Nên hay không ghi ngày sinh trong CV ứng tuyển vẫn là một tranh cãi đối với nhiều người. Ảnh: Pexels. |
Đào Anh (31 tuổi, nhân viên phục vụ tại Đà Nẵng) cho biết cô thường ghi đầy đủ ngày tháng năm sinh vào CV vì cho rằng đây là thông tin cơ bản cần ghi vào hồ sơ xin việc.
Trái ngược với Đào Anh, Xuân Đào (22 tuổi, nhân viên Marketing ở TP.HCM) lại cho biết mình thường không ghi ngày sinh cụ thể vào CV vì cho rằng đây là thông tin không liên quan đến năng lực làm việc.
Tranh cãi ghi ngày sinh
Trước khi dịch bệnh bùng nổ ở Việt Nam, Đào Anh (sinh năm 1991) từng làm kế toán cho một công ty du lịch lớn. Giãn cách dài ngày, công ty cắt giảm nhân sự, không may cô lại nằm trong số đó. Cô quyết định làm nhân viên phục vụ quán cà phê trong khi chờ đợi tình hình khả quan trở lại.
Theo Đào Anh, do trông khá trẻ với tuổi thật, nên cô công khai tuổi tác, ngày sinh là để cho người khác biết cách xưng hô với mình, tránh những tình huống khó xử trong giao tiếp.
"Nhiều bạn bè khuyên tôi không nên để lộ tuổi thật khi đi làm phục vụ vì hầu như công việc này chỉ tuyển sinh viên. Bạn tôi còn lo người ta dị nghị tôi ngoài 30 còn làm phục vụ. Nhưng tôi cảm thấy việc công khai tuổi thật là để khiến người khác tôn trọng mình. Tôi cũng cho rằng nếu tôi cam kết có thể dành nhiều thời gian cho công việc, tôi vẫn sẽ được nhận", Đào Anh nói với Zing.
Đào Anh nói thêm cô đã có những trải nghiệm tuyệt vời khi làm phục vụ với những người trẻ hơn. Cô không gặp bất kỳ vấn đề nào về việc cách biệt tính cách hay tuổi tác. Đào Anh cho rằng tuổi tác không phải là yếu tố quyết định sự hòa hợp khi làm việc.
"Làm việc với những người nhỏ tuổi hơn, bạn không cần phải thể hiện mình nhiều tuổi để người ta sợ hay giấu tuổi để giấu đi sự tự ti của thân. Nếu tính cách của bạn đã khép kín, dù làm việc với những người bằng tuổi, bạn cũng khó hòa hợp", cô suy nghĩ.
Trong khi đó, Xuân Đào (sinh năm 2000) nhiều lần được HR đánh giá là trẻ so với độ tuổi lao động hiện nay. Bắt đầu đi làm từ năm 2 đại học, cô đã tích lũy 3 năm kinh nghiệm làm marketing và tự tin rằng ở độ tuổi này, không nhiều người có kinh nghiệm như cô.
Vì thế, Đào có xu hướng không để năm sinh và tuổi trong CV vì muốn ban tuyển dụng xem xét mình dựa vào yếu tố thực lực hơn là tuổi tác. Ngoài ra, cô cũng cho biết mình thích gặp trực tiếp trao đổi với nhà tuyển dụng để xem xét thái độ của họ hơn là trao đổi online.
Từng đi phỏng vấn không ít công ty, Đào rút ra có 2 kiểu công ty mà cô sẽ tránh.
Kiểu đầu tiên là xem tuổi đoán kinh nghiệm. Nhà tuyển dụng các công ty này có xu hướng đánh giá thấp các ứng viên mới tốt nghiệp. Tuyển nhân viên tuổi nhỏ tự động cho lương thấp, bắt nạt, rút cạn sức lực, xem thường.
"Lần nọ, mình trao đổi với một HR. HR này sau khi biết tuổi mình thì 'khen đểu' mình trẻ, cũng không hỏi thêm về những gì mình học được. Thay vào đó họ nói thách mình nhiều hơn, nên sau đó, dù công ty này gần như có đủ thứ mình muốn, mình vẫn từ chối", Đào kể.
Ngoài ra, một số công ty tuyển sinh viên mới tốt nghiệp để dễ đào tạo cho phù hợp với công ty. Theo Đào, tính cách một người rất khó thay đổi từ khi 18 tuổi, việc một công ty đào tạo nhân viên để phù hợp với văn hóa công ty là không thể.
