Liên quan đến vụ phi tang xác nạn nhân phẫu thuật thẩm mỹ, ngày 1/11, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Hà Nội có quyết định khởi tố bị can với Nguyễn Mạnh Tường về tội Vi phạm các qui định về khám bệnh, chữa bệnh, pha chế thuốc, dịch vụ y tế và tội Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt; Đào Quang Khánh về tội Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt.
Luật sư Tạ Anh Tuấn. |
Theo quan điểm của Luật sư Tạ Anh Tuấn - Trưởng văn phòng luật sư Bách Gia Luật và Liên danh (Đoàn Luật sư Hà Nội), việc khởi tố bị can Nguyễn Mạnh Tường về Điều 242 Bộ luật hình sự là không có căn cứ. Hành vi phạm tội của ông Tường không thoả mãn các yếu tố cấu thành tội phạm đối với tội danh này, bởi theo thông tin trên báo chí cơ sở thẩm mỹ viện Cát Tường do ông Nguyễn Mạnh Tường làm chủ, chưa được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép hành nghề. Tuy nhiên, cơ sở này vẫn thực hiện phẫu thuật dẫn đến hậu quả chị Huyền bị tử vong.
Để truy cứu trách nhiệm hình sự về điều 242 Bộ luật hình sự phải thoả mãn nhiều dấu hiệu như: Dấu hiệu về chủ thể tội phạm; dấu hiệu về mặt khách thể; dấu hiệu về mặt khách quan cũng như chủ quan.
Về dấu hiệu hành vi khách quan, Thẩm mỹ viện Cát Tường không được phép phẫu thuật nâng ngực, nâng vú, hút mỡ bụng; không được Sở Y tế Hà Nội cấp phép nhưng vẫn thực hiện chức năng này. Còn dấu hiệu về chủ thể của tội phạm này không thoả mãn cụ thể: chủ thể tội danh này phải là chủ đặc biệt chỉ có những người có trách nhiệm trong việc khám chữa bệnh… mới có thể là chủ thể của tội này.
Ở trong vụ án này, ông Tường là Bác sĩ ngoại khoa chuyên ngành về xương, khớp ở Bệnh viện Bạch Mai, đang được đào tạo về chuyên khoa thẩm mỹ viện chưa được cấp chứng chỉ hành nghề, do vậy không thể coi ông Tường là chủ thể của tội danh này. Hơn nữa dấu hiệu về mặt chủ quan của tội phạm cũng không thoả mãn vì người thực hiện hành vi phạm tội vi phạm các quy định về khám chữa bệnh thực hiện hành vi do lỗi vô ý.
Trong vụ án này hoạt động của Trung tâm trái pháp luật vi phạm điều cấm của pháp luật. Ông Tường đang được đào tạo chuyên ngành về thẩm mỹ viện, do vậy ông Tường phải nhận thức được việc thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ đối với chị Huyền khi chưa đủ điều kiện hành nghề sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ tính mạng, sức khoẻ của khách hàng. Thực tế hậu quả chết người đã xảy ra, do vậy hành vi làm chết người của ông Tường thực hiện là do lỗi cố ý gây ra, nên không có cơ sở khởi tố ông Tường về tội danh quy định tại Điều 242 Bộ luật hình sự.
Cơ quan điều tra khởi tố bị can Tường về 2 tội danh quy định tại Điều 242 và Điều 246 Bộ luật hình sự cũng không có cơ sở bởi lẽ theo lý luận cơ bản của pháp luật hình sự Việt Nam về nguyên tắc “một hành vi phạm tội không thể truy cứu trách nhiệm hình sự về 2 tội danh”. Như vậy, trong vụ án này hành vi làm chết người của ông Tường, liền sau đó ném xác chị Huyền xuống Sông Hồng với mục đích là xoá dấu vết phi tang, che dấu hành vi phạm tội, nên không thoả mãn cấu thành tội phạm theo quy định tại Điều 246 Bộ luật hình sự. Về hành vi này khi đưa vụ án ra xét xử được coi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự.
Mặt khác, nếu xử lý bị can Tường theo điều 242 Bộ luật hình sự thì khả năng cũng chỉ dừng lại xử lý theo khoản 1 có khung hình phạt từ 1- 5 năm tù. Trong vụ án này hậu quả cũng chỉ có một người chết theo như khoản 1 điều 242 Bộ luật hình sự qui định. Hành vi ném xác phi tang nạn nhân cũng đã được CQĐT xác định thành một tội độc lập theo khoản 1 điều 246 Bộ luật hình sự: Xâm phạm thi thể, hài cốt (từ 3 tháng đến 02 năm). Tổng hợp hình phạt thì nhiều khả năng Bị can Tường chỉ phải chịu tối đa không quá 7 năm cho cả 2 tội danh nêu trên.
Do vậy, theo quan điểm của Luật sư có thể khởi tố ông Tường về tội giết người theo Điều 93 Bộ luật hình sự và hành vi phạm tội của ông Tường thực hiện do lỗi cố ý gián tiếp thoả mãn đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm của tội danh này.
Trường hợp phạm tội của ông Tường cũng có những điểm tương đồng với trường hợp dùng dây điện mục đích bẫy chuột ở ngoài cánh đồng nhưng người khác đi qua bị mắc vào gây tử vong thì người phạm tội đương nhiên sẽ phạm tội Giết người theo khoản 2 điều 93 Bộ luật hình sự (biết hành vi mắc dây điện là nguy hiểm đến tính mạng, tuy không mong muốn nhưng vẫn làm bừa thì hậu quả xảy ra phải chịu trách nhiệm). Do đó không nhất thiết cứ phải xác định động cơ mục đích chứng minh ý thức tước đoạt tính mạng người khác thì mới xử lý về tội giết người theo khoản 2 điều 93 Bộ luật hình sự.
Điều 9. Cố ý phạm tội
Cố ý phạm tội là phạm tội trong những trường hợp sau đây:
1. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xẩy ra;
2. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xẩy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
Điều 20. Đồng phạm
1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.
2. Người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức đều là những người đồng phạm.
Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.
Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.
Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.
Người giúp sức là người tạo những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.
3. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.