Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Cô ta không khác gì đàn ông' - sự kỳ thị dai dẳng với nữ VĐV

Trong thể thao, nữ giới không chỉ phải phấn đấu để được quan tâm, chú ý như nam giới mà dường như còn có thử thách riêng: cố gắng để được thừa nhận là phụ nữ.

"Cầu thủ nữ kiểu gì nhìn lại có yết hầu thế kia, gương mặt cũng quá nam tính, thân hình lực lưỡng, đường nét cơ bắp như con trai vậy".

Đó chỉ là một trong hàng trăm bình luận mỉa mai dưới bức ảnh của cầu thủ Kanjana Sungngoen trong trận chung kết bóng đá nữ SEA Games 30 giữa Thái Lan và Việt Nam diễn ra tối 8/12.

Kanjana Sungngoen - tiền đạo 33 tuổi được xem là người hùng của bóng đá Thái Lan, ghi bàn thắng đầu tiên cho đội nhà tại FIFA Women's World Cup 2019 - là một trong những cầu thủ Thái Lan chơi tốt trong trận thua trước thầy trò HLV Mai Đức Chung.

Những ai theo dõi bóng đá nữ châu Á sẽ không ngạc nhiên về vẻ ngoài của cầu thủ này. Nữ tiền đạo chơi bóng từ lâu, quen mặt với người hâm mộ khi thi đấu cùng thời với tiền đạo Đỗ Thị Ngọc Châm (sinh năm 1985). Từ ban đầu, cô vốn có thân hình lực lưỡng, nam tính như hiện tại.

Tuy vậy, sau trận chung kết, hầu hết bình luận chỉ tập trung vào ngoại hình của nữ tiền đạo. Không ít người thậm chí đặt dấu hỏi đối với giới tính của chân sút CLB Bangkok.

Những lời đàm tiếu, mỉa mai, thậm chí xúc phạm như vậy không hẳn là chuyện xa lạ với Sungngoen nói riêng và các nữ vận động viên nói chung.

Trong thể thao - lĩnh vực mà nữ giới đang phấn đấu để được quan tâm, chú ý như nam giới - phụ nữ dường như còn phải đối mặt với một thử thách của riêng họ: cố gắng không phá vỡ các khuôn mẫu nữ tính truyền thống.

cau thu nu Thai co ngoai hinh nam tinh anh 1
Kanjana Sungngoen (bên trái) bị dân mạng miệt thị ngoại hình sau trận chung kết bóng đá nữ SEA Games 30. Ảnh: Bangkok Post.

“Cô ta không khác gì đàn ông”

Serena Williams, nữ vận động viên quần vợt người Mỹ từng xếp hạng số 1 thế giới với 23 danh hiệu Grand Slam đơn, thường bị chế giễu bằng những từ ngữ cay độc trên các phương tiện truyền thông.

Làn da nâu, xương gò má, tỷ lệ cơ thể và thậm chí cơ bắp – thứ mà một vận động viên lấy làm tự hào – đều bị đem ra soi mói và làm căn cứ để dân mạng mỉa mai về giới tính của Serena Williams.

Năm 2014, một quan chức quần vợt cấp cao của Nga đã bóng gió gọi Serena và chị gái Venus là "anh em nhà Williams". Năm 2012, Caroline Wozniacki, tay vợt được mệnh danh là “kiều nữ Đan Mạch”, đã nhét khăn độn ngực và mông để chế nhạo hình ảnh của Serena Williams.

Và năm 2009, chuyên mục thể thao của một tờ báo đã viết bài bình luận về cơ thể của Williams. Tác giả ví von nữ VĐV với thức ăn và phàn nàn rằng cô ấy không đủ hấp dẫn.

Những lời lăng mạ nhắm vào Serena Williams – một phụ nữ da màu – không chỉ là hành vi phân biệt chủng tộc. Miệt thị có xu hướng nặng nề, nghiêm trọng hơn mỗi khi cô em nhà Williams giành được thêm một danh hiệu mới.

Và tay vợt người Mỹ cũng không phải là nữ VĐV đầu tiên phải hứng chịu sự chỉ trích vô cớ này.

Khi Dominika Cibulkova thua Sam Stosur vào năm 2012, tay vợt người Slovakia đã nhiều lần nói về đối thủ: "Cô ta không khác gì đàn ông".

