Ngày 11/5, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT, cho biết những năm qua, các tổ hợp truyền thống như D1, A, A1, C, B được các trường đại học sử dụng xét tuyển với tỷ lệ lớn, nhiều học sinh đăng ký. Những tổ hợp này chiếm 90% nguyện vọng của thí sinh.
Nếu ghép 2 môn tổ hợp và 11 môn thi, về mặt lý thuyết, có trên 400 tổ hợp tuyển sinh. Trong số đó, khoảng 133 tổ hợp có thí sinh đăng ký.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT. Ảnh: Q.Q. |
Cũng theo bà Phụng, kỳ thi tuyển sinh năm 2019 không còn những tổ hợp "lạ" - xét tuyển những môn học không liên quan ngành đào tạo. Hiện tượng này tồn tại ở kỳ tuyển sinh 2018 khi một số trường nghĩ ra tổ hợp riêng vào các ngành mới nhưng thí sinh đăng ký không nhiều.
"Đa số trường vẫn tuyển sinh dựa trên cơ sở chất lượng, yêu cầu ngành nghề. Phần lớn học sinh chọn các trường có chất lượng để đăng ký", bà Phụng thông tin.
Theo thống kê số lượng thí sinh đăng ký năm 2019, mỗi thí sinh trung bình có 4 nguyện vọng, thể hiện các em có đã có định hướng vào ngành, trường theo năng lực. Thí sinh không cần đăng ký quá nhiều nguyện vọng kiểu "đỗ đâu học đó".
Thống kê số thí sinh tham gia dự thi và xét tuyển 2019. |
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, cả nước có 468.000 thí sinh đăng ký bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội (bao gồm các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Công dân), chiếm tỷ lệ gần 53%.
Số thí sinh đăng ký dự thi bài tổ hợp Khoa học Tự nhiên (bao gồm các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) là hơn 30.000 em, chiếm khoảng 34% tổng số thí sinh. Số còn lại khoảng 27.000 thí sinh đăng ký dự thi cả hai bài thi tổ hợp trên.
Kỳ thi THPT quốc gia 2019 diễn ra trong 3 ngày, từ 25 đến 27/6, như năm 2018. Học sinh thi THPT quốc gia làm 3 bài thi độc lập gồm Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ; 2 bài thi tổ hợp là Khoa học Tự nhiên (các môn Vật Lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học Xã hội (Lịch sử, Địa Lý, Giáo dục Công dân).