Kiểu thứ 2 là nhiều công ty còn định kiến với các bạn gen Z. Quan điểm của Đào là thế hệ không quyết định tính cách, các công ty không thể quy chụp gen Z không chịu khó, hay nhảy việc được.
Không cần thiết ghi ngày sinh vào CV
Theo chuyên gia nhân sự Bùi Đoàn Chung, người có hơn 15 năm kinh nghiệm trong ngành nhân sự, xem tuổi đoán kinh nghiệm ứng viên là một việc phổ biến ở người làm tuyển dụng. Tuy nhiên, việc này đã không còn chính xác vì một số ứng viên có thể bắt đầu đi làm từ sớm.
"Không ít trường hợp, các bạn đã đi làm toàn thời gian từ lúc còn học năm 3, năm 4 hoặc một số bạn có khả năng học vượt, hoàn thành chương trình sớm, mốc thời gian này đã không còn chính xác. Ngoài ra, một số công việc bán thời gian, tự do (freelance) trong thời gian đi học đôi khi không được tính vào kinh nghiệm nếu nó khác với chuyên môn, vị trí công việc mà nhà tuyển dụng đang cần", anh trả lời với Zing.
Chuyên gia Bùi Đoàn Chung việc xem tuổi đoán kinh nghiệm đã không còn chính xác vì một số ứng viên có thể bắt đầu đi làm từ sớm. Ảnh: NVCC. |
Ngoài ra, theo anh Chung, tuổi nhỏ hay ít kinh nghiệm không phải hoàn toàn là một trang giấy trắng, chỉ là các bạn chưa có nhiều trải nghiệm thực tế, kinh nghiệm thực hành.
"Mình cũng đã gặp nhiều bạn rất trẻ nhưng các bạn rất giỏi về kiến thức, nhạy bén và năng lực làm việc hiệu quả không thua gì những người nhiều tuổi hơn. Các bạn còn học rất nhanh và ứng dụng công nghệ, ngoại ngữ vào công việc rất tốt, lúc nào cũng nhiệt huyết. Đó là những lợi thế rất lớn của các bạn trước các nhà tuyển dụng", anh nói.
Bên cạnh đó, anh Chung nhận xét nhiều bạn ứng viên có ý thức tự giác, tự nhận thức và quá trình học tập nghiêm túc từ lúc còn là sinh viên. Điều này giúp các bạn trưởng thành hơn rất nhiều và không dễ bị "bắt nạt" khi bắt đầu bước vào chốn công sở.
Anh Chung cũng cho hay việc ghi ngày sinh vào CV là không cần thiết và không thật sự quan trọng. Tuy nhiên, cũng cần xem xét mục đích ghi ngày sinh vào CV, có quy định nào bắt buộc việc này hay không hay chỉ là sở thích của ứng viên hoặc mẫu CV yêu cầu.
"Thực tế, các doanh nghiệp không yêu cầu ghi ngày sinh vào CV. Chỉ khi nào ký kết hợp đồng lao động theo điều 21, Bộ luật Lao động mới phải cung cấp đầy đủ thông tin bao gồm: Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ CCCD/CMND hoặc hộ chiếu", anh phân tích.
Ngoài ra, theo Indeed, hình ảnh cá nhân cũng là thứ không nên đưa vào CV vì không liên quan đến năng lực làm việc.
Mục đích duy nhất của CV là cung cấp cái nhìn tổng quan về ứng viên trên phương diện công việc, nhằm xác định độ phù hợp của ứng viên với vị trí ứng tuyển. Trong hầu hết trường hợp, ngoại hình ứng viên không liên quan đến khả năng năng lực làm việc.
Nếu mô tả công việc yêu cầu ngoại hình, Indeed khuyến khích ứng viên ghi tài khoản LinkedIn hoặc trang web cá nhân vào CV của mình.
Anh Chung cũng gợi ý ứng viên chỉ nên ghi vào CV những thông tin liên quan đến năng lực bao gồm kiến thức, kỹ năng mềm, kinh nghiệm, học vấn, trình độ ngoại ngữ, tin học, khả năng sử dụng phần mềm chuyên ngành, các hoạt động hoặc các sở thích có liên quan đến công việc.
Anh nhấn mạnh ứng viên phải phân tích được vị trí công việc cần những yếu tố nào chủ chốt để trình bày CV theo đúng yêu cầu chứ không phải gửi đại trà, dùng một mẫu CV cho nhiều vị trí công việc khác nhau.