Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Có nên tự kiểm tra viêm âm đạo bằng que thử?

Nhiều loại que thử viêm âm đạo được rao bán trên mạng thời gian qua. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng không có loại que nào thử được viêm âm đạo

Chỉ cần nghe đến que thử viêm âm đạo nhiều chị em phụ nữ đã tỏ ra thích thú, do họ có thể thử như thử thai thay, vì phải tìm đến các cơ sở y tế vừa ngại vừa mất thời gian.

Chị Vũ Thị Phượng, Thanh Xuân, Hà Nội kể chị hay bị viêm âm đạo và đã chữa nhiều nơi, nhưng hầu như năm nào cũng bị tái phát 2 - 3 lần rất khó chịu. Bất tiện nhất là mỗi lần đi khám phụ khoa vừa ngại, vừa tốn thời gian đôi khi còn bị bác sĩ “soi” ra đủ thứ bệnh khác.

Với kinh nghiệm điều trị bệnh viêm phụ khoa, chị Phượng kể chỉ cần thấy khí hư nhiều hơn là chị mua que thử âm đạo về và thử như hướng dẫn. Khi có kết quả, chị sẽ tự đi mua thuốc về đặt âm đạo. Các thuốc trị viêm, trị nấm âm đạo cứ thế lên mạng google là ra hết.

Tu kiem tra viem am dao bang que thu anh 1
Que thử viêm âm đạo được cho là có tác dụng thần kỳ.

Trên nhiều trang mạng, người bán hàng quảng cáo que trị viêm âm đạo chỉ cần một phút là khổ chủ có thể biết được mình bị viêm âm đạo hay không, thay vì phải tìm đến bác sĩ.

Một clip quảng cáo đăng tải trên mạng giới thiệu: Có một biện pháp rất đơn giản và nhanh chóng để phát hiện sớm đó là dùng que thử để đo độ PH âm đạo. Bình thường trong âm đạo có một loại vi khuẩn gọi là Lactobacilli chuyển hóa glucogen trong tế bào âm đạo giữ môi trường âm đạo có tính hơi axit và độ PH là 4,5.

Sự cân bằng này để cho các vi khuẩn sống chung và giữ cho âm đạo ẩm ướt. Khi PH âm đạo cao nghĩa là có xu hướng kiềm thì các vi khuẩn và virus gây bệnh đang phát triển, và PH âm đạo càng cao thì mức độ viêm do vi khuẩn, virus lại càng cao. Ngược lại nếu PH âm đạo thấp nghĩa là càng nghiêng về axit thì các bào tử nấm đang phát triển và người phụ nữ đang bị nhiễm nấm.

Chính vì nguyên lý này ta có thể dùng que thử độ PH trong âm đạo để từ đó phát hiện có bị viêm âm đạo hay không, viêm ở mức độ nào và do vi khuẩn, virus hay nấm gây nên".

Cách sử dụng que rất đơn giản. Đó là dùng tăm bông sạch lấy dịch âm đạo phết lên cho ướt đẫm phần màu vàng trên que thử. Sau vài phút, que thử đổi màu đem so sánh với bảng màu được cung cấp sẵn, và lấy màu gần giống nhất để xác định mức độ viêm âm đạo.

Theo đó, que thử chuyển sang màu vàng đậm là bị nhiễm nấm. que thử chuyển sang màu xanh là bị nhiễm vi khuẩn, virus. Màu xanh đậm hoặc đỏ đậm thể hiện bệnh đã rất nặng, cần đi khám và điều trị ngay.

Không có tác dụng 

Sau khi nghe các chia sẻ về việc thử nồng độ PH để xác định viêm âm đạo hay không, TS. BS Nguyễn Hữu Trung, Giám đốc phòng khám sản phụ khoa Hoàng Gia, Giảng viên trường Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết không một que nào có thể thử được viêm âm đạo như nhiều chị em lầm tưởng.

Hiện nay, trong ngành sản khoa mới chỉ có que thử thai chứ thử viêm âm đạo chỉ là quảng cáo của người bán hàng.

Bác sĩ Trung cho biết hiện nay chỉ có những phụ nữ mang thai ở tháng cuối thì có một dạng giấy để thử nước ối. Lớp giấy lót này cho chị em sẽ biết được là nước tiểu hay nước ối có bị rò rỉ hay không.

Đối với viêm âm đạo, bắt buộc người bệnh phải đến các cơ sở y tế để khám, và khi khám bác sĩ phải dùng mỏ vịt để lấy dịch từ trong âm đạo xét nghiệm. Một số xét nghiệm chỉ vài giờ là có kết quả, nhưng có những xét nghiệm phải vài ngày sau mới có kết quả, chứ không thể biết ngay sau được một phút.

Viêm âm đạo hay còn gọi viêm sinh dục dưới, ngược lại là một tình trạng nhẹ nhàng hơn, thường ít để lại di chứng. Đây là bệnh dễ chữa, nhưng cũng dễ bị nhiễm và dễ bị tái phát. Thường gặp nhất là viêm âm đạo do các tác nhân như nấm, vi trùng, trùng roi.

Ngoại trừ bệnh nhiễm trùng roi xảy ra do lây qua quan hệ tình dục, các trường hợp còn lại đều có thể xảy ra trên người độc thân hay đã kết hôn, có hay không có quan hệ tình dục.

Đa số các trường hợp viêm âm đạo sẽ có tình trạng huyết trắng gia tăng, có mùi và màu bất thường, gây khó chịu (ngứa, rát, nóng bỏng); có thể đi kèm với tình trạng nhiễm trùng đường tiểu dưới (tiểu gắt buốt, tiểu nhiều lần hay khó tiểu, tiểu đục, nước tiểu có mùi hôi hay lợn cợn). Bệnh nhân có thể dùng các loại thuốc đặt âm đạo có kèm hay không kèm thuốc uống để điều trị. Vệ sinh sạch sẽ thường ngày và trong giai đọan kinh nguyệt sẽ giúp ngăn ngừa tốt viêm sinh dục dưới.

Hiểm họa khi 'yêu' không an toàn

Quan hệ tình dục không an toàn có thể làm tăng cơ hội lây nhiễm nhiều căn bệnh nguy hiểm.

http://infonet.vn/chuyen-gia-phu-nhan-viec-tu-kiem-tra-viem-am-dao-bang-que-thu-post238328.info

Theo Khánh Ngọc / Infonet

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm