSCD cap cuu be dong kinh anh 1
Chiến sĩ cảnh sát cơ động đưa tay vào miệng bé trai đang bị co giật. Ảnh: ĐH.

Vị chuyên gia này lưu ý nếu gia đình đã biết trước bé có tiền sử động kinh, khi phát bệnh, chỉ cần đưa con đến nằm tại nơi khô thoáng, tránh môi trường đông đúc. Sau đó, tình trạng bé sẽ ổn định.

Trường hợp bé lên cơn động kinh ở nơi công cộng và không ai biết trước đó bé từng phát bệnh hay chưa, cách tốt nhất là người lớn vừa tiến hành sơ cứu vừa đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất.

“Cách sơ cứu trong trường hợp này là cho bé nằm nghiêng, ở nơi khô thoáng. Tuyệt đối không nên nhét tay hay đưa bất cứ vật nào vào miệng bé. Vì khi trẻ lên cơ động kinh thường sẽ cắn răng chứ không cắn lưỡi”, bác sĩ Khanh cho hay.

Chuyên gia này cũng khuyến cáo những quan niệm dân gian cho rằng khi trẻ động kinh thì nhét tay, cạy răng, cạo gió,… để tránh cắn lưỡi là chưa đúng. Việc này đôi khi có thể gây ra hậu quả nguy hiểm như tổn thương niêm mạc miệng. Đặc biệt, tuyệt đối không nặn chanh vào miệng bởi người co giật đang mất ý thức sẽ không nuốt được và sặc vào phổi gây viêm phổi, suy hô hấp.

Trường hợp trẻ động kinh kèm sốt cao, người lớn chỉ cần tiến hành hạ sốt bằng cách lau nước ấm hoặc nhét thuốc qua đường hậu môn của bé. "Động kinh hay sốt co giật ở trẻ là bệnh lý bình thường, người lớn không nên quá lo lắng mà có những cách sơ cứu không đúng”, bác sĩ Khanh khuyến cáo.

Cách sơ cứu bệnh nhân co giật, động kinh

Bác sĩ Trần Điền Tú, phụ trách Trạm cấp cứu vệ tinh 115, Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, TP.HCM, cho biết theo thống kê, trong 10 người sẽ có 1 người có cơn co giật trong suốt cuộc đời của họ. Có nhiều loại co giật nhưng hầu hết trong số đó kết thúc sau khoảng vài phút.

Các bước sơ cứu ban đầu khi bệnh nhân co giật:

- Đặt bệnh nhân nằm trên nền phẳng.

- Nhẹ nhàng nghiêng người bệnh nhân qua một bên giúp bệnh nhân dễ thở.

- Dọn dẹp các vật sắc nhọn xung quanh bệnh nhân.

- Lót dưới đầu bệnh nhân gối mềm, có thể dùng áo gấp lại.

- Tháo mắt kính và các vật dụng không cần thiết trên người bệnh nhân.

- Tháo lỏng dây thắt cà vạt giúp bệnh nhân dễ thở.

- Gọi cứu hộ cấp cứu nếu cơn co giật kéo dài hơn 5 phút.

Những đều không được làm:

- Không đè hoặc cố gắng dừng cơn co giật của bệnh nhân.

- Một bệnh nhân co giật không thể tự nuốt tuột lưỡi hoặc cắn lưỡi. Do đó, không đặt bất kỳ vật gì vào miệng vì có thể gây tổn thương răng, hàm.

- Không hà hơi thổi ngạt (CPR) trong cơn co giật (có thể bắt đầu CRP sau cơn co giật).

- Không được cho bệnh nhân dùng thức ăn, nước uống cho đến khi họ hoàn toàn tỉnh táo.

Bị muỗi đốt, bé gái 7 tuổi lên cơn co giật Sau khi bị muỗi đốt, bé gái 7 tuổi, ở Mỹ, lên cơn co giật và gặp ảo giác kinh hoàng.

Vụ tài xế Vinasun bỏ chạy: Làm gì khi gặp nạn nhân tai nạn giao thông?

Nắm vững những kỹ năng sơ cứu cơ bản sẽ giúp bạn không bị hoảng loạn và có thể giúp đỡ người bị tai nạn giao thông.



Bích Huệ

Bạn có thể quan tâm