Căng thẳng hay mất ngủ có thể là nguyên nhân đồng thời cũng như khởi phát của bệnh máu nhiễm mỡ. Ảnh: Pexels. |
"Mình thật sự bất ngờ khi cầm trên tay kết quả khám và nghe bác sĩ thông báo tình trạng máu nhiễm mỡ. Trước giờ, sức khỏe của mình khá ổn định vì hiếm khi mắc bệnh, chế độ ăn uống lại điều độ", Lê Võ Anh Nghĩa (22 tuổi, nhân viên văn phòng) chia sẻ.
Tương tự, chị Thúy Hạnh (24 tuổi, nhân viên văn phòng) rất ngạc nhiên khi phát hiện bị máu nhiễm mỡ mặc dù cân nặng của chị chỉ khoảng 45,5 kg và chiều cao 1,57 m.
Không cảm thấy gì đến khi đi khám
Anh Nghĩa cho biết trong kết quả khám gần đây, anh cao 1,75 m, nặng 62 kg, chỉ số BMI bình thường và tình trạng sức khỏe hoàn toàn ổn định.
Anh cho hay mình ăn uống điều độ 3 bữa/ngày, hiếm khi bỏ bữa, không hút thuốc và rất ít uống rượu bia. Trước giờ, số lần bị cảm, cúm hay ốm vặt của anh cũng ít.
Tuy nhiên, anh thường xuyên thức khuya để làm việc, hầu như đều gần 1-2h mới đi ngủ. Hôm nào không có quá nhiều việc, sớm nhất cũng 0h anh mới ngủ. Anh chia sẻ đây là thói quen lâu năm của mình nên rất khó thay đổi và anh thấy nhiều người khác cũng như thế.
“Sau khi tìm hiểu về bệnh mỡ trong máu, mình nghĩ một phần mình mắc bệnh này cũng do thiếu vận động. Có hôm cần đi gặp khách hàng mình sẽ di chuyển nhiều hơn, còn hôm nào làm việc tại công ty, mình chỉ quanh quẩn trong văn phòng. Tan làm, về đến nhà, mình cũng rất lười tập thể dục", anh nói.
Ngoài ra, theo anh Nghĩa, yếu tố khác dẫn đến việc anh bị mỡ máu có thể là "đều đặn ăn ngoài".
"Mặc dù mình ăn đủ 3 bữa, không phải tất cả bữa ăn đều do mình tự nấu và chuẩn bị tại nhà. Sau khi khám tổng quát, mình xem lại chế độ ăn hàng ngày mới nhận ra các bữa ăn đều rất ít rau xanh, rau củ khác cũng không đa dạng, đa phần là tinh bột, đạm và dầu mỡ", anh thú nhận.
Chị Thúy Hạnh thường đi khám sức khỏe theo công ty cũng như tự đi khám. Chị cho biết việc khám sức khỏe thường xuyên khiến chị cảm thấy an tâm hơn, nếu lỡ phát hiện vấn đề thì có thể kịp thời chữa trị.
Trong 2 năm qua, chị đi khám tổng quát khoảng 3 lần và lần nào bác sĩ cũng ghi nhận chị bị mỡ trong máu, nhưng chỉ số mỡ không quá cao chỉ cần theo dõi thêm.
"Mình cao 1,57 m, cân nặng khoảng 45,5 kg và rất ít khi tăng cân. Chế độ ăn uống của mình cũng bình thường và đầy đủ chất dinh dưỡng. Khối lượng công việc lớn nên đôi khi mình phải thức khuya để giải quyết cho xong", chị Hạnh chia sẻ.
Chị Hạnh cho biết chị đã cố gắng hạn chế tiêu thụ đồ ăn nhiều dầu mỡ, ăn thêm nhiều loại trái cây và rau củ. Nhưng đôi khi vì công việc nhiều và thói quen sinh hoạt nên cũng khó để đi duy trì lịch ngủ hợp lý. Bác sĩ khuyên chị Hạnh nên hạn chế ăn nội tạng động vật, vận động nhiều hơn, và ngủ đủ giấc để cải thiện tình trạng mỡ máu.
