Hơn 30 năm trong nghề, GS.TS Nguyễn Tài Sơn, nguyên Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật Hàm mặt và Tạo hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, được ví như “cây đa cây đề” trong ngành tạo hình thẩm mỹ.
GS Nguyễn Tài Sơn còn là chuyên gia trong lĩnh vực làm đẹp. Bởi vậy, những tai biến tai nạn sau các thủ thuật thẩm mỹ, nhất là tai biến chết người tại các thẩm mỹ viện luôn khiến ông trăn trở.
GS.TS Nguyễn Tài Sơn được ví như “cây đa cây đề” trong ngành tạo hình thẩm mỹ. |
Phẫu thuật thẩm mỹ không phải phép màu
- Xin GS cho biết ngành phẫu thật thẩm mỹ của Việt Nam so với thế giới như thế nào?
- Trong thời gian gần đây ngành thẩm mỹ tại Việt Nam có sự phát triển mạnh mẽ, luôn cập nhật các kỹ thuật mới, tiên tiến trên thế giới và đã đạt được thành công nhất định. Chúng ta rất vinh dự là hội viên chính thức của Hội Phẫu thuật tạo hình quốc tế, hội viên Hội tạo hình thẩm mỹ Đông Á... Điều này khẳng định vị trí và uy tín của ngành thẩm mỹ Việt Nam trong khu vực và thế giới. Chúng ta đã thực hiện được hết các kỹ thuật làm đẹp mà trên thế giới đang làm, nhiều báo cáo viên của chúng ta có những báo cáo rất chất lượng tham dự các hội nghị quốc tế uy tín, được các đồng nghiệp đánh giá cao.
Tuy nhiên, hoạt động dịch vụ thẩm mỹ của chúng ta còn chưa an toàn, chưa rạch ròi ranh giới giữa các thủ thuật xâm lấn chỉ được các bác sĩ có giấy phép hành nghề thực hiện và cơ sở chăm sóc da, làm đẹp nội khoa. Từ đó, xảy ra tình trạng làm quá phạm vi cho phép dẫn đến tai nạn rất đáng tiếc gây bức xúc trong xã hội. Trong đó, phải kể đến các spa không được trang bị kiến thức y học nhưng vẫn tiến hành phẫu thuật.
- Nhu cầu thẩm mỹ của người Việt hiện nay ra sao?
- Tình hình kinh tế và xã hội tại nước ta ngày càng phát triển, người dân có kinh tế tốt hơn, có điều kiện chăm lo sức khỏe và nhất là hình ảnh của mình nhiều hơn. Đặc biệt, giao lưu quốc tế rộng rãi, du nhập lối sống nước ngoài qua phim ảnh, ca nhạc, nên nhu cầu làm thẩm mỹ ngày một tăng và lan tỏa ra mọi tầng lớp trong xã hội. Đây là nhu cầu chính đáng, đòi hỏi ngành phẫu thuật thẩm mỹ phải phát triển kịp thế giới.
Việt Nam đã thực hiện được hết các kỹ thuật làm đẹp mà trên thế giới đang làm.
GS.TS Nguyễn Tài Sơn
- GS nghĩ sao về việc nam giới đi phẫu thuật thẩm mỹ?
- Bên cạnh phần lớn khách hàng là chị em, nam giới cũng đi phẫu thuật thẩm mỹ. Họ cũng có mong muốn làm mũi cao, mở rộng mí mắt, căng da mặt, cắt da trán, nâng mí, thậm chí cả hút mỡ bụng. Đó cũng là nhu cầu đáng trân trọng để họ có cuộc sống tự tin và trẻ trung hơn.
Tuy nhiên, tôi không ủng hộ việc hút mỡ bụng ở nam giới do thành bụng của họ khác hoàn toàn phụ nữ. Ở cơ thể phụ nữ, mỡ chủ yếu tích tụ dưới da, phần nhiều dưới da thành bụng, đặc biệt ở những người đã sinh con, da thành bụng nhão, chảy, mất đàn hồi, đôi khi có các sẹo giãn nên có chỉ định hút mỡ, cắt da thừa rõ hơn. Nam giới mỡ tích dưới da bụng ít mà chủ yếu quanh các tạng trong ổ bụng. Dù bụng to nhưng da nam giới không chùng, lượng mỡ dưới da ít, việc hút mỡ vừa không hiệu quả vừa dễ gặp tai biến. Nhiều đàn ông đến muốn hút mỡ bụng, tôi đều từ chối và tư vấn họ nên thay đổi chế độ ăn uống, tập luyện để giảm cân an toàn nhất.
