Câu chuyện thương tâm của chị Nguyễn Thị Hồng Ngọc (23 tuổi, phường Vinh Tân, TP Vinh, Nghệ An) bị cảm cúm, sốt được người nhà đưa đến nhà của một y tá về hưu truyền dịch dẫn đến tử vong là bài học dành cho nhiều gia đình.
Độc giả có nickname Chí Huyền bộc bạch, nếu mọi người trách y tá về hưu 10, cô trách bố mẹ chị Ngọc đã qua đời 8-9 phần. Vì sao họ không đưa con đến trạm xá, bệnh viện lại tin vào một người y tá đã về hưu? Dù gia đình biết chắc chắn tay nghề của người y tá lớn tuổi, nhưng họ cũng phải để ý quan sát con gái vài ngày sau khi truyền dịch. Nếu Ngọc không khỏi, gia đình phải đưa đến ngay đến bệnh, vì sao để cô nằm 9 ngày mới đưa đi.
Mẹ của Huyền là bác sĩ nên cô biết rõ truyền dịch nhìn đơn giản nhưng thực ra rất khó. Bệnh nhân có thể ngộ độc, sốc thuốc, trừ khi truyền nước biển khi bị mệt mỏi có thể làm tại nhà.
“Mỗi lần tôi bị sốt cao một ngày, nếu uống thuốc không hạ sốt, gia đình sẽ chủ động đưa tôi vào viện để kiểm tra, theo dõi sức khỏe. Tôi thắc mắc vì sao bố mẹ của Ngọc lại chủ quan như vậy?”, Huyền nói thêm.
Nói về vấn đề "đụng sốt là truyền nước", độc giả Trịnh Thanh Tùng phân tích, thói quen của nhiều người là mỗi lần thấy không khỏe, cảm sốt, cúm sẽ đi truyền dịch. Gia đình chị Ngọc cũng nằm trong trường hợp số đông và đây là cách làm không đúng, bởi khi bị cúm do virus, kháng sinh không có tác dụng. Việc truyền dịch cũng khiến tim phải làm việc nhiều hơn.
Câu chuyện của chị Ngọc cũng khiến anh Thanh Minh và nhiều bạn đọc trăn trở bởi phụ huynh của họ không có thói quen đến trung tâm y tế, bệnh viện lớn để điều trị mà tự chữa tại nhà.
Anh tâm sự, sống xa gia đình nên mỗi lần nghe tin bố mẹ bệnh, anh rất lo lắng. Một lần anh gọi điện về khuyên bố nhập viện để khám tổng quát, theo dõi tình hình sức khỏe cụ thể nhưng bố anh thẳng thừng từ chối.
“Ông thường bảo cảm cúm, sốt là bệnh nhẹ, tự mua thuốc uống vài viên sẽ khỏi. Có lần, tôi sốt ruột xin nghỉ việc bay thẳng về nhà đưa bố nhập viện nhưng ông kiên quyết không đi. Ông nói chỉ những người bệnh nặng, cấp cứu, gần đất xa trời mới nhập viện”, anh kể.
Không ít độc giả bày tỏ sự băn khoăn về vấn đề sử dụng thuốc dễ dãi như hiện nay. Chị Nguyễn Tấn Phát chia sẻ, không chỉ Ngọc, nhiều người dân ở thôn quê thường nghĩ cảm cúm là bệnh đơn giản nên họ đến tiệm thuốc Tây gần nhất, hoặc đến những người từng công tác trong bệnh viện đã về hưu, mua thuốc uống, truyền dịch.Tuy nhiên, khi xảy ra hậu quả đáng tiếc họ mới thấy sinh mạng quý giá. Dù họ tỏ thái độ căm phẫn xen lẫn hối hận, nhưng tất cả đều quá muộn màng.
Chị kể: “Khi về quê chồng ở miền Trung, mỗi buổi sáng đi chợ tôi rất ngạc nhiên và sợ hãi vì có nhiều quầy thuốc Tây di động. Họ bán thuốc như bao người bán mớ rau, con cá, chỉ cần giỏ xách, một cái rổ, cây kéo. Tôi nhiều lần tự hỏi, họ có bằng trung cấp dược không? Vì sao họ vẫn bán buôn, hoạt động bao nhiêu năm ở đó?”.
Góp ý về cách tự điều trị bệnh an toàn, độc giả Thao Tong cho biết bệnh cảm cúm có rất nhiều cách chữa: uống nước chanh, xông hơi, uống thuốc hạ sốt, nhưng chỉ 1-2 ngày nếu vẫn sốt cao phải nhập viện để những người có chuyên môn chẩn đoán. Đôi khi sốt là dấu hiệu ban đầu của nhiều bệnh khác chứ không chỉ đơn giản là của cảm cúm, sốt.
Bác sĩ Điền Trung, Tổng đài 1080, cho biết, cảm cúm thường xuất hiện 2-3 ngày sau khi tiếp xúc với virus cảm cúm. Dấu hiệu thông thường: cơ thể rã rời, đau đầu, hắt hơi, chảy nước mắt, sốt nhẹ, chảy nước mũi, ngứa cổ họng, ho khan. Nếu không điều trị hoặc điều trị quá muộn có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, suy hô hấp...
Khi bị cảm cúm, nhiều người thường tự ý mua thuốc kháng sinh, không đến cơ sở y tế khám là rất nguy hiểm bởi kháng sinh chỉ tiêu diệt hoặc kìm hãm được các vi khuẩn, không có tác dụng đối với virus. Tự điều trị kháng sinh với cảm cúm sẽ gây lờn thuốc, bệnh không thuyên giảm.
Truyền dịch thường phải dựa vào kết quả xét nghiệm, không thể tự ý quyết định. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, bệnh nhân truyền dịch được là khi bị mất nước, mất máu, suy dinh dưỡng nặng, bị ngộ độc, trước và sau khi phẫu thuật...
"Tôi khuyến cáo các bạn là các loại dịch truyền đều là thuốc dạng đặc biệt, chỉ được dùng khi bác sĩ khám và kê đơn. Về nguyên tắc việc truyền dịch phải được tiến hành ở cơ sở y tế có cán bộ chuyên môn có dụng cụ và thiết bị xử lý các tai biến", bác Trung nhấn mạnh.