Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cổ tích của ông lão và hai cô giáo 'không danh hiệu'

Không danh hiệu, không một đồng lương trả công nhưng 5 năm qua họ đã thầm lặng viết lên câu chuyện cổ tích giữa đời thường.

 

3 con người, 1 tình yêu trẻ

Ông lão tên Lưu Quốc Sự năm nay đã ngoài 70 tuổi, hai cô giáo tuổi ngoài 40 là Lê Thị Thu Hiền (quê  ở Hà Nội) và Vũ Thị Thu Hà (quê ở TP HCM).

Một ông già đã nghỉ hưu, một người liệt đôi chân, một người  khuyết đi một cánh tay nhưng tình thương con trẻ đã gắn kết họ lại với nhau.

Sáng 27/9 lớp học tiếng Anh miễn phí do ông Sự mở ra, cô Hiền, cô Hà góp sức khai giảng khóa thứ 5 với gần 200 học sinh.

Suốt 5 năm qua tại ngôi nhà nhân đạo mang tên Finando do họ lập ở thôn Sơn Đồng, xã Tân Minh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã có 1000 học sinh được học tiếng Anh miễn phí.

Sáng 27/9, như thường lệ, lớp học miễn phí nhằm đúng dịp Tết trung thu để tổ chức vui chơi và làm khai giảng cho các học sinh.

Ông Hòa – người thôn Sơn Đồng phấn khởi: “Tôi vừa xin gửi một cháu nội, một cháu ngoại vào đây. Điều kiện chúng tôi ở nông thôn còn khó khăn, tiền học tiếng Anh bên ngoài mỗi buổi đến cả chục nghìn đồng. Còn ở đây các cô dạy miễn phí. Cháu nào nhà nghèo ông Sự còn đến tận nhà vận động gia đình cho đến lớp rồi tặng sách vở. Các cháu tôi mới đi học được vài buổi nhưng về nhà kể đến lớp rất vui, hai cô giáo dạy rất nhiệt tình”.

Là cựu cán bộ TW Đoàn TNCS HCM, tới nay ông Sự cũng đã có hơn 20 năm gắn bó với các hoạt động giúp đỡ người khuyết tật, khó khăn. Cô Hiền sau khi tốt nghiệp chuyên ngành ngoại ngữ của Viện ĐH mở Hà Nội cũng gắn bó hơn chục năm cùng ông Sự trong những hoạt động đó.

Còn cô Hà, tốt nghiệp loại giỏi ngành Kế toán ĐH Kinh tế TP HCM - ra trường và có thời gian hơn 10 năm làm việc cho một công ty có tiếng ở TP HCM. Cũng bị khuyết tật ở chân, đi lại khó khăn nhưng cô Hiền chẳng ngờ có ngày mình phải ngồi trên chiếc xe lăn.

5 năm trước trong một lần đi làm, cô gặp tai nạn giao thông. Sau những giọt nước mắt đớn đau, cô Hiền xin nghỉ việc ở công ty và vào giúp đỡ những người khuyết tật ở một trung tâm tại TP HCM. Cơ duyên đến khi ông Sự vẫn thường xuyên có sự gắn kết với trung tâm này.

“Ngôi trường nhỏ” đầy yêu thương

Sẵn mảnh đất hơn 1000 m2 của con trai mua ở xã Sơn Đồng vốn tính làm nơi cho bố về nghỉ ngơi khi tuổi già, ông bàn bạc với gia đình rồi đi đến quyết định sẽ dành nơi này đặt lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ thuộc các xã chính là Tân Minh, Bắc Phú, Phù Ninh, Trung Giã (cùng huyện Sóc Sơn).

Buổi khai giảng cũng luôn nhằm vào ngày Tết trung thu.

Không học chuyên ngành nhưng vốn tiếng Anh có sẵn khá tốt, cô Hiền xin phép gia đình ra Hà Nội vừa để chữa lành vết thương vừa cùng ông Sự, cô Hà mở lớp.

Lớp học khởi điểm chỉ là mấy căn nhà cấp 4 với cơ sở vật chất nghèo nàn và vài chục em học sinh ở thôn vì gia đình hay tin ông Sự làm việc thiện đã lâu nên tin tưởng gửi đến.

“Ban đầu lớp chỉ có vài bàn học bằng gỗ đóng tạm, phấn bảng đơn sơ. Chỉ có các cô là lúc nào cũng tràn đầy nhiệt huyết” – Đại tá Nguyễn Thanh Truyền, Chủ tịch Hội bạn chiến đấu Cựu chiến binh Sư đoàn 5, một người bạn thân thiết của ngôi nhà Finando cho biết.

Là đồng đội với Đại tá Truyền, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin&Truyền thông Lễ Doãn Hợp cũng thường xuyên gọi điện hỏi thăm, trực tiếp về động viên, tặng quà cho lớp học.

Những người như ông Truyền, ông Hợp, CLB NetLog và nhiều nhóm khác, đặc biệt là người dân xung quanh dần tìm đến lớp học với hỗ trợ nhỏ về vật chất như chút tiền mua bàn, ghế, mua quạt điện, mua gạo, giúp nấu cơm cho trẻ ở lại mỗi buổi học.

Đến nay ngôi nhà nhân đạo Finando đã có bàn ghế đạt tiêu chuẩn, thêm phòng tin học với 10 máy tính do ông Hợp tài trợ cùng các phòng nội trú, bếp ăn, nhà khách, sân vườn, nhà vệ sinh sạch sẽ như một ngôi trường nhỏ. 

Một khóa học với 200 em học sinh lại được bắt đầu.

Không khí lễ khai giảng luôn nhộn nhịp các câu đố, trò chơi và sự thân ái.

Sau “bữa cơm thịnh soạn”, như lời ông Truyền nói với gà luộc ăn cùng canh miến, ngô luộc – là quà trực tiếp của những tấm lòng hảo tâm, vị Đại tá đã về hưu mới chia sẻ: “Nhiều lần chúng tôi bất chợt đến thăm, chỉ thấy các cô trường kỳ với mỳ tôm, rau vườn thôi. Nên mỗi khi về mọi người không ai bảo ai đều lục tục chuẩn bị gạo, bánh, đồ ăn để mang đến tặng cô và các em học sinh. Phòng học nói là đầy đủ nhưng về ánh sáng, quạt mát,.. chắc còn phải cố gắng thêm nhiều nhiều nữa”.

Dạy miễn phí tiếng Anh nên để có thu nhập, cô Hà tranh thủ làm thêm công việc kế toán thuế cho một công ty có trụ sở tại TP HCM và nhận làm thêm công việc dàn trang sách cho một nhà xuất bản. Ông Sự, cô Hà hiện cũng chật vật với một công ty nhỏ giúp đỡ người khuyết tật ở trung tâm Hà Nội để kiếm tiền nuôi bản thân và lớp học này.

Khi trường học thành nơi tận thu tinh vi

Việc thu BHYT học sinh thông qua nhà trường, được xác định như một chỉ tiêu thi đua thực chất là một hình thức khoán để tận thu ở mức độ tinh vi.

 

http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/264342/co-tich-cua-ong-lao-va-hai-co-giao--khong-danh-hieu-.html

Thei Văn Chung/Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm