“Nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách khoa, Sư phạm bỏ qua”, đó là những câu ví von mà người ta mô tả về ngành Sư phạm cách đây gần 20 năm.
Để ngành học này thoát cảnh “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”, chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm đã ra đời. Thế nhưng, hiện chính sách này đang bộc lộ những bất cập cần được điều chỉnh để vừa nâng cao chất lượng, thu hút sinh viên giỏi vào ngành, vừa cân đối chỉ tiêu đào tạo khớp với nhu cầu thực tế...
Thí sinh xếp hàng chờ nộp hồ sơ xét tuyển vào ĐH Sư phạm TP HCM mùa tuyển sinh 2015 . Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Hiện tại, ngoài một số trường đa ngành có đào tạo sư phạm, cả nước có 13 trường ĐH sư phạm, 1 trường ĐH giáo dục và 33 trường CĐ sư phạm.
Theo GS Phạm Minh Hạc - Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam, nguyên Bộ trưởng GD&ĐT, năm học 1995 - 1996, cả nước thiếu gần 120.000 giáo viên phổ thông. Trong khi đó, hầu như không thí sinh nào muốn thi vào ngành này.
Loạt bài “Báo động đỏ từ những “cỗ máy cái” giáo dục” đăng trên Tuổi Trẻ ngày 30-9 và 2-10 năm 1993 của tác giả Bùi Thanh và Hà Thạch Hãn đoạt giải báo chí TP.HCM năm 1993 đã nêu rõ hiện trạng của ngành giáo dục thời điểm này. |
Từ thiếu...
GS Phạm Minh Hạc cho biết chính sách miễn học phí cho sinh viên ngành sư phạm được chính thức áp dụng từ năm 1997 nhằm thực hiện tinh thần nghị quyết trung ương 2 khóa VIII về định hướng chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhiệm vụ đến năm 2000 mà ông là người được giao nhiệm vụ biên thảo.
Nghị quyết trung ương 2 khóa VIII đã đưa ra chủ trương không thu học phí và thực hiện chế độ học bổng ưu đãi đối với học sinh, sinh viên ngành sư phạm. Chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm, hút người giỏi vào học ngành này xuất phát từ tình trạng đội ngũ giáo viên mà trung ương nhận định là “vừa thiếu vừa yếu”. Theo đó, năm học 1995-1996 cả nước còn thiếu gần 120.000 giáo viên phổ thông.
“Người ta nhìn thấy việc tuyển người vào ngành còn nhiều bất cập, thấy không công bằng, không minh bạch, có tiêu cực thì làm sao dám tha thiết với nghề?"
GS Phạm Minh Hạc.
GS Hạc cho biết, chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm thật sự đã tạo ra bước ngoặt trong việc thu hút sinh viên giỏi, tăng số lượng và chất lượng người học sư phạm trong 7-8 năm liền sau đó.
GS Đinh Quang Báo - nguyên Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội - nhớ lại thời điểm trước khi có chính sách miễn học phí, giáo viên thiếu, nhiều địa phương - nhất là các tỉnh phía Nam - lại có tình trạng giáo viên bỏ việc càng làm cho lực lượng giáo viên mỏng hơn.
Đến thừa...
Tuy nhiên, từ thời điểm áp dụng chính sách miễn học phí, ngành sư phạm trở nên hấp dẫn hơn, thu hút được nhiều sinh viên giỏi.
“Chúng tôi gọi đó là thế hệ “ba con chín”. Từ năm 1997-2006, điểm chuẩn vào trường tăng cao và duy trì ổn định. Năm 1997, điểm chuẩn ngành sư phạm văn là 25, ngành sư phạm toán lên đến 27 điểm, cao vọt so với chính trường sư phạm các năm trước và so với các trường ĐH khác. Có phụ huynh có con đạt 25 điểm mà không đỗ đã lên gặp ban giám hiệu nói Nhà nước bảo phải thu hút sinh viên giỏi vào ngành sư phạm, con tôi 25 điểm là giỏi rồi, sao không được vào trường?” - GS Báo nhớ lại.
Thí sinh xếp hàng chờ đến lượt nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1 tại ĐH Sư phạm TP HCM trưa 3/8. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Tuy nhiên, ông Báo thừa nhận thời hoàng kim đó không kéo dài được lâu. ĐH Sư phạm Hà Nội vẫn được xếp “đầu bảng” về điểm chuẩn một thời, đến năm 2009-2010, điểm chuẩn ngành cao nhất là sư phạm toán cũng chỉ 21-22 điểm, sư phạm tin học và sư phạm sinh học chỉ 16-16,5 điểm...
“Bây giờ đã khác trước rất nhiều. Nếu cơ hội việc làm tốt thì không miễn học phí, thí sinh vẫn lao vào học" - GS Đinh Quang Bảo.
Theo ông Nguyễn Hải Thập - Phó cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục - Bộ GD&ĐT, tình trạng dư thừa giáo viên, nguồn cung sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm cao hơn so với nhu cầu thực tế bắt đầu diễn ra vào những năm 2008-2009 và đặc biệt bộc lộ mạnh mẽ từ năm 2010.
Giáo viên dư thừa nhiều nhất ở cấp THPT, ở các tỉnh khó khăn có tình trạng di cư mạnh. Trước tình trạng này, Bộ GD&ĐT đã thừa nhận có tình trạng “dư thừa nguồn cung giáo viên”. Vì vậy, trong xác định chỉ tiêu ngành sư phạm những năm gần đây, Bộ GD-ĐT thường xuyên nhấn mạnh thông điệp cắt giảm chỉ tiêu ngành này.
Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, năm 2012, cả nước có 20.000 chỉ tiêu tuyển mới ĐH sư phạm (đào tạo giáo viên) và 5.000 chỉ tiêu CĐ sư phạm, giảm nhẹ với mức giảm từ 2,5-5% chỉ tiêu so với năm trước đó tùy từng trình độ đào tạo.
Mức độ giảm này được Bộ GD&ĐT đánh giá là phản ánh xu hướng điều chỉnh giảm cơ cấu đào tạo giáo viên của các trường trước thực trạng dư thừa nguồn cung giáo viên trong những năm gần đây.
Cũng trong năm 2013, khi đánh giá thực hiện chỉ tiêu năm 2012, Bộ GD&ĐT đồng thời đặt ra kế hoạch năm 2013 sẽ tiếp tục giảm chỉ tiêu đào tạo sư phạm do tình trạng thừa giáo viên và tiếp tục phải giảm trong những năm tới trên cơ sở đánh giá lại thực trạng đội ngũ giáo viên hiện nay so với nhu cầu. Vì vậy, năm 2013 Bộ GD-ĐT đặt ra mục tiêu giảm chỉ tiêu ĐH sư phạm xuống 20%, còn 16.000 và chỉ tiêu CĐ sư phạm cũng giảm 10%, xuống còn 2.900.