- Nhiều người phẫu thuật thẩm mỹ nhiều lần bởi tâm lý đã đẹp lại còn muốn đẹp hơn. Quan điểm của bác sĩ về điều này như thế nào?
- Nhiều người đang lạm dụng phẫu thuật thẩm mỹ. Họ quan niệm xấu thì đến bác sĩ thẩm mỹ sẽ được đẹp. Điều này chỉ đúng một phần. Với những dị tật bẩm sinh, khiếm khuyết của cơ thể, bác sĩ có thể chỉnh sửa, đưa về trạng thái bình thường hoặc đẹp hơn một chút. Nhưng phẫu thuật thẩm mỹ không thể đáp ứng mọi nhu cầu. Chẳng hạn, người mũi ngắn, tổ chức da mỏng không thể đòi hỏi làm mũi cao, dày. Nếu cố làm, họ sẽ phải đối mặt nguy cơ thủng, viêm biến dạng mũi, lộ chất liệu, nhiễm trùng.
Cũng có những người mang ảnh diễn viên đến yêu cầu tôi phẫu thuật giống như vậy. Có những người có thể đáp ứng, nhưng có những người không thể. Người béo toàn thân, không kiêng khem tìm đến yêu cầu hút mỡ để giảm cân. Nhưng hút mỡ chỉ giảm khối lượng mỡ ở những vùng nhất định như thành bụng, bắp tay, chân chứ không thể nào giảm mỡ toàn thân và giảm cân như mọi người nghĩ. Phẫu thuật thẩm mỹ chỉ giúp mọi người đẹp hơn chứ không thể đáp ứng được mọi nhu cầu thay đổi khác.
GS Nguyễn Tài Sơn (bên phải, trong một ca mổ) theo chuyên ngành phẫu thuật thẩm mỹ từ năm 1988, là "cây đa cây đề" của ngành thẩm mỹ tại Việt Nam. Ảnh: BSCC. |
Vì nguồn lợi khủng nên bất chấp
- Nguyên nhân nào dẫn đến các trường hợp tai biến, đặc biệt mất mạng khi "dao kéo"?
- Phẫu thuật thẩm mỹ cũng như các phẫu thuật khác nếu thực hiện không tốt, không tuân thủ đúng các quy trình sẽ dẫn tới tai biến, tai nạn. Đôi khi, có sự chuẩn bị kỹ càng vẫn xảy ra các biến chứng khó lường. Để hạn chế điều đó, bác sĩ thực hiện các thủ thuật làm đẹp phải trình độ chuyên môn vững, kiến thức sâu rộng cũng như kinh nghiệm thực hành.
Do vậy, bác sĩ làm các thủ thuật thẩm mỹ phải qua khóa học chuyên ngành thẩm mỹ tại các cơ sở đào tạo được nhà nước cấp phép, phải có đủ thời gian làm việc và có giấy phép hành nghề trong phạm vi quy định. Hiện tại, nhiều bác sĩ chưa có giấy phép hành nghề, chưa đủ kinh nghiệm, kiến thức xử lý các trường hợp tai biến không may xảy ra.
Nhiều người đàn ông muốn hút mỡ bụng nhưng tôi đều từ chối. Cũng có những người mang ảnh diễn viên đến yêu cầu tôi phẫu thuật giống như vậy.
GS.TS Nguyễn Tài Sơn
Thực tế, không phải ca nào cũng phẫu thuật thẩm mỹ được. Người làm thẩm mỹ phải biết từ chối khách hàng. Không phải vì tiền mà làm tất cả. Nhiều ca tử vong cuối năm 2019 có nguyên nhân là sốc thuốc, lỗi là ở phẫu thuật viên thiếu kinh nghiệm. Nếu họ hỏi kỹ bệnh nhân xem có dị ứng đồ ăn thức uống gì không thì câu chuyện sẽ khác, thay vì để xảy ra sự cố rồi lại đổ tội cho thuốc. Sốc thuốc cũng vậy, mỗi bệnh nhân, cân nặng tương ứng với liều lượng của thuốc, điều này được quy định rõ ràng, người phẫu thuật viên phải biết cách dùng như thế nào để không gây độc cho bệnh nhân.
Nếu không có kinh nghiệm, phẫu thuật viên cũng có thể động chạm làm tổn thương những tổ chức xung quanh như mạch máu, thần kinh, gây chảy máu ồ ạt, thậm chí, đe dọa tính mạng của người bệnh hay khách hàng.
Từ cuối năm 2019 đầu 2020, phần lớn tai biến thẩm mỹ xảy ra ở những nơi hay bị sự cố và quản lý lỏng lẻo, chưa được phép hành nghề. Chẳng hạn Thẩm mỹ viện Việt Hàn - nơi một người đàn ông tử vong - chỉ được phép chăm sóc da nhưng lại làm thủ thuật hút mỡ bụng, một thủ thuật lớn chỉ được phép làm tại các bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ.
