Miss Grand International 2022 rơi vào tranh cãi vì bình luận body shaming (miệt thị ngoại hình) thí sinh từ người đứng đầu cuộc thi. Những đặc điểm hình thể của một cô gái như "phần lưng dài hơn chân", "phần hông to"... bị mổ xẻ là "khuyết điểm", "hình thể không hoàn hảo", "không phù hợp với tiêu chí đánh giá".
Tuy nhiên, thực tế chứng minh "cơ thể hoàn hảo" hay "hình thể lý tưởng" là những thứ không hề tồn tại. Sự lầm tưởng về chúng chỉ khiến con người khổ sở, rơi vào vòng luẩn quẩn của mặc cảm, tự ti, chán ghét bản thân.
So sánh và bất an
Body image (tự cảm nhận cơ thể) là góc nhìn của một người về cơ thể. Điều này đề cập đến cách mọi người nhìn nhận ra sao về vẻ ngoài của bản thân. Nó liên quan đến cả niềm tin tích cực lẫn tiêu cực.
Mọi người từ khắp nơi trên thế giới đều cố gắng gây ấn tượng với người khác bằng hình ảnh cơ thể và cải thiện diện mạo để phù hợp với định nghĩa "ngoại hình hoàn hảo" của số đông.
Một người có suy nghĩ tiêu cực về body image có thể cảm thấy tự ti, cố gắng thay đổi ngoại hình với mục đích trông hấp dẫn. Mặt khác, body image tích cực là khi một người coi trọng ngoại hình của mình, tôn vinh và đánh giá cao nó.
Yếu tố tâm lý cũng góp phần vào body image. Mọi người có thể tự nhận mình thừa cân ngay cả khi họ thiếu cân.
Không tồn tại cơ thể hoàn hảo. Ảnh: iStock. |
Theo suy nghĩ về hình dạng, cân nặng và cảm nhận về các bộ phận trên cơ thể, một người có thể hài lòng hoặc không hài lòng ở mức độ nào đó.
Sự tự cảm nhận cơ thể của một người còn bị ảnh hưởng nặng nề bởi những ý kiến xung quanh. Có rất nhiều người gặp phải tình trạng bất an về body image, chủ yếu là phụ nữ.
Chạy theo "thân hình hoàn hảo" đã trở thành mục tiêu hàng đầu của nhiều cá nhân. Nhưng những kỳ vọng, tiêu chuẩn sắc đẹp ngày một cao và gần như không thể đạt được.
Mọi nền văn hóa đều có một hình ảnh cơ thể hoàn hảo của riêng mình để các thành viên so sánh với cơ thể của chính họ. Cơ thể hoàn hảo không bao giờ thống nhất với các chỉ số trung bình. Ví dụ, phụ nữ Mỹ trung bình nặng 64 kg, trong khi người mẫu Mỹ thường chưa đến 53 kg.
Bất chấp niềm tin rộng rãi, cơ thể hoàn hảo không thực sự tồn tại, ít nhất là không được định nghĩa trên các phương tiện truyền thông. Hầu hết bức ảnh của người mẫu đều được thay đổi để làm cho họ gầy hơn hoặc để nổi bật một vài đặc điểm như eo nhỏ, chân dài, vòng một lớn...
Kết quả là việc chạy theo thân hình hoàn hảo sẽ chỉ dẫn đến thất vọng.
Vẻ đẹp nằm ở cảm nhận
Theo khảo sát của Psychology Today, khoảng 90% thanh thiếu niên không hài lòng với cơ thể của mình. Khoảng 20% phụ nữ và 27% đàn ông dành 5 ngày/tuần tại phòng tập thể dục để đạt được mục tiêu "thân hình hoàn hảo".
Tuy nhiên, có một vấn đề lớn khi đặt mục tiêu như vậy. Loại cơ thể của mỗi người là khác nhau và duy nhất. Một số người có tốc độ trao đổi chất cao giúp giảm cân dễ dàng, trong khi những người khác lại có tốc độ trao đổi chất chậm khiến họ dễ tăng cân hơn.
Với một số chế độ ăn kiêng và thói quen tập luyện khác nhau, không phải ai cũng biết điều gì phù hợp với mình và loại cơ thể của bản thân.
3/4 người Anh tin rằng sự ám ảnh của xã hội về cơ thể hoàn hảo đang làm tổn hại đến sức khỏe tinh thần của chúng ta, theo nghiên cứu của thương hiệu quần áo thể thao ASICS công bố hồi tháng 10.
Cố gắng chạy theo hình thể lý tưởng chỉ khiến mọi người thất vọng. Ảnh: EyeEm. |
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng cứ 10 người thì có 8 người nhận thấy những bức ảnh biến đổi cơ thể rất đáng khích lệ, với những bức ảnh "trước và sau" khiến một nửa trong số chúng ta cảm thấy không an toàn.
Cuộc thăm dò với hơn 5.000 người trưởng thành cho thấy 64% phụ nữ ghét những hình ảnh biến đổi ngoại hình đến mức muốn chúng bị cấm trên mạng xã hội.
Trong khi 60% phụ nữ được hỏi cho biết họ cảm thấy mệt mỏi khi nhìn thấy những thân hình được định nghĩa là "hoàn hảo" trên mạng.
Theo Henrik Ederberg, blogger, tác giả của The Power of Positivity, không có cơ thể hoàn hảo hay con người hoàn hảo. Mọi người đều là duy nhất và không nên cảm thấy cần phải tuân theo các tiêu chuẩn của xã hội. Vẻ đẹp không phải là vẻ ngoài của ai đó mà là cảm nhận của mỗi cá nhân.
"Yêu bản thân vì bạn là ai, không phải vì cách bạn trông như thế nào", Ederberg kết luận.
Mục Đời sống gửi đến độc giả gợi ý về những tác phẩm hay, mang hơi thở thời đại. Hội mê sách cũng có thể tìm thấy những bí kíp để "sống chất" hơn với sở thích của mình.