Năm 2008, Marvel Studios giới thiệu bộ phim siêu anh hùng đầu tiên của vũ trụ điện ảnh mới, một dự án bị đánh giá là "được ăn cả ngã về không" mang tên Iron Man.
Như tất cả đã biết, tác phẩm gặt hái thành công vang dội, trở thành nền móng cho cả đế chế trị giá hàng tỷ USD xoay quanh những siêu anh hùng bước ra từ truyện tranh Marvel.
Sau 8 năm, nhân vật Iron Man và Robert Downey Jr. trở thành những cái tên rất đỗi quen thuộc đối với khán giả dòng phim siêu anh hùng. Ảnh: Outnow |
Còn riêng tài tử Robert Downey Jr. và nhân vật Iron Man nhanh chóng trở thành hình ảnh được công chúng yêu mến, tới nay thậm chí có thể sánh ngang với những Superman, Batman hay Spider-Man về mức độ phổ biến.
Tuy nhiên, trải qua ba tập phim riêng, hai tập The Avengers và mới nhất là Captain America: Civil War, Tony Stark/Iron Man ngày càng bộc lộ nhiều khía cạnh tính cách, trở thành nhân vật siêu anh hùng phức tạp hàng đầu.
Sau khi nhóm Avengers bị chia tách, còn cô bạn gái Pepper Potts (Gwyneth Paltrow) bỏ đi, một bộ phận fan cho rằng Tony sẽ khó lòng có thể tiếp tục kiềm chế phần tiêu cực trong con người bản thân.
Sản xuất nhiều thứ vũ khí chết người
Trên thực tế, Tony Stark ban đầu trên các trang truyện tranh của Stan Lee giống như hiện thân của nước Mỹ bị nhiều quốc gia trên thế giới căm ghét: giàu có, kiêu ngạo, quân phiệt, luôn đặt mình ở vị trí trung tâm…
Nhân vật trở nên giàu có bằng việc sáng chế và "lái buôn" vũ khí, cũng tương tự xứ sở cờ hoa ở một giai đoạn lịch sử nào đó. Tuy rằng sau này anh sớm nhận ra sai lầm của bản thân và từ bỏ việc làm giàu trên xương máu người khác, nhưng Tony vẫn không ngừng nghiên cứu, phát triển các loại vũ khí tối tân hơn.
Nhiều thứ vũ khí của Iron Man/Tony Stark từng gây ra hậu quả chết người. Trí tuệ nhân tạo Ultron cũng đến từ chính ý tưởng của nhân vật. Ảnh: Outnow |
Đỉnh cao nhất chính là trí tuệ nhân tạo Ultron - thứ mà Iron Man kỳ vọng là sẽ “bảo vệ” thế giới một cách toàn diện và nhanh chóng hơn nhóm Avengers. Nhưng trên thực tế, Ultron vượt ra ngoài tầm kiểm soát của Tony Stark.
Nó cho thấy nếu như sự độc đoán, ham muốn kiểm soát (dưới danh nghĩa "bảo vệ") của nhân vật nếu trở nên quá đà thì sẽ gây ra hậu quả lớn đến thế nào.
Tuy Iron Man không trực tiếp nhúng tay vào những vụ giết chóc, nhưng anh có lẽ là nhân vật đã “sát hại” nhiều người hơn bất cứ ai trong nhóm Avengers, thông qua các phát minh của mình. Những tên ác nhân Mandarin, Ivan Vonka, Justin Hammer, Andrich Killian đều từng sử dụng nền tảng sản phẩm của Stark Industries để thực hiện tội ác.
Hai chị em Scarlet Witch - Quicksilver từng chất vấn Tony Stark về cái chết của cha mẹ họ, những thường dân vô tội bỏ mạng bởi vũ khí nhà Stark. Sang đến tập Civil War, anh tiếp tục bị trách móc bởi một bà mẹ có con trai thiệt mạng trong trận chiến giữa nhóm Avengers và Ultron tại Sokovia. Tony Stark ân hận rồi quyết định đặt bút ký hiệp định cho phép Liên Hiệp Quốc quản lý các cá nhân sở hữu siêu nặng lực.
Ích kỷ và cao ngạo
Sinh ra trong nhung lụa, lại sẵn bản chất thông minh, ban đầu Tony Stark luôn tỏ ra vô cùng kiêu ngạo. Anh đùa giỡn, trêu chọc, “quay người khác như dế”, thậm chí chẳng màng tới những luật lệ hay hệ thống chính trị.
Gã tỷ phú còn tự tin tuyên bố trong Iron Man 2 rằng mình đã "tư nhân hóa thành công hoạt động bảo vệ an ninh thế giới", tức là anh cho rằng cá nhân và nhóm Avengers có thể cáng đáng trọng trách bảo vệ nhân loại trước những cuộc xâm lăng của các thế lực tội ác.
Không phải ai cũng ưa tính khí ích kỷ và cao ngạo của Iron Man. Ảnh: Disney |
Nhìn ở khía cạnh tốt, Tony Stark là người đầy trách nhiệm và sẵn sàng trở thành anh hùng. Nhưng nhìn ở khía cạnh khác, tính cách cao ngạo khiến anh luôn muốn trở thành người đầu tiên, người đứng đầu, người duy nhất, vượt trên tất cả.
Nhân vật thiết kế nên những bộ giáp, những vũ khí tối tân, phải chăng để thỏa mãn ham muốn trở thành kẻ mạnh của bản thân? Anh đã có tiền, có quyền lực, và thứ cuối cùng anh cần là sức mạnh.