Công việc căng thẳng, thiếu ngủ có thể là nguyên nhân gây ra mỡ máu. Ảnh: Pexels. |
Căng thẳng hay mất ngủ có thể là nguyên nhân
Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ người mắc mỡ máu cao ở Việt Nam tăng nhanh nhất ở độ tuổi 35-44. Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng thống kê trong năm 2016, hơn 29% người Việt trưởng thành bị rối loạn mỡ máu, tỷ lệ dân thành thị chiếm tới 44,3%.
Bác sĩ Phạm Tuấn Dương, Phó viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, cho biết máu nhiễm mỡ hay bệnh mỡ máu là rối loạn chuyển hóa mỡ thường gặp ở người trung tuổi và cao tuổi.
Theo sự phát triển bình thường của cơ thể, từ khoảng 30 tuổi trở đi, cơ thể bắt đầu có nhiều rối loạn chuyển hóa, trong đó có rối loạn chuyển hóa mỡ.
Tuy nhiên, mỗi người khác nhau với các yếu tố di truyền khác nhau có thể khiến tình trạng rối loạn chuyển hóa mỡ diễn ra sớm hơn hoặc chậm hơn. Ví dụ, một số người khá trẻ đã mắc rối loạn chuyển hóa này, nhưng người khác phải đến độ tuổi 40-50 hay thậm chí 70-80 tuổi mới xuất hiện.
Bác sĩ Tuấn Dương cho biết cơ thể vẫn cần mỡ để duy trì sự sống nhưng nó cần bao nhiêu sẽ hấp thụ bấy nhiêu. Rối loạn chuyển hóa mỡ khiến cơ thể hấp thụ hết các loại mỡ kể cả thành phần mỡ không tốt và không cần thiết, gây ảnh hưởng lớn cho sức khỏe.
“Chế độ ăn uống không lành mạnh như ăn thực phẩm giàu chất béo, nội tạng, mỡ động vật đều không tốt cho sức khỏe và góp phần gia tăng nồng độ mỡ trong máu. Khi thành phần chất béo không tốt này tăng cao, chúng sẽ ứ đọng trong các cơ quan, tổ chức của cơ thể, đặc biệt là lòng mạch. Điều này khiến dòng chảy của máu đến các cơ quan khác yếu đi”, bác sĩ nói.
Bệnh mỡ máu có thể gây ra hàng loạt các biến chứng như tai biến, bệnh não, các bệnh lý về tim như suy tim, đái tháo đường, suy thận, rối loạn tuần hoàn não...
Ngoài ra, theo bác sĩ, căng thẳng hay mất ngủ có thể là nguyên nhân đồng thời cũng như khởi phát của bệnh máu nhiễm mỡ. Bệnh mỡ máu dẫn đến tăng huyết áp hoặc tăng rối loạn nội tiết khiến chúng ta mất ngủ. Và chính tác động bên ngoài như căng thẳng, sinh hoạt không lành mạnh cũng làm tăng nguy cơ mắc mỡ máu.
Bệnh mỡ máu ở giai đoạn đầu khó biểu lộ ra triệu chứng nên cần đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị sớm. Tuy nhiên, khi mỡ máu cao và xuất hiện nhiều biến chứng như đau đầu, mất ngủ, chóng mặt, ù tai hay tăng huyết áp, chúng ta không cần xét nghiệm vẫn có thể đoán ra bản thân mắc bệnh mỡ máu.
Muốn ăn uống lành mạnh nhưng hay stress công việc? Muốn tập thể dục đều đặn nhưng hay làm việc trễ? Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu một số sách để đồng hành cùng bạn từ phòng gym đến đường chạy, từ văn phòng đến bếp ăn. Tuyển tập này sẽ cung cấp thêm nhiều lựa chọn, và bớt đi một số nỗi lo trên hành trình cân bằng cuộc sống hiện đại.