Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cơ thể mỗi người chống lại bệnh tật như thế nào?

Cơ thể chúng ta có hệ thống tự vệ tự nhiên nhằm bảo vệ chính mình trước những nguy cơ xâm hại từ bên ngoài.

Quy luật tiến hóa tự nhiên giúp chúng ta dần kiểm soát được tình trạng nhiễm trùng, làm chậm quá trình lão hóa, khắc phục được sự phá vỡ của các enzyme và protein cũng như giết chết được các tế bào ung thư đang phát triển trong cơ thể mỗi ngày.

Hệ miễn dịch tự nhiên

Cơ thể chúng ta bị các loại vi khuẩn, vi-rút và những ký sinh trùng tấn công liên tục. Đồng thời, chúng ta phải tiếp xúc với hàng triệu loại chất hóa học, chất độc và các tác nhân ô nhiễm mỗi ngày. Tuy nhiên, cơ thể con người có khả năng kỳ diệu trong việc tự bảo vệ chính mình trước mọi tác nhân gây hại- bởi vì nếu không, chúng ta sẽ bị đau yếu suốt ngày. Trên thực tế, chúng ta chỉ bị ốm khi hệ miễn dịch suy yếu trong một khoảng thời gian nào đó. Những yếu tố giúp xây dựng hệ miễn dịch khỏe mạnh đó là:

- Chế độ ăn uống lành mạnh.

- Ngủ đủ giấc.

- Cơ thể được vận động thường xuyên mỗi ngày

- Môi trường sống lành mạnh (có ánh nắng, không khí trong lành, nước sạch…).

Những thành phần cấu thành hệ miễn dịch

- Da: cơ quan rộng lớn nhất trong cơ thể con người. Da là rào chắn giúp ngăn chặn phần lớn các tác nhân gây nhiễm trùng không xâm lấn vào bên trong cơ thể.

- Nước nhầy: những vị trí hở trong cơ thể không được da bảo vệ như miệng, mũi, mắt… đều có các màng nhầy bao bọc. Chúng tiết ra những chất hóa học như lysozyme và protein phản ứng C (CRP) giúp tiêu diệt các tác nhân xâm lấn từ bên ngoài.

- Lông mao: là những sợi lông bé xíu nằm bên trong hệ thống hô hấp. Chúng ngăn cản bụi bẩn và các chất ô nhiễm xâm nhập vào cơ thể qua đường thở. Lông mao thường hoạt động đồng bộ cùng với màng nhầy bằng cách màng nhầy sẽ kết dính với các chất ô nhiễm, sau đó, lông mao sẽ “quét” sạch chúng ra khỏi cơ thể thông qua các cơ quan bài tiết.

- A-xít: trong dạ dày và một số cơ quan khác có chứa a-xít nhằm giết chết các loại vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể thông qua thức ăn hoặc một số con đường khác.

- Các tế bào máu trắng: đây là thành phần chính trong hệ thống phòng thủ. Có hai loại tế bào máu trắng là bạch huyết cầu (thể thực bào) và tế bào tiêu diệt. Bạch huyết cầu nhấn chìm và phá hủy các tế bào xâm lấn- trong khi đó, tế bào tiêu diệt sẽ tự phá hủy những tế bào bên trong cơ thể đã bị viêm nhiễm do bị tế bào xâm lấn tấn công.

- Sự viêm nhiễm: khi một khu vực nào đó trong cơ thể bị tổn thương, chúng sẽ bị sưng tấy. Quá trình viêm nhiễm này giúp thu hút sự chú ý của hệ thống miễn dịch tới chỗ đang bị thương. Vì vậy, cơ thể sẽ tiến hành quá trình tự “sửa chữa” và làm lành vết thương.

- Kháng thể: kháng thể có nhiệm vụ nhận diện các tế bào xâm lấn và vô hiệu hóa chúng để các bạch huyết cầu tiêu diệt. Lúc bình thường, trong cơ thể con người chỉ có một vài kháng thể nhưng khi các kẻ lạ mặt được nhận diện và tình trạng “khẩn cấp” được ban bố, cơ thể tự sản sinh ra nhiều kháng thể hơn để đối phó với những kẻ tấn công đặc biệt nhằm mục đích đánh bại chúng. Sau khi tấn công, một số kháng thể sẽ được giữ lại trong cơ thể mãi mãi để nếu những tác nhân xâm lấn đặc biệt đó có quay trở lại thì cơ thể sẽ đủ sức đánh bại chúng.

- Tế bào T: những tế bào này có nhiệm vụ trợ giúp cho các kháng thể bằng cách sử dụng một hệ thống dấu hiệu hợp chất hóa học để báo cho kháng thể biết phải làm gì và cần sản xuất ra loại kháng thể nào để tiêu diệt các tác nhân gây nhiễm trùng đang xâm lấn.

http://phunuonline.com.vn/suc-khoe/song-khoe/co-the-moi-nguoi-chong-lai-benh-tat-nhu-the-nao/a135155.html

Theo Hồng Xuân/Báo Phụ Nữ TP.HCM

Bạn có thể quan tâm