TS Nguyễn Thị Hải Hằng - Giám đốc Học viện Hàng không Việt Nam - cho biết: Trong nhiều năm qua, trường chúng tôi đóng vai trò nòng cốt trong đào tạo cơ bản, cung cấp nguồn nhân lực cho ngành hàng không. Mặc dù có nhiều nỗ lực, nhưng so với các học viện hàng không khác trong khu vực, học viện vẫn có những hạn chế nhất định về nguồn lực, tài chính...
Chúng tôi cho rằng những ai có tâm huyết, có tầm nhìn xa với việc phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển ngành hàng không dân dụng Việt Nam đều sẽ ủng hộ chủ trương này.
Hiện nay có nhiều ý kiến không ủng hộ cổ phần hóa các trường ĐH công lập, vì họ lo ngại mâu thuẫn giữa lợi ích về tài chính của nhà đầu tư với sự nghiệp phát triển nguồn nhân lực đất nước. Nếu có chủ trương cổ phần hóa tất cả các cơ sở giáo dục ĐH công lập, bản thân tôi cũng không đồng ý.
Giờ thực tập mô phỏng chuyến bay của học sinh lớp tiếp viên hàng không K46 Học viện Hàng không VN. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Nhưng với những trường đào tạo mang tính đặc thù như Học viện Hàng không Việt Nam, cung cấp nguồn nhân lực cho một lĩnh vực cụ thể là hàng không - ngành đang có những đòi hỏi khắt khe, theo chuẩn mực quốc tế và không tác động quá lớn đến toàn bộ nền kinh tế cũng như nguồn lực toàn xã hội - thì việc lựa chọn trường chúng tôi để cổ phần hóa là phù hợp.
- Việc cổ phần hóa Học viện Hàng không Việt Nam sẽ thực hiện thế nào, lộ trình ra sao, thưa bà?
- Lộ trình thực hiện đã được quy định trong các văn bản của Nhà nước về cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo đó, nhà trường sẽ đề xuất thành lập ban chỉ đạo theo quy định, gồm có đại diện lãnh đạo học viện, công đoàn, các bộ phận tham mưu chức năng của Bộ GTVT và các thành viên đại diện Chính phủ... Sau khi thành lập ban chỉ đạo chúng tôi mới xây dựng kế hoạch cụ thể.
Theo quy định, từ ngày có quyết định cổ phần hóa đến khi xây dựng xong đề án phải mất khoảng chín tháng. Nhà trường đã quyết tâm thực hiện chủ trương này và sẽ cố gắng làm đúng tiến độ quy định.
Trong quá trình nghiên cứu, triển khai xây dựng đề án chúng tôi sẽ cùng các cơ quan, ban ngành liên quan tiến hành những bước đi phù hợp nhất.
Sau khi cổ phần hóa, có thể các cổ đông chiến lược sẽ là những người quyết định hướng đi căn bản của học viện trong tương lai dài hạn. Nếu nhà đầu tư vào trường chỉ với mục tiêu lợi nhuận, sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của nhà trường.
Vì vậy, cá nhân tôi cũng như tập thể nhà trường mong muốn tìm được đối tác chiến lược, không chỉ có tiềm lực về vốn, đang khai thác trong lĩnh vực hàng không, mà còn có tâm huyết với sự nghiệp giáo dục nói chung và sự nghiệp đào tạo nhân lực ngành hàng không nói riêng.
Chúng tôi tin nếu xây dựng được tiêu chí lựa chọn đối tác chiến lược tốt thì sẽ sàng lọc được nhà đầu tư tốt.
- Khi cổ phần hóa học viện sẽ thuê đơn vị chuyên môn độc lập để định giá, xác định giá trị tài sản hữu hình và vô hình, hay nhà trường sẽ tự làm việc này? Nhà trường có thử định giá học viện?
- Chắc chắn sẽ có đơn vị tư vấn độc lập giúp nhà trường định giá theo quy định của Nhà nước, để đảm bảo sự khách quan. Còn việc chọn đơn vị nào, lựa chọn ra sao sẽ do ban chỉ đạo đề án quyết định.
Đây là lần đầu tiên nhà trường cổ phần hóa, nên chúng tôi chưa tính toán giá trị cụ thể của nhà trường. Nhiều năm qua, nhà trường đang tuyển sinh rất tốt, chất lượng tuyển sinh đầu vào luôn tăng.
- Học viện sẽ phát hành rộng rãi cổ phần ra công chúng, hay chỉ bán cổ phần cho một nhà đầu tư chiến lược nào đó? Cán bộ, giảng viên của nhà trường có được ưu tiên gì khi mua cổ phần của học viện?
