Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Có quyền ly hôn chồng nếu đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng?

"Thời gian gần đây, tôi phát hiện chồng có quan hệ tình cảm với một cô gái trẻ cùng cơ quan. Bức xúc vì bị lừa dối tình cảm, tôi muốn làm thủ tục ly hôn được không", bạn Hoa hỏi.

Tôi lập gia đình cuối năm 2013, hiện vợ chồng tôi có một bé trai được 10 tháng tuổi. 

Xin luật sư cho biết, tôi có thể ly hôn chồng không? Tôi có được làm lại giấy khai sinh cho con theo họ mẹ và để trống họ tên của bố không?

Mai Thị Hoa (huyện Nga Sơn, Thanh Hóa)

Trả lời:

Vấn đề bạn hỏi, chúng tôi xin được trả lời như sau: Theo quy định tại Điều 51 (Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014) về “Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn” thì: “Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn; Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ; Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi”.

Như vậy, chỉ có người chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Đối chiếu với quy định trên thì bạn (người vợ) không bị điều chỉnh bởi điều luật này. 

Theo đó, trong trường hợp cụ thể của bạn đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi nhưng có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì bạn có quyền yêu cầu ly hôn.

Về trường hợp cụ thể của bạn, theo quy định tại Khoản 1 (Điều 56, Luật Hôn nhân và Gia đình) về việc “Ly hôn theo yêu cầu của một bên” thì: “Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại tòa án không thành thì tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được”.

Liên quan đến việc đăng ký khai sinh cho con thì theo quy định, chỉ trong trường hợp không xác định được người cha thì phần ghi về người cha trong sổ đăng ký khai sinh và giấy khai sinh mới được để trống (Khoản 3, Điều 15 Nghị định 158/2005/NĐ-CP). Do đó, trường hợp của bạn không được để trống phần ghi về người cha trong giấy khai sinh của cháu bé.

Về họ của cháu bé, theo Điểm e, Mục 1 (Phần II, Thông tư số 01/2008/TT-BTP) quy định khi đăng ký khai sinh, họ và quê quán của con được xác định theo họ và quê quán của người cha hoặc họ và quê quán của người mẹ theo tập quán hoặc theo thỏa thuận của cha, mẹ. Vì vậy, nếu tập quán là đặt theo họ của người cha thì nếu muốn đặt theo họ mẹ, chị phải thỏa thuận với cha cháu bé.

Luật sư Dương Kim Sơn

(Đoàn Luật sư Hà Nội)

http://giadinh.net.vn/phap-luat/co-quyen-ly-hon-chong-neu-dang-nuoi-con-nho-duoi-12-thang-tuoi-20150729130651597.htm

Theo Gia đình & Xã hội

Bạn có thể quan tâm