"Khâm phục" là điều nhiều người phải thốt lên khi nhìn những hình ảnh được ghi lại từ "góc học tập" của Ma Thị Tươi, sinh viên năm 2 khoa Khách sạn Du lịch, Đại học Thương mại (Hà Nội).
Không phải căn phòng nhỏ ấm cúng hay đầy đủ dụng cụ tiện nghi, đó chỉ là một chiếc lán tạm bợ, dựng trên 4 cọc tre, phủ tấm bạt xanh che mưa nắng giữa núi đồi.
Đây là nơi duy nhất Tươi có thể bắt sóng Internet để tham gia các tiết học online cùng các bạn giữa mùa dịch.
Ma Thị Tươi (áo xanh) cùng bạn bắt sóng Internet trong căn lán trên đồi để học bài. |
Cô sinh viên nghị lực
Ma Thị Tươi sinh ra và lớn lên ở vùng núi khó khăn thuộc xóm Cao Biền, xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai, Thái Nguyên. Chia sẻ với Zing, Tươi cho biết loạt ảnh về nơi học tập được người anh họ chụp khi cô đang học bài rồi chia sẻ lên mạng.
Sau kì nghỉ Tết Nguyên đán, trường Tươi triển khai cho sinh viên học online do dịch bệnh. Ở vùng núi hẻo lánh, khu Tươi sống chỉ có thể bắt sóng Internet ở đỉnh dốc đầu làng. Những ngày đầu, cô nữ sinh 20 tuổi ôm sách vở, điện thoại ra ngồi học ở lề đường để hứng sóng.
Tuy nhiên, thấy con gái nhiều hôm đội mưa nắng ngồi học, bố Tươi quyết định dựng lán tạm ở đỉnh Lân Luông cho con có chỗ trú, yên tâm học tập hơn từ 16/3.
Căn lán của Tươi nằm trên đỉnh Lân Luông. |
"Nói là ở đầu làng nhưng cũng cách nhà mình khoảng 3 km, đi xe máy mất khoảng 15 phút còn đi bộ cũng tốn gần 30-35 phút. Quanh đó không có nhà ở, khá hẻo lánh", Tươi nói với Zing.
Lịch học của Tươi kéo dài từ thứ 2 đến thứ 6, cứ khi nào có tiết, cô lại cầm theo chiếc điện thoại, laptop cũ ra lán học. Những hôm chỉ học ca sáng hoặc chiều thì đỡ mệt, có hôm học cả ngày, Tươi phải ra lán từ sớm, lúc thì nhịn qua bữa mới về nhà ăn cơm vì không kịp chạy đi chạy lại, lúc nhờ người thân đem cơm ra cho.
Ban đầu còn sợ, Tươi rủ em gái ra ngồi học chung, khi dần quen, cô gái nhỏ một mình chạy chiếc xe máy của bố ra lán.
Khi được hỏi thân con gái có sợ chạy xe đường núi ngoằn ngoèo nguy hiểm, Tươi đáp tự tin: "Dân núi mà, đường trơn trượt mình cũng chạy được hết. Khổ thì mình cũng quen rồi".
Ở xóm Cao Biền, không chỉ mình Tươi mà có khoảng 10 học sinh, sinh viên khác cũng phải tìm nơi "hứng sóng" học bài khi ở nhà. Về phần mình, mỗi khi có tiết học trùng nhau, Tươi lại rủ cô bạn thân tên Duyên, sinh viên ĐH Sư phạm Thái Nguyên, ra lán học chung cho đỡ chán.
Mơ làm hướng dẫn viên du lịch
Khi đỗ vào ĐH Thương mại, năm đầu tiên Tươi ở ký túc xá, sau quyết định chuyển ra ngoài trọ để tiện đi làm thêm, đỡ đần phí sinh hoạt cho bố mẹ.
"Mình làm nhiều việc linh tinh lắm, lúc thì quán cà phê, quán photo, lúc lại làm ở siêu thị, gần nhất thì mình đang làm phục vụ ở quán trà sữa", cô nói.
Theo học ngành Khách sạn Du lịch, cô nữ sinh dân tộc Tày tâm sự muốn trở thành hướng dẫn viên du lịch sau khi tốt nghiệp.
"Mình thích đi đây đi đó lắm, chỉ sợ không học được thôi, vất vả thế nào cũng đáng".
Tươi ước mơ trở thành hướng dẫn viên du lịch sau khi tốt nghiệp. |
Đối với Tươi, việc phải lội đường xa đi bắt sóng học dù vất vả nhưng cô cũng nhanh chóng làm quen. Tuy nhiên, "ác mộng" nhất đối với Tươi có lẽ là những hôm trời ẩm ướt, ngồi học giữa rừng nên cô bị muỗi, côn trùng đốt rát cả chân.
"Có lần, điện thoại mình đang học thì hết pin, lúc còn 1% mình phải báo cô xin nghỉ trước. Sau lần đó, mình lúc nào cũng ôm theo cả sạc dự phòng", Tươi kể.
Không chỉ ham học, Ma Thị Tươi còn năng nổ tham gia nhiều hoạt động tại trường. Cô nữ sinh năm 2 hiện nằm trong đội tuyển điền kinh của ĐH Thương mại, từng giành giải Nhì cuộc thi chạy báo Hà Nội mới năm 2019.
Nguyễn Tiến, giảng viên môn Giáo dục Thể chất ĐH Thương mại, nhận xét Tươi là cô học trò chăm chỉ.
"Em ấy luôn chịu khó tập luyện và hoàn thành tốt giáo án đề ra. Khi thi đấu, 'hết mình' là từ để miêu tả thái độ của em ấy", thầy Tiến nói với Zing.