Điều đó chứng tỏ công tác quản lý chưa được chặt chẽ, người thực hiện thủ thuật có đạo đức nghề nghiệp kém khi mang tính mạng người bệnh ra đánh đố. Hiện tại, Hà Nội còn nhiều cơ sở như vậy. Nhiều bác sĩ chỉ đi học một lớp thẩm mỹ ngắn hạn cũng được cấp phép, chưa từng có kinh nghiệm thực tế, họ vẫn đem bệnh nhân ra để phẫu thuật thẩm mỹ, do vậy, mới xảy ra chết người. Những tai biến trong thẩm mỹ tạo nên bức xúc, lo ngại cho xã hội, ảnh hưởng tới những người làm phẫu thuật chân chính.
GS Nguyễn Tài Sơn (ở giữa) trong Hội nghị Phẫu thuật thẩm mỹ Quốc tế VSAPS - Demire 2020. Ảnh: BSCC. |
- Để trở thành chuyên gia đầu ngành, ông đã có thời gian học tập và trau dồi kinh nghiệm như thế nào?
- Trước đây, tôi là phẫu thuật viên chấn thương chỉnh hình và rất ham mê vi phẫu thuật. Sau đó, tôi có cơ duyên được làm học trò và làm giúp việc cho GS.TSKH Nguyễn Huy Phan - người đầu tiên đem phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ tạo hình về Việt Nam. Được thầy dạy dỗ và dìu dắt, tôi theo ngành phẫu thật thẩm mỹ từ 1988 đến bây giờ.
GS Phan và các bác sĩ làm phẫu thuật thẩm mỹ trước đó luôn quan niệm trước khi làm thẩm mỹ, người thực hiện phải là phẫu thuật viên tạo hình. Thẩm mỹ chỉ là một phần rất nhỏ của phẫu thuật tạo hình. Đào tạo người làm phẫu thuật thẩm mỹ phải trải qua nhiều giai đoạn, thời gian. Tuy nhiên, hiện nay, các bác sĩ chỉ chăm chăm học thẩm mỹ, dẫn tới tràn lan các phòng khám, bác sĩ thẩm mỹ, thậm chí không phải bác sĩ thẩm mỹ cũng làm dẫn đến những tai biến nhiều như thời gian vừa qua.
Quy định của nhà nước, Bộ Y tế, Sở Y tế, bác sĩ thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ phải có chứng chỉ hành nghề hoặc đã làm bác sĩ tạo hình thẩm mỹ hoặc qua những lớp đào tạo nhất định. Ít nhất 5 năm làm phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ mới đủ để đứng ra mở phòng mạch riêng, khi đó người phẫu thuật viên mới đủ kiến thức, kinh nghiệm bản thân hoặc học được từ người thầy trước đó để tự tin làm, tránh được rủi ro trong khi phẫu thuật.
Hiện nay, nhiều trường y, nhiều bệnh viện, thậm chí bệnh viện cấp quận cũng đứng ra đạo tào ngắn hạn về thẩm mỹ. Tôi cho rằng điều này không đúng. Bởi từ đó, sẽ cho ra những bác sĩ ít kiến thức, ít hiểu biết và chắc chắn tỷ lệ gây tai nạn, tai biến sẽ tăng cao. Tôi phản đối vấn đề chiêu sinh đào tạo bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ rất ào ào hiện nay.
- Phải chăng ngành này có lợi nhuận cao nên nhiều cơ sở bất chấp thủ đoạn lôi kéo bệnh nhân về?
- Đó là một thực trạng đáng lo ngại hiện nay, nhất là khi những quảng cáo trên mạng xã hội rất dễ tiếp cận để lôi kéo bệnh nhân. Thực tế, có những cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ thu lợi nhuận rất cao, hơn những dịch vụ khám chữa bệnh khám khác.
Tôi cũng rất tiếc khi có những học trò khỏe mạnh, có kiến thức, có kinh nghiệm theo ngoại khoa sẽ rất tốt, giúp ích được cho người bệnh. Nhưng khi tốt nghiệp xong, họ lại làm mỗi chuyên khoa thẩm mỹ.
Tôi vẫn luôn nhắn nhủ các bác sĩ trẻ, các học trò rằng phải học đến nơi đến chốn mới có thể làm phẫu thuật thẩm mỹ. Bác sĩ thẩm mỹ phải luôn đặt an toàn và hiệu quả của bệnh nhân lên trên hết, không nên vì lợi nhuận hay thiếu hiểu biết mà làm không đúng quy định của cơ quan quản lý.