Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Có thể giải quyết linh hoạt trường hợp của GS Trương Nguyện Thành?

Không đủ 5 năm kinh nghiệm quản lý cấp khoa, phòng, GS Trương Nguyện Thành bị từ chối công nhận vị trí hiệu trưởng ĐH Hoa Sen, TP.HCM. Đại diện Bộ GD&ĐT nói gì về quy định này?

C

âu chuyện GS Trương Nguyện Thành không thể đáp ứng tiêu chí trở thành hiệu trưởng Đại học Hoa Sen, TP.HCM, dù ông được đánh giá cao với hàng trăm bài báo khoa học và công trình nghiên cứu, trở thành chủ đề thu hút dư luận.

Từ trường hợp của vị "giáo sư quần đùi" và ĐH Hoa Sen, nhiều người đặt câu hỏi liệu có nên giải quyết vấn đề này một cách linh hoạt trong thời gian chờ Luật Giáo dục Đại học sửa đổi.

Cần quy định mở để giải quyết linh hoạt

Trả lời báo chí về trường hợp của GS Trương Nguyện Thành, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), cho biết Luật Giáo dục Đại học 2012 quy định về một trong những tiêu chuẩn bổ nhiệm hiệu trưởng: “Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có uy tín về khoa học, giáo dục, có năng lực quản lý và đã tham gia quản lý cấp khoa, phòng của cơ sở giáo dục đại học ít nhất 5 năm”, theo điều 20, khoản 2, điểm a.

Các văn bản dưới luật và thực tế thực thi pháp luật đều tuân thủ quy định này.

giao su quan dui anh 1
GS Trương Nguyện Thành quay về Mỹ sau khi không được công nhận vị trí hiệu trưởng ĐH Hoa Sen, TP.HCM. Ảnh: NVCC.

Bà Phụng cho rằng tiêu chuẩn hiệu trưởng cần có nội dung về kinh nghiệm quản lý như một điều kiện đảm bảo chất lượng quản lý đối với vị trí việc làm.

"Phạm vi quan sát của chúng tôi ở Việt Nam và nhiều nước khác đều cho thấy hầu như không có hiệu trưởng trường đại học nào mà trước khi được bổ nhiệm lại chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực được giao quản lý. Các trường càng uy tín, kinh nghiệm của ứng viên hiệu trưởng càng quan trọng. Đó cũng là một trong những căn cứ để lựa chọn hiệu trưởng tốt nhất trong số các ứng viên", bà Phụng nhận định.

Cũng theo đại diện Bộ GD&ĐT này, Luật Giáo dục Đại học đang được sửa đổi, bổ sung và điều 20 nêu trên cũng đã được rà soát, sửa đổi. Ở 3 dự thảo đầu, ban soạn thảo quy định nội dung trên theo hướng mở: “Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có uy tín khoa học, có năng lực quản lý, quản trị giáo dục đại học”. Năng lực quản lý, quản trị giáo dục đại học này sẽ do hội đồng trường, hội đồng quản trị xác định, lựa chọn.

Tuy nhiên, qua tổ chức lấy ý kiến tại 5 hội thảo ở 5 vùng (Thái Nguyên, Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM và Cần Thơ, với thành phần tham gia là đại diện các trường đại học, chuyên gia giáo dục, doanh nghiệp…), nhiều người góp ý không nên hạ thấp tiêu chuẩn tại điểm a, khoản 2, điều 20 của luật hiện hành. Quy định trên tại dự thảo lần thứ ba chưa rõ, cần định lượng cụ thể.

Tiếp thu ý kiến góp ý, từ dự thảo lần thứ tư, ban soạn thảo tiếp tục quy định: “Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có uy tín khoa học, có kinh nghiệm tham gia quản lý giáo dục đại học ít nhất 5 năm từ cấp khoa, phòng, ban trở lên”.

Nội dung của dự thảo vẫn giữ định lượng của kinh nghiệm quản lý nhưng mở hơn, không nhất thiết phải có kinh nghiệm ở cơ sở giáo dục đại học, mà có thể quản lý giáo dục đại học ở cơ quan bộ, ngành, viện nghiên cứu có đào tạo trình độ tiến sĩ… Qua hai dự thảo lần thứ tư và năm đến nay, không có ý kiến góp ý về nội dung này.

Bà Phụng cũng cho rằng đây mới chỉ là dự thảo. Những nội dung sẽ tiếp tục được xin ý kiến Quốc hội theo quy trình soạn thảo văn bản luật và sẽ tiếp tục được nghiên cứu, điều chỉnh để ngày càng hợp lý, đáp ứng yêu cầu của thực tế, đảm bảo chuẩn chất lượng đối với chức danh quản lý quan trọng này. Đồng thời, nó cũng đảm bảo quyền của hội đồng trường nói riêng và quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học nói chung.

Ngay cả khi cần phải có quy định chuẩn hóa, định lượng hóa tiêu chuẩn chức danh để lựa chọn, rèn luyện, bồi dưỡng đội ngũ quản lý kế cận, chuyên nghiệp, pháp luật vẫn cần có quy định mở để trong trường hợp nhất định có thể chấp nhận cách giải quyết linh hoạt, không nên quá máy móc.

Tất nhiên, cần đảm bảo điều kiện như mặt bằng chung về các tiêu chuẩn tối thiểu; do hội đồng trường, hội đồng quản trị lựa chọn, quyết định; nếu chưa đủ điều kiện này thì phải có các điều kiện cần thiết khác vượt trội hơn. Hội đồng trường, hội đồng quản trị phải giải trình được một cách thuyết phục về sự lựa chọn hiệu trưởng của họ, vì sự phát triển của nhà trường.