Ở đoạn cuối Iron Man 3, Tony Stark phá hủy toàn bộ đống giáp sắt để chứng minh tình yêu với Pepper Potts, cũng như để đoạn tuyệt với quãng thời gian làm siêu anh hùng "lành ít dữ nhiều".
Nhưng rồi anh vẫn không thể từ bỏ sở thích dành cho máy móc, không thể ngừng sáng chế và sử dụng các bộ giáp. Có lẽ đó là một trong những lý do khiến Pepper Potts bỏ anh trong Civil War.
Thích kiểm soát người khác
Không ngạc nhiên khi một người tài giỏi và cao ngạo hẳn còn mang tâm lý thích kiểm soát những người xung quanh, và Tony Stark không phải là ngoại lệ.
Ngay cả khi đứng trước những người có quyền lực cao hơn như Nick Fury, anh cũng chưa bao giờ bị "lép vế". Nếu nhớ lại, sau khi đặc vụ Phil Coulson bị Loki mưu hại, anh vẫn còn tranh cãi khá nhiều với Captain America trước khi chịu hợp tác với cả nhóm Avengers.
Mặc dù Captain America thường là người đưa ra kế hoạch hành động cho nhóm Avengers, nhưng trên thực tế, Iron Man mới là nhân vật đứng sau tất cả.
Anh bỏ tiền ra đầu tư trang thiết bị, xây dựng căn cứ cho cả nhóm, để họ sống tập trung một chỗ, phần vì tiện lợi, phần khác để thể hiện tính thích kiểm soát của mình.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới sự kiện Civil War và một trong số đó là sự cứng đầu, cũng như tính khí thích kiểm soát người khác của Iron Man. Ảnh: Disney |
Đỉnh điểm của sự việc chính là khi anh "giam lỏng" Scarlet Witch trong căn nhà tiện nghi, dẫn đến cơn giận dữ của Captain America và khiến kế hoạch "dụ dỗ" đồng đội ký vào Hiệp định Sokovia bất thành.
Chính Hawkeye/Clint Barton đã nhận xét rằng Tony Stark luôn tự cho rằng mình đang làm điều tốt cho người khác, bất kể họ có muốn hay không.
Scarlet Witch không muốn bị giam lỏng, Captain America không muốn ký vào hiệp định bởi họ đều có lý do riêng. Nhưng Iron Man không chịu lắng nghe, mà cứ khăng khăng dùng đủ mọi thủ đoạn để "ép" người khác làm theo ý mình.
Chưa kể, anh còn chiêu mộ cậu bé 15 tuổi Peter Parker, tức Spider-Man, đi “đánh thuê” mà không tiết lộ cho người giám hộ của cậu biết, định “tẩy não” chàng thiếu niên bằng những lời phê phán Captain America và khẳng định rằng đồng đội cũ của mình sai hoàn toàn.
Có còn là anh hùng?
Ở những tập phim siêu anh hùng Marvel gần đây, Iron Man ngày càng bộc lộ nhiều bất ổn trong tâm lý, khác với sự nhất quán của Captain America. Nếu Steve Rogers luôn trung thành với lý tưởng của bản thân từ Captain America: The First Avenger đến nay, có thể chiến đấu và buông khiên khi cần, thì Tony Stark luôn gặp rắc rối trong việc điều khiển cảm xúc.
Cơn ác mộng kinh hoàng mà Scarlet Witch cho Iron Man thấy là bạn bè anh đều bị giết do phần nào lỗi của của mình, phản ánh đúng nỗi lo sợ của Tony Stark.
Khi bị dồn vào tình thế tuyệt vọng, nhân vật dễ phản ứng quá đà và để lại hậu quả khôn lường. Lo sợ lũ quái vật ngoài hành tinh, anh tạo ra siêu trí tuệ Ultron mà không lường trước tình huống nó có thể phản mình.
Lo cho sự đổ bể của Hiệp định Sokovia, anh dốc toàn lực bắt Captain America và Winter Soldier/Bucky Barnes, mà không màng tới những lời giải thích của họ về kế hoạch gài bẫy tinh vi hơn. Và cuối cùng, khi biết Bucky là người hạ sát cha mẹ mình, anh hoàn toàn phát điên tới nỗi sẵn sàng giết chết cả Captain America lẫn Winter Soldier.
Nếu các nhà sản xuất tại Marvel Studios muốn tạo ra sự đột phá, họ hoàn toàn có thể biến Iron Man thành nhân vật phản anh hùng, hay thậm chí là phản diện. Ảnh: Disney |
Chính sự bất ổn kết hợp với nền tảng tính cách nhiều tiêu cực có thể dẫn tới hậu quả Tony Stark ngày càng xa rời con đường dành cho một siêu anh hùng.
Mặc dù vẫn làm những điều mà mình cho là tốt, nhưng anh đã nhận sai ở giữa phim và từ chối cuộc gọi của tướng Ross ở cuối phim. Song, giờ người ta hoàn toàn có thể hiểu được nếu đến một ngày nào đó, Tony Stark mất kiểm soát hoàn toàn với bản thân.
Iron Man/Tony Stark thực sự là một nhân vật thú vị và phức tạp của vũ trụ điện ảnh Marvel. Sau khi Civil War khép lại, chắc hẳn không ít khán giả đặt câu hỏi liệu Tony Stark có còn là một anh hùng.
Biết đâu anh có thể trở thành nhân vật dạng phản anh hùng, hay thậm chí là siêu phản diện, trong tương lai?