Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TƯ VẤN

Có thể lĩnh án tù khi mua bán thuốc trị Covid-19 chưa được cấp phép?

Hành vi sản xuất, kinh doanh thuốc chữa bệnh chưa được phép lưu hành có thể bị phạt đến 80 triệu đồng hoặc phạt tù cao nhất 15 năm.

Sau khi xuất hiện một số người ở TP.HCM rao bán Molnupiravir, thuốc dùng điều trị Covid-19, Bộ Y tế đã đề nghị Sở Y tế TP.HCM kiểm tra, xác minh.

Cơ quan chức năng đánh giá việc bán thuốc chưa được phép lưu hành là vi phạm nghiêm trọng. Theo các quy định của pháp luật, người rao bán Molnupiravir trên mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến bị xử lý ra sao?

Tiến sĩ Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư Hà Nội

Thuốc chữa bệnh là sản phẩm hàng hóa đặc biệt, mục đích để cứu người nhưng cũng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng con người. Do đó, việc sản xuất, mua bán, bảo quản, vận chuyển, cấp phát thuốc chữa bệnh được quản lý chặt chẽ.

Tại Việt Nam, các loại thuốc chữa bệnh trước khi sản xuất, nhập khẩu để lưu hành phải được sự cho phép của Cục quản lý Dược (Bộ Y tế).

Mua ban thuoc dieu tri Covid-19 anh 1

Thuốc Molnupiravir thử nghiệm do Merck và Ridgeback Biotherapeutics phát triển. Ảnh: Reuters.

Việc rao bán thuốc trị Covid-19 chưa được cấp phép tại TP.HCM là hành vi vi phạm pháp luật. Người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về chế tài hành chính, hành vi sản xuất, kinh doanh thuốc chữa bệnh chưa được phép lưu hành hoặc mới thử nghiệm, chưa được phép sản xuất, nhập khẩu có thể bị phạt tiền từ 60 triệu đến 80 triệu đồng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo Điều 57 Nghị định 117/2020 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế.

Ngoài phạt tiền, tổ chức hay cá nhân vi phạm còn bị đình chỉ hoạt động kinh doanh, tước các loại giấy phép, giấy chứng nhận liên quan đến lĩnh vực hoạt động, sản xuất và khắc phục toàn bộ hậu quả.

Trường hợp xảy ra sự cố chết người hoặc gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe của người khác, người vi phạm bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về khám chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác. Khung hình phạt cao nhất lên đến 15 năm tù.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền tối đa 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Ngoài ra, theo Công văn số 45 ngày 30/3/2020 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, người nào nói sai công dụng của thuốc chữa bệnh, đưa thông tin gian dối khi bán thuốc nhằm chiếm đoạt từ 2 triệu đồng trở lên, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015.

Hình phạt nào cho người trói bảo vệ Điện Máy Xanh, cướp 1,5 tỷ đồng?

Theo luật sư, với số tài sản chiếm đoạt trị giá 1,5 tỷ đồng, Chức sẽ đối mặt với khung hình phạt là phạt tù 18-20 năm hoặc tù chung thân.

Hồng Đăng

Bạn có thể quan tâm