- Việc này cũng phụ thuộc vào quá trình xây dựng đề án. Nhà nước đã có quy định hướng dẫn cụ thể khi cổ phần hóa trường về việc phát hành cổ phiếu, cổ đông chiến lược, quyền lợi cán bộ công nhân viên nhà trường... Chúng tôi sẽ theo đó xây dựng các phương án khác nhau. Dù thực hiện thế nào thì quyền lợi người lao động của nhà trường sẽ được đảm bảo tối đa.
- Theo lãnh đạo học viện, việc cổ phần hóa này có là cơ hội giúp nhà trường có thêm nguồn lực tài chính để đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng đào tạo?
- Một đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động đang bị ràng buộc bởi nhiều quy chế khác nhau. Chẳng hạn như đào tạo nghề kiểm soát không lưu: nghề này phải được đào tạo theo đúng chuẩn mực nghề nghiệp, được quy định bởi nhà chức trách hàng không.
Với định mức học phí Nhà nước quy định hiện nay thì không đủ kinh phí để đáp ứng nhu cầu đào tạo. Trang thiết bị máy móc, cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu thực tập, thực hành của sinh viên, học sinh ngành hàng không khá đắt đỏ.
Hiện nay, nhà trường cũng đang tìm cách kết nối với các đơn vị trong ngành, tìm sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế khác để đào tạo tốt nhất.
Với nguồn lực ngân sách nhà nước hạn chế hiện nay, trong khi phải đầu tư phát triển cho vùng sâu, vùng xa và thực hiện nhiều mục tiêu khác, tôi nghĩ để cung cấp nguồn nhân lực cho ngành hàng không, có thể xã hội hóa tối đa.
Tiền lương của lao động trong lĩnh vực này hiện khá ổn. Người dân nếu biết chắc con em mình được đào tạo đạt chuẩn, sẽ được tuyển dụng làm việc trong ngành hàng không ở vị trí nhất định thì họ cũng sẵn sàng đầu tư.
Nếu xây dựng đề án tốt, tiến hành việc này theo đúng tiêu chí đặt ra thì đây sẽ là cơ hội cho học viện - không chỉ là nguồn lực tài chính, mà còn là sự kết nối với khoa học công nghệ trong lĩnh vực hàng không và giải quyết tốt đầu ra cho sinh viên.
Nhà trường đang muốn xây dựng lực lượng giảng viên là những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực hàng không. Phải kết nối với doanh nghiệp, nơi đang có những chuyên gia xuất sắc, mới có được đội ngũ này.
Nhà trường cũng mong muốn có đủ cơ sở vật chất, đáp ứng được đầy đủ những quy định nghiêm ngặt của ngành hàng không. Tất cả những điều này chỉ mình nhà trường thì không thể làm được, phải kết nối với doanh nghiệp.
- Việc cổ phần hóa này sẽ tác động như thế nào đến chiến lược phát triển của học viện, thưa bà?
- Chiến lược phát triển học viện còn hướng tới cung cấp nguồn nhân lực cho khu vực và quốc tế lâu dài, ở những lĩnh vực phù hợp với tố chất người Việt như thợ bảo dưỡng máy bay, tiếp viên hàng không...
Thực tế, sinh viên của học viện cũng đã làm việc khắp nơi trên thế giới, trong các hãng hàng không danh tiếng. Chúng tôi tin rằng qua việc thực hiện thí điểm này có thể giúp Nhà nước xây dựng lại những quy định pháp lý chặt chẽ hơn đối với các đơn vị tương tự, từ đó tạo ra bước ngoặt thay đổi trong đào tạo các chuyên ngành đặc thù.
- Nhiều phụ huynh và sinh viên lo lắng sau cổ phần hóa, học viện sẽ thay đổi chính sách học phí theo hướng tăng, hoặc có định hướng đầu tư khác nhằm tăng lợi nhuận theo ý muốn của nhà đầu tư...
- Sau khi cổ phần hóa nhà trường chắc chắn sẽ thay đổi nhiều chính sách, trong đó có học phí. Tuy nhiên, chúng tôi khẳng định mọi việc sẽ được thực hiện theo lộ trình phù hợp, đảm bảo quyền lợi người học. Nhà trường sẽ xây dựng quỹ học bổng lớn dành cho sinh viên giỏi, hoàn cảnh khó khăn.
Theo tôi, vấn đề người học quan tâm nhất là hiệu quả và chất lượng đào tạo. Sau khi cổ phần hóa nhà trường sẽ có thêm nhiều nguồn lực để phát triển tốt hơn, chất lượng đào tạo cũng tốt hơn.