Cách đây 12 năm, là một kỹ sư xây dựng mới ra trường, tôi làm cho một doanh nghiệp với mức lương 7 triệu.
Theo bảng lương mới nhất của Bộ GD&ĐT, giáo viên mới ra trường nhận từ 3,1 đến 3,5 triệu (đã làm tròn).
Sau hai năm đi làm, mức lương kỹ sư của tôi là hơn 10 triệu. Theo bảng lương mới, sau gần 40 năm đứng lớp giảng dạy, giáo viên có thể nhận mức lương kịch trần là 10,1 triệu nếu đáp ứng một loạt yêu cầu về bằng cấp, chứng chỉ.
Đi đám cưới bây giờ cũng mừng ít nhất là 200.000 đồng, thành phố thì phải 500.000 đồng. Đi khám bệnh ở bệnh viện lớn, riêng tiền khám dịch vụ 150.000-300.000 đồng, chưa kể tiền xét nghiệm, thuốc ít cũng vài triệu/lần.
Kỹ sư là một nghề bình thường chứ không phải thu nhập cao so với mặt bằng xã hội. Những ngành thời thượng là công nghệ, y dược, IT… lương còn cao hơn.
Có nên tăng lương cho giáo viên? Ảnh minh họa: Việt Hùng. |
Tạm không so sánh về mức độ vất vả vì mỗi nghề đều có đặc thù khác nhau, không so sánh về vinh quang vì nghề nào cũng vinh quang.
Nhưng cùng học 12 năm phổ thông, cùng 4, 5 năm trên giảng đường đại học. Các học sinh hiện nay khi nhìn những con số trên sẽ quyết định chọn ngành nào?
Là bố mẹ, bạn sẽ định hướng con mình làm ngành nào? Nhiều người thắc mắc tại sao cách đây 30-40 năm, lương giáo viên cũng thấp mà tại sao thu hút được nhiều người giỏi?
Thực tế khi đó, so với mặt bằng chung, ngành sư phạm khá hấp dẫn: Được miễn học phí, ra trường được bố trí việc, lương không chênh lệch so với các ngành khác.
Mấy chục năm sau, đời sống nói chung đã từ đi xe đạp chuyển qua xe máy rồi ôtô, lương công nhân trung bình là 5, 6 triệu, giáo viên vẫn cày cuốc thi biên chế để nhận khởi điểm 3,1 triệu và miệt mài thi nâng hạng để kịch trần là 10,1 triệu.
Các con số trên, tự nó đã nói lên tất cả.
Trong khi nhiều ý kiến còn đang ủng hộ, phản đối việc tăng lương cho giáo viên thì từ lâu bản thân những thầy cô đã có lựa chọn rồi: Ai có thể vào trường tư có đãi ngộ tốt hơn thì vào, ai dạy thêm được thì đã dạy, ai có việc tay trái, tay phải đều tích cực làm, ai chuyển nghề có thu nhập tốt hơn thì đã chuyển, nhiều năm nay điểm chuẩn các trường sư phạm luôn ở top cuối.
Chỉ có những thầy cô dành trọn tâm huyết cho việc dạy là ngày càng ít dần.
Mỗi người bố, người mẹ chúng ta chắc hẳn có cảm nhận rõ nét về chất lượng giáo dục hiện nay hơn bất cứ báo cáo, số liệu nào.
Giáo dục không chỉ là hiểu bài, là điểm số cao. Quan trọng hơn là giúp trẻ em trở thành một con người đúng nghĩa: Trung thực, nhân ái, nghị lực. Những điều đó, không văn bằng, chứng chỉ, chuẩn nghề nghiệp nào có thể làm được ngoài tâm huyết của người giáo viên có năng lực.
Xét cho cùng, giáo viên chính là linh hồn của nền giáo dục. Nếu chúng ta muốn đào tạo ra những con người thực thụ, hãy đầu tư cho đời sống giáo viên để thu hút được thầy cô giỏi toàn tâm vào việc dạy học.
Còn coi giáo viên như công chức bình thường thực thi nhiệm vụ trong giáo án, chỉ cần chú trọng đầu tư cho cơ sở vật chất, cho nâng chuẩn thì cũng không sao. Bao năm họ có sống được bằng lương đâu. Sẽ có nhiều lời kêu gọi thầy cô là tấm gương đạo đức, khắc phục điều kiện khó khăn để dạy tốt. Nhưng hãy tự hỏi mình xem có làm được không trước khi kêu gọi người khác.
Trong khi người lớn mải tranh luận, các con vẫn hàng ngày đến trường, thầy cô ngoài việc dạy ở trường vẫn bận bươn chải làm thêm để đủ sống. Còn sản phẩm của nền giáo dục thì phải 10, 20 năm nữa mới đánh giá được, lúc đó cái giá phải trả là không thể đong đếm.