Martina Navratilova, được coi là một trong những tay vợt vĩ đại nhất mọi thời đại, cũng từng liên tục bị chế giễu vì ngoại hình có phần nam tính của mình, đặc biệt sau mỗi lần cô lên ngôi vô địch ở các giải đấu lớn.

“Tôi muốn giấu cánh tay của mình đi”

Quần vợt, điền kinh, bóng đá, bóng rổ, bơi lội… trong bất kỳ môn thể thao nào, phụ nữ luôn được kỳ vọng luyện tập chăm chỉ, trở thành một đối thủ đáng gờm với tốc độ, sự nhạy bén, sức mạnh nhưng vẫn phải có một vóc dáng hấp dẫn, nữ tính.

Vào đêm trước trận chung kết đơn nữ Wimbledon 2015 giữa Serena Williams và Garbine Muguruza, New York Times đã có bài viết bàn về những áp lực hình ảnh cơ thể mà các tay vợt nữ phải chịu đựng.

Serena Williams chia sẻ rằng thay vì mũ lưỡi trai hay kính râm, thứ cô không thể thiếu khi ra khỏi nhà đó là áo dài tay. Tay vợt sinh năm 1981 nói rằng các loại quần áo dài tay giúp cô ít bị chú ý hơn.

“Cánh tay của tôi rất phù hợp với thể thao nhưng tôi muốn giấu chúng đi, bởi không muốn nhiều người nhận ra”, cô nói.

Không chỉ Williams, rất nhiều vận động viên quần vợt khác cũng cảm thấy áp lực, lo lắng vì vóc dáng, cơ thể phá vỡ khuôn mẫu nữ tính truyền thống của mình.

cau thu nu Thai co ngoai hinh nam tinh anh 4
Các nữ vận động viên đáng được tôn trọng cả với tư cách là phụ nữ lẫn vận động viên vì những cống hiến cho chính nghề nghiệp của mình. Ảnh: Getty.

Tomasz Wiktorowski, huấn luyện viên của VĐV người Ba Lan Agnieszka Radwanska nổi tiếng với thân hình mảnh khảnh, nói rằng một trong những mục tiêu học trò của mình hướng tới là trở thành người nhỏ bé nhất trong top 10 tay vợt nữ.

"Trước hết cô ấy là phụ nữ, và cô ấy muốn trông giống phụ nữ", Wiktorowski nói.

Radwanska thừa nhận ngoại hình đối với cô rất quan trọng, thậm chí còn quan trọng hơn cả màn trình diễn trên sân tennis.

Câu chuyện Maria Sharapova, tay vợt được trả lương cao nhất vào năm 2014, luôn ước mình gầy đi nhưng không dám tập tạ vì sợ lên cơ cũng là một ví dụ chứng minh nỗi ám ảnh của các nữ vận động viên với ngoại hình.

Trong thể thao, nữ giới không chỉ phải phấn đấu để được quan tâm, chú ý như nam giới mà dường như còn có thử thách riêng: cố gắng để được thừa nhận là phụ nữ.

Sức mạnh gần như bị đánh đồng với sự thiếu nữ tính. Những người phụ nữ buộc phải lựa chọn giữa việc hy sinh sức mạnh của họ để được coi là phụ nữ, hoặc hy sinh nhận thức truyền thống về sự nữ tính để trở nên mạnh mẽ hơn.

Các chuyên gia nữ quyền có cùng chung nhận định: Sự thiếu tôn trọng các nữ vận động viên đang hủy hoại những cố gắng cống hiến của họ với nền thể thao.

Theo giới chuyên gia, các nữ vận động viên đáng ra không cần phải lựa chọn giữa sức mạnh và sự nữ tính. Họ đáng được tôn trọng cả với tư cách là phụ nữ, lẫn vận động viên đang cống hiến cho chính nghề nghiệp của mình.

Dân mạng tò mò về nữ cầu thủ Thái Lan có ngoại hình nam tính

Trước nghi vấn về giới tính của cầu thủ mang áo số 11 của tuyển Thái Lan, nhiều người không ủng hộ việc dân mạng bình phẩm không hay về ngoại hình một cầu thủ nữ.

Huệ Lâm

Bạn có thể quan tâm