Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Có nên khoe thành tích học tập của con em mình?

Không khó để tìm thấy nhiều bảng thành tích, kết quả học tập của học sinh đang được các bậc phụ huynh xem là "niềm tự hào của gia đình".

Họ cũng không ngại mang đi khoe với bạn bè, thậm chí còn đưa lên mạng xã hội mà vô tình "tạo sức ép" với con cái.

 Nhiều sự cố đáng tiếc dồn dập xảy ra liên quan ngành giáo dục thời gian gần đây đã gióng lên hồi chuông về những bất cập tồn tại quá lâu trong ngành.

Gần đây nhất là trường hợp học sinh (HS) một trường tư thục tại TP.HCM quyên sinh mà lý do được đưa ra là "vì sức ép về thành tích học tập" do cha mẹ "yêu cầu" đối với cháu. Chúng có liên quan gì đến nhau?

hoc sinh ap luc thanh tich anh 1
Một cơ sở của Trường THCS và THPT Nguyễn Khuyến, trường có học sinh tự tử gây xôn xao dư luận những ngày qua. Ảnh: Đặng Trinh / Người Lao Động.

Tôi muốn dẫn ra một câu chuyện có thật. Chúng tôi có một nhóm phụ huynh (PH) hay sinh hoạt chung với nhau, vì các con của chúng tôi học chung từ nhỏ. Chúng thân thiết nhau như anh em một nhà nên người lớn cũng "phải chạy theo chúng" để có cớ tụ họp mà chia sẻ việc học của con mình. Chúng tôi trung thành với việc này hơn chục năm nay.

Một số ít PH trong chúng tôi càng lúc càng ít liên lạc hơn do "không còn thời gian" cho những việc "tụ tập" với lý do: Nhỏ nhà tôi đi học suốt sáng, trưa, chiều, tối, còn không kịp ăn, thời gian đâu cho chúng sinh hoạt với nhau, rồi PH tụ họp với nhau?

Tôi cũng để ý và nhẩm ra thời khóa biểu của đứa con ấy của chúng tôi: Sáng đến trường, học cả ngày; 5 giờ chiều tan, mẹ đón đưa ổ bánh mì vừa nhai vội vừa chạy đến "lò luyện gà nòi" ở đường Lý Tự Trọng để "trui" các môn Toán -Lý - Hóa - Ngữ văn theo lịch hai - tư - sáu và ba - năm - bảy không một ngày nghỉ ngơi.

7 giờ tối vừa tan lớp thì mẹ dong xe chạy tiếp tới trung tâm Anh ngữ học suất 7 rưỡi đến 9 giờ, bữa nào trái suất thì từ 8 đến 10 giờ đêm. Thằng nhỏ bơ phờ, hết ngày này sang ngày nọ.

Nhiều lúc, tôi và mấy PH buột miệng: "Học gì mà học dữ vậy? Sao không cho cháu đi học thêm các môn kỹ năng như võ thuật, thể thao, ca hát, đàn điếc mà chỉ có học với học?".

PH ấy tỉnh bơ: "Nó có dấu hiệu sụt hạng rồi kìa! Học là phải số 1, không số 2, số 3 gì hết. Còn thời gian đâu mà học mấy thứ kia".

Xót cháu, tôi buột miệng: "Chị cứ để cháu học tự nhiên, đừng làm vậy tạo sức ép cho cháu, tội nghiệp thằng nhỏ bơ phờ quá!". "Không được, nó phải học, rồi còn đi du học nữa chi. Không học ở Việt Nam!".

Tôi thấu hiểu lý do của vị PH ấy, và rất nhiều PH khác mà tôi quen biết, vì chúng tôi có nhiều "group phụ huynh" gắn kết với nhau. Trong các group của chúng tôi, không phải chỉ có mỗi PH ấy.

Chỉ tội cho đứa nhỏ, cháu không còn thời gian giao lưu với chúng bạn, chỉ có học và học. Bữa nào bài kiểm tra mang về điểm dưới 8 là "y như rằng" sẽ bị mẹ mắng cho một trận lôi đình.

Vào đầu năm học này, không thấy cháu đến lớp, chúng tôi hỏi thì biết cháu đã du học bên Canada. Cháu bỏ dở chương trình cấp 3 tại Việt Nam. Tôi hiểu ra lý do vị PH ấy "ép học" con mình gần như ngày đêm 24/7 mỗi tuần. Nhưng vẫn thấy xót cho những cháu ấy, ngày chúng cất bước qua trời Tây, không có bất kỳ kỹ năng sống nào, kể cả biết tự nấu cơm và giặt đồ, ngoài cái chữ.

