Sau sự việc cháy Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông (Công ty Rạng Đông), một số lượng lớn thủy ngân đã phát tán ra không khí (có thể lên tới 27,2 kg theo con số được công bố) là vấn đề người dân đang rất lo ngại.
Thủy ngân tồn tại trong cơ thể như thế nào?
Theo Thư viện Y học Quốc gia Mỹ, thủy ngân tồn tại ở một số dạng bao gồm các hợp chất kim loại, vô cơ và hữu cơ. Thủy ngân kim loại thường được hấp thụ qua đường hô hấp. Bởi vì hình thành các hạt, nó hầu như không được hấp thụ trong đường tiêu hóa và vô hại khi dùng đường uống. Ngoài ra, là chất béo hòa tan, nó dễ dàng đi qua hàng rào tế bào phế nang và oxy hóa thành thủy ngân vô cơ, kết hợp với protein tạo ra hiệu ứng tích lũy. Thủy ngân kim loại hấp thụ trong cơ thể chủ yếu đi đến thận và não. Thời gian bán hủy của thủy ngân kim loại trong cơ thể là khoảng 70 ngày.
Thủy ngân vô cơ được hấp thụ chủ yếu qua đường hô hấp, tuy nhiên, một lượng nhỏ cũng được hấp thụ qua da (4%) hoặc qua đường tiêu hóa (10%). Tuy nhiên, không giống thủy ngân kim loại, dạng vô cơ không thể xuyên qua hàng rào máu não và thường tích tụ ở thận. Các con đường bài tiết chính bao gồm nước tiểu và phân, với thời gian bán hủy khoảng 2 tháng.
Thủy ngân vô cơ đào thải ra môi trường tự nhiên chảy đến biển, sông hoặc suối. Trong nước, nó chuyển thành thủy ngân kim loại bởi vi khuẩn và sinh vật phù du. Sau đó, nó tích tụ trong cơ thể của các sinh vật dưới nước bao gồm cá và động vật có vỏ. Cuối cùng, khi con người ăn hải sản, thủy ngân xâm nhập vào cơ thể dưới dạng kim loại.
Methylmercury, loại thủy ngân hữu cơ chính, gây độc cho cơ thể con người. Trong môi trường tự nhiên, nó thường được tìm thấy ở dạng monomethymercury và dimethylmercury. Methylmercury dễ dàng được hấp thụ vào đường tiêu hóa (khoảng 95%) và đường hô hấp (khoảng 80%). Khoảng 90% methymercury được bài tiết qua phân và 10% qua nước tiểu. Thủy ngân hữu cơ được phân bổ trên mọi mô trong vòng 30 giờ. Thời gian bán hủy của nó dao động từ 45 đến 70 ngày. Vì cả thủy ngân kim loại và hữu cơ dễ dàng vượt qua hàng rào máu não và nhau thai, chúng có thể được bài tiết qua sữa mẹ và truyền đến thai nhi.
Khó có thể đào thải thủy ngân khỏi cơ thể
Đó là khẳng định của PGS.TS Trần Hồng Côn (nguyên giảng viên Khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội). Chuyên gia này cho hay: “Thủy ngân cũng như các kim loại khác, khi vào cơ thể, khả năng đào thải rất thấp. Khi nhiễm độc thủy ngân, chúng ta không có hy vọng chúng thải ra nhanh chóng, đa phần tích lũy trong tủy xương rất lâu”.
Theo PGS Côn, thủy ngân có thể tích tụ trong cơ thể bởi tùy thuộc vào cơ địa và quá trình tiếp xúc của từng người. Bên cạnh đó, khả năng nhiễm độc cao hơn nếu tiếp xúc lâu dài.
Gần đây, nhiều người chia sẻ về các bài thuốc, món ăn để đào thải thủy ngân. Tuy nhiên, PGS Côn khẳng định: “Không có bài thuốc, món ăn nào giúp đào thải nhanh thủy ngân khỏi cơ thể. Nếu có, chúng chỉ có tác dụng giúp cơ thể bổ sung đủ các nhóm chất, từ đó khỏe mạnh để góp phần đào thải nhanh hơn, nhưng thực tế, không thể đào thải thủy ngân ra khỏi cơ thể nhanh chóng”.
Hàng triệu bóng đèn đã thành tro bụi sau vụ cháy làm phát tán một lượng lớn thủy ngân vào không khí. Ảnh: Việt Linh. |
Hít phải thủy ngân là nguy hiểm nhất
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Võ Tuấn Nhân, số lượng thủy ngân phát tán ra môi trường sau vụ cháy có thể lên tới 27,2 kg. Các hóa chất gây ô nhiễm chủ yếu là thủy ngân và một số kim loại nặng. Các chất này phát tán vào không khí và môi trường xung quanh.
"Các điểm quan trắc không khí trong công viên của công ty phía trước khu vực cháy và trong nhà kho cháy có giá trị thủy ngân cao vượt ngưỡng khuyến cáo của WHO từ 10 đến 30 lần. Ngưỡng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người”, đại diện Bộ Tài nguyên Môi trường cho biết thêm.
Về điều này, PGS Côn cho hay thủy ngân ở dạng không khí là nguy hiểm nhất, khả năng nhiễm độc cao nhất. Chúng sẽ được hít vào phổi qua thẩm thấu oxy và niêm mạc, từ đó xâm nhập vào cơ thể nhanh hơn.
Nhận định về vụ cháy, PGS Côn cho hay ngộ độc thủy ngân ở dạng không khí là nguy hiểm nhất. Đặc biệt, 5 giờ diễn ra vụ cháy là thời điểm dễ ngộ độc nhất. Sau đó, cơn mưa to đã rửa bầu không khí, một phần thủy ngân sẽ ngấm xuống đất, một phần xuống nước. Trong đó, hàm lượng thủy ngân trong nước theo cơn mưa phân tán đi xa nên khả năng gây độc thấp hơn. Theo PGS Côn, thủy ngân chủ yếu còn lại trong đất và có thể ô nhiễm theo chuỗi thức ăn như cây cối hoặc động vật liên quan tới vùng đất này.
Với hàm lượng thủy ngân trong đất, PGS Côn cho rằng người dân không nên sử dụng những loại đất xung quanh khu vực nhà máy, đặc biệt là vùng theo chiều gió thổi thời điểm xảy ra cháy để sử dụng trồng cây, chạm chân, tay vào. Điều đó sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm độc thủy ngân qua đường tiếp xúc. Nước uống xung quanh nhà không được che kín cần loại bỏ vì thủy ngân rơi vào trong nước nếu ăn, uống phải sẽ gây nhiễm độc.
Hiện nay, nhiều người dân lo lắng về nguy cơ nhiễm độc thủy ngân mạn tính, PGS Côn cho biết điều đó ít xảy ra vì hiện nay thủy ngân trong đất chỉ còn ở khu vực đám cháy. Vì vậy, việc cô lập khu vực cháy và khoanh vùng khu vực còn thủy ngân rất cần thiết.
BS Ngô Đức Hùng, khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai), cũng cho biết trong đám cháy tại nhà máy Rạng Đông, nguy cơ nhiễm độc cao nhất, rõ nhất chính là lúc đang cháy, vì thủy ngân là kim loại bốc hơi. Sự hấp thụ thủy ngân kim loại qua đường tiêu hóa được cho là không quan trọng về mặt lâm sàng. Bởi thủy ngân nguyên tố khi nuốt vào bụng, chỉ hấp thu 0,01% qua ruột khỏe mạnh. Việc uống một lượng thủy ngân 0,1 ml tương đương khoảng 1 g trong nhiệt kế đã được báo cáo là không gây độc.