Mụn là một trong những vấn đề về da phổ biến, thường gặp và gây nhiều phiền toái cho mọi người. Mụn không gây nguy hiểm về sức khỏe nhưng tác động mạnh mẽ đến tâm lý, dễ gây nên trạng thái tự ti, mặc cảm và căng thẳng.
Phần lớn ý kiến cho rằng mụn xuất hiện nhiều nhất ở tuổi dậy thì, song sự thật là ở bất kỳ độ tuổi nào cũng có thể bị mụn. Bên cạnh điều trị bằng thuốc theo khuyến nghị của bác sĩ da liễu, sử dụng mỹ phẩm trị mụn, nặn mụn cũng là phương pháp góp phần loại bỏ mụn nhanh chóng.
Nặn mụn tại nhà cần tuân theo những lưu ý quan trọng nhằm đảm bảo không khiến tình trạng mụn trở nên tồi tệ hơn. Ảnh: Verywell Health. |
Những loại mụn thường gặp
Mụn ẩn hay còn gọi là mụn không viêm được xem là giai đoạn đầu tiên của tình trạng nang lông bị tắc nghẽn bởi tế bào chết, tạp chất và dầu thừa.
Mụn ẩn mọc thành từng cụm, trùng màu da cơ thể và dễ nhận thấy nhất khi quan sát da dưới ánh đèn hoặc lúc chạm tay vào da mặt. Tuy không gây viêm đau, mụn ẩn làm bề mặt da sần sùi, trông không được mịn màng.
Mụn ẩn phổ biến ở nhiều người, đặc biệt những người có làn da dầu. Mụn ẩn có thể nặn được nhưng nếu không tiến hành đúng cách sẽ dễ xuất hiện trở lại hoặc chuyển thành mụn viêm nghiêm trọng hơn.
Mụn trứng cá được tạo nên khi có quá nhiều dầu thừa sản sinh từ lỗ chân lông, kết hợp với tế bào da chết, bị kẹt cứng và tạo nên cái "nút". Nút này trồi lên bề mặt da. Nếu bị da che phủ, nó sẽ có màu trắng đục và được gọi là mụn đầu trắng (mụn trứng cá đóng).
Ngược lại với mụn đầu trắng, mụn đầu đen là khi những cái nút nhô lên bề mặt da, không bị da che phủ, phần đầu hở ra tiếp xúc với không khí và bị oxy hóa thành màu đen.
Mụn mủ là các nốt mụn sưng đỏ, xuất hiện phần mũ trắng ở đỉnh đầu. Mụn mủ có thể hình thành do việc nặn mụn trứng cá không kỹ lưỡng gây nên.
Mụn bọc, mụn nang mang tính tổn thương da sâu, lỗ chân lông bị tắc nghẽn nghiêm trọng và gây đau đớn. Những loại mụn này được khuyến cáo không được nặn dưới bất kỳ hình thức nào vì rất dễ để lại sẹo lõm vĩnh viễn.
Không phải loại mụn nào cũng có thể nặn ra theo cách thông thường vì rất dễ để lại sẹo. Ảnh: Business Insider. |
Nặn mụn đúng cách như thế nào?
Lời khuyên không nên nặn mụn tại nhà mà bạn thường nghe là do việc nặn mụn không thể áp dụng cho mọi loại mụn. Bên cạnh đó, kỹ thuật nặn mụn đòi hỏi sự chính xác và khéo léo nhằm không khiến vùng da có mụn bị tổn thương, tạo thành vết thâm hay sẹo khó phục hồi.
Tuy nhiên, nhân mụn vẫn nên được lấy ra khỏi da để tránh hiện tượng mụn trở nên viêm sưng và bùng phát. Bên cạnh đó, nặn mụn còn góp phần giảm viêm và đẩy nhanh quá trình phục hồi da.
Trong lúc nặn mụn không được bóp mạnh, chọc vì dễ hình thành nên các vết thương trên bề mặt da hoặc sẹo vĩnh viễn. Hãy quan sát mụn thường xuyên để nhận biết thời điểm nào có thể nặn mụn. Càng nhìn thấy rõ đầu mụn trồi lên cao, việc nặn mụn sẽ càng dễ dàng và ít gây đau.
Trước khi nặn mụn, bạn nên rửa mặt bằng sản phẩm rửa mặt dịu nhẹ. Không rửa mặt bằng nước quá nóng hay quá lạnh vì dễ gây viêm vùng da bị mụn. Sau khi rửa mặt, thấm khô da bằng khăn bông mềm.
Bạn cần có cây nặn mụn. Cây nặn mụn rất dễ tìm mua tại các quầy mỹ phẩm. Đặt vòng tròn của cây nặn mụn vào trung tâm khu vực đầu nốt mụn. Ấn thật nhẹ cây nặn mụn xuống và trượt qua nốt mụn. Có thể cần lặp lại thao tác này nếu ở lần đầu tiên nhân mụn vẫn chưa trồi lên.
Luôn thao tác với cây nặn mụn thật nhẹ nhàng nhằm loại bỏ nhân và đầu trắng của nốt mụn, đồng thời không làm tổn thương sâu vùng da mụn và vùng da lành xung quanh.
Sau khi loại bỏ nhân, đầu trắng của nốt mụn viêm, bạn sử dụng sản phẩm trị mụn có chứa benzoyl peroxide hoặc salicylic acid (BHA) thoa lên khu vực vừa nặn. Benzoyl peroxide và salicylic acid đều có đặc tính diệt khuẩn, giảm viêm và ngừa mụn hiệu quả.
Thoa sản phẩm trị mụn sau khi nặn giúp đẩy nhanh quá trình làm lành vết thương, hồi phục da. Ảnh: Hypebae. |
Chăm sóc da sau nặn mụn
Không rửa mặt lại sau khi nặn mụn bởi làn da đang rất nhạy cảm. Quá trình nặn có thể gây ra những vết thương nhỏ trên bề mặt da, lúc này huyết tương được cơ thể tiết ra nhằm giúp cầm máu, ngăn cản sự tấn công của vi khuẩn. Nếu rửa mặt lại, da sẽ dễ bị nhiễm trùng.
Dùng bông tẩy trang thấm nước muối sinh lý và lau mặt nhẹ nhàng, không dùng lực mạnh để chà xát miếng bông trên da.
Sử dụng khẩu trang khi ra ngoài giúp bảo vệ vùng da vừa nặn mụn khỏi tác động xấu từ ánh nắng và khói bụi ô nhiễm.
Hãy chú trọng việc làm sạch da mỗi ngày như tẩy trang, rửa mặt bằng sản phẩm dịu nhẹ, duy trì tần suất tẩy tế bào chết 2-3 lần/tuần để ngăn ngừa tình trạng tắc nghẽn lỗ chân lông. Ngoài ra, dưỡng ẩm đủ cũng góp phần tạo nên sự cân bằng dầu - nước trên da, giúp hạn chế tiết dầu quá mức.
Đừng quên thoa kem chống nắng vào ban ngày vì sau khi nặn mụn, da có thể hình thành nên những vết thâm. Tia UV từ ánh nắng có thể khiến vết thâm sẫm màu hơn và khó phục hồi.
Luôn làm sạch da kỹ lưỡng mỗi ngày giúp giảm thiểu nguy cơ lỗ chân lông bị bít tắc và sinh mụn. Ảnh: Teen Vogue. |