Thương con, đầu tư cho con ăn học, kể cả định hướng cho con một cơ hội đi du học, thời nay là mong ước của nhiều PH, nếu không muốn nói rằng số lượng đó rất nhiều, chỉ là gia đình có điều kiện vào "phút 89" hay không mà thôi.

Lý do tại sao thì không phải bàn ở đây. Chỉ thấy thế này. Ngày nay, nhiều PH xem kết quả và thành tích học tập của con mình như là một "thước đo". Đo sự hơn thiệt với chúng bạn của con, đo sự tự hào của cha mẹ, trong đó yếu tố thứ hai thường thấy nhất.

Những lời nói đại loại như: "Cha mẹ rất tự hào về con", "Ráng mà học đừng để cha mẹ phải thất vọng!", "Cố gắng học cho thật giỏi để cha mẹ còn tự hào với bà con!", hay như "Hôm nay cha mẹ thật xấu hổ về con, vì kết quả học tập tệ như thế này".

Thường thì, nhiều người không thấy lạ lẫm, hay thắc mắc gì những lời nói như vậy, bởi nó quá bình thường. Ai mà chẳng muốn con cái học giỏi và học giỏi hơn chúng bạn; ai lại không cảm thấy hãnh diện, tự hào với bạn bè về con mình, về thành tích học tập tốt của con mình; và ai lại không "cảm thấy xấu hổ" khi con mình quá thua sút con của bạn bè? 

Trong một môi trường giáo dục mà ở lớp, ở trường, các HS luôn phải chạy theo điểm số thi đua để được hạng nhất, hạng nhì vào mỗi thứ 2 ở tiết sinh hoạt dưới cờ; trong một môi trường dạy và học mà mỗi thầy cô giáo phải chạy đua thành tích giữa các trường với nhau vì nghị quyết nhà trường đề ra đầu năm.

Trong một môi trường học tập mà PH có phần coi trọng những buổi học ngoài giờ hơn là các ngày học chính khóa, để vung tiền mua kiến thức cho con, biến con mình thành những "cỗ máy đọc chữ".

Việc các bậc cha mẹ có muốn "giải thoát" con mình khỏi vòng xoáy của các thành tích giả tạo đó, là một "điệp vụ khó khả thi", nếu không đủ bản lĩnh.

Những lời nói xem ra bình thường ấy vô tình tạo ra những sức ép không đáng có lên con em mình. Bởi thật ra, chúng học cho chúng, không phải học cho cha mẹ.

PH phải định hướng cho con mình hiểu được bản chất của việc học là gì và vì ai. Nếu PH dễ dàng "nở mặt, nở mày" với mọi người vì thành tích học tập tốt của con thì cũng không khó để "rất thất vọng", hoặc "xấu hổ vì con" do kết quả học tập không đáp ứng kỳ vọng của cha mẹ. 

Sức ép đó, không phải của cha mẹ mà là "từ cha mẹ" lên các con mình.

Khoe thành tích học tập của con em mình với mọi người, khoe một cách công khai lên cả các trang mạng xã hội, nào là học ở trường này, trung tâm nọ, lò đào tạo kia,… xem ra chỉ tạo thêm sức ép cho con trẻ. Bởi nó được hiểu như một "khế ước", một "thỏa thuận bất thành văn" mà chính cha mẹ đã đặt lên vai con mình. 

Không phải mọi sự "khoe khoang" của PH đều tạo sức ép lên con cái nhưng hầu hết trường hợp đáng tiếc, những kết cục xấu nhất xảy ra đối với các cháu lại đều có nguyên nhân từ sức ép của PH.

Cựu học sinh Nguyễn Khuyến: 'Trầm cảm, suýt tự tử nhưng không hối hận'

Trong hồi ức của cựu học sinh THCS và THPT Nguyễn Khuyến, TP.HCM, trường gắn liền áp lực học tập với "kỷ luật thép". Nhiều người nói vẫn học Nguyễn Khuyến nếu được chọn lại.


https://nld.com.vn/ban-doc/co-nen-khoe-thanh-tich-hoc-tap-cua-con-em-minh-20180414153739685.htm

Theo Trần Xuân Thái/Người lao động

Bạn có thể quan tâm