'GS Harvard cũng khó đủ tiêu chuẩn làm hiệu trưởng đại học Việt Nam'

TS Phạm Hiệp cho rằng Luật Giáo dục Đại học hiện tại có nhiều điều khoản bất hợp lý, đã "trói chân, trói tay" các trường đại học, khước từ nhân tài.

Nên bỏ quy định 5 năm quản lý cấp khoa, phòng

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT, cho rằng hiệu trưởng phải có kinh nghiệm quản lý cấp khoa, phòng tối thiểu 5 năm thực chất không phù hợp, không liên quan vai trò, chức năng và mô tả công việc của hiệu trưởng đại học cũng đã quy định trong luật và điều lệ trường đại học.

Lãnh đạo cấp khoa hay phòng chỉ là đơn vị nhỏ trong trường. Hiệu trưởng đại học cần nhiều năng lực, kỹ năng quản trị và quản lý khác: Chiến lược, tài chính, nhân sự, chương trình, dự án, tổ chức, quan hệ doanh nghiệp, điều phối nguồn lực, giám sát, đánh giá, quản lý nghiên cứu khoa học, sinh viên... Một khối lượng công việc đồ sợ mà lãnh đạo cấp khoa, phòng của một trường đại học vốn không hề có kinh nghiệm.

TS Hoàng Ngọc Vinh đề xuất nên bỏ điều kiện 5 năm kinh nghiệm làm quản lý đối với vị trí hiệu trưởng trường đại học. Thay vào đó, luật nên có những điều kiện quy định cụ thể về năng lực cá nhân thực tế của người đảm nhiệm vị trí này.

Tuy nhiên, TS Vinh cũng lưu ý nên tránh việc "ồn ào" vì chưa rõ cá nhân GS đó đã đóng góp gì trong việc phát triển nhà trường, cũng như năng lực lãnh đạo quản lý một trường đại học trong tương lai. Do vậy, luật có điểm bất cập thì cần sửa đổi nhưng hiện tại thì phải tuân theo luật đang có hiệu lực.

"Một giáo sư rất giỏi nhưng chưa chắc đã là hiệu trưởng giỏi, mọi thứ nên được xem xét trên con người và công việc cụ thể. Vì thế, trường hợp của ĐH Hoa Sen cũng nên thận trọng phát biểu nếu chưa biết được một khi giáo sư đó được bổ nhiệm thì tầm nhìn của đại học ấy như thế nào? Kế hoạch chiến lược ra sao? Có khả thi không? Làm gì để quy tụ được nhân tài? Làm gì để nâng cao chất lượng và mở rộng quy mô? Làm gì để ĐH Hoa Sen có chỗ đứng xứng đáng trong hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam và khu vực? Làm gì để huy động nguồn lực và xây dựng các đối tác...?", ông Vinh nói.

Trường công hay tư đều phải có chiến lược phát triển nhân tài thông qua quy hoạch kế tiếp (successive planning) công khai và bồi dưỡng chuyên môn cho họ. Kể cả ở các doanh nghiệp lớn, muốn thành công trong môi trường cạnh tranh, các vị trí quản lý cũng phải trải qua việc quy hoạch nhân sự, sau đó là công tác đào tạo, bồi dưỡng và có sàng lọc.

"Trường hợp của GS Trương Nguyện Thành có thể là điều đáng tiếc đối với một số người. Cơ quan quản lý cũng nên xem xét để hoàn thiện thêm cơ chế để trường đại học được tự chủ và tuyển chọn được nhân tài thực chất mà không lệ thuộc vào thâm niên mà thiếu cơ sở khoa học", ông Vinh nói thêm.

GS Trương Nguyện Thành mặc quần đùi dạy về sáng tạo Hình ảnh GS Trương Nguyện Thành - Phó hiệu trưởng ĐH Hoa Sen, TP.HCM - mặc quần đùi giảng dạy trước sinh viên nhận được nhiều ý kiến tranh luận trên mạng xã hội.

GS Trương Nguyện Thành nhận lời mời về công tác tại ĐH Hoa Sen với vị trí phó hiệu trưởng điều hành từ năm 2016.

Tháng 4, ông được HĐQT ĐH Hoa Sen đề xuất công nhận vị trí hiệu trưởng cho nhiệm kỳ 2017-2022 với sự tín nhiệm cao, 16/18 phiếu tán thành.

Tuy nhiên, theo quy trình công nhận hiệu trưởng của Luật Giáo dục Đại học, ông Thành chưa đủ tiêu chuẩn 5 năm kinh nghiệm quản lý khoa/phòng của một cơ sở giáo dục đại học Việt Nam.

Tại ĐH Utah (Mỹ), ông tham gia giảng dạy, làm công tác tuyển sinh và quản lý sinh viên cao học khoa Hóa của trường này. Bộ GD&ĐT cho rằng hiện chưa có quy định và tiêu chí để xác định mức độ tương đương cấp phòng/khoa của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài với Việt Nam. Do vậy, không đủ cơ sở pháp lý để xác nhận cụ thể nội dung này.

Không được công nhận hiệu trưởng, 'GS quần đùi' rời ĐH Hoa Sen

Trong thư gửi giảng viên, nhân viên, sinh viên ĐH Hoa Sen, TP.HCM, GS Trương Nguyện Thành chào tạm biệt và bày tỏ sự trân trọng tình cảm của tập thể nhà trường.

GS Trương Nguyện Thành: Giáo dục cũng cần HLV như ông Park Hang-seo

GS.TS Trương Nguyện Thành, Phó hiệu trưởng ĐH Hoa Sen, cho rằng muốn phát triển tiềm lực của thế hệ trẻ trong đất nước cần môi trường và huấn luyện viên tầm cỡ.

Minh Nhật

Bạn có thể quan tâm