Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cổ tích về người thầy không tay và khiếm thị

Mới 12 tuổi, cậu bé Khanh Rong (Sóc Trăng) đã bị trái mìn của Mỹ để lại cướp mất 2 bàn tay và một con mắt. Bằng nghị lực phi thường, cậu bé tật nguyền ấy đã vượt qua tất cả để tỏa sáng.

Cổ tích về người thầy không tay và khiếm thị

Mới 12 tuổi, cậu bé Khanh Rong (Sóc Trăng) đã bị trái mìn của Mỹ để lại cướp mất 2 bàn tay và một con mắt. Bằng nghị lực phi thường, cậu bé tật nguyền ấy đã vượt qua tất cả để tỏa sáng.

Vượt lên nghịch cảnh

Từ thành phố Sóc Trăng, đi hơn 50 cây số theo quốc lộ 1 hướng về Bạc Liêu, rẽ vào tỉnh lộ 42 đi thêm gần chục cây số nữa thì đến xã Thạnh Trị. Thầy giáo người dân tộc Khmer Khanh Rong rất nổi tiếng ở vùng quê ngập mặn này.

Hai cánh tay cụt đến gần cùi chỏ, thầy giáo Khanh Rong đang ép chặt cây bút vẽ. Trước mặt anh là bức họa “Mã đáo thành công” đang trong giai đoạn hoàn tất.

Thầy kể: “Năm 1976, mọi người còn chưa hết hân hoan với niềm vui chung của cả nước, thì bất hạnh lại giáng xuống đầu tôi và cha mẹ. Vì nhà nghèo quá nên lúc đó tôi 10 tuổi rồi mà chưa được đi học, suốt ngày đi chăn trâu mướn. Hôm đó tôi và mấy bạn chăn trâu chung đang chơi thì thấy trái gì nhìn như trái cam đang lập lờ dưới nước nên vớt lên xem. Cả lũ đang mân mê thì nó nổ đùng một tiếng. Đến khi tôi tỉnh lại thì thấy mình đang ở trong bệnh viện, hai bàn tay và đôi mắt đã không còn”.

Thầy Khanh Rong trong giờ lên lớp .

Trở về từ cõi chết, cậu bé Khanh Rong bắt đầu những ngày tháng dài sống trong mặc cảm, tự ti. Nhưng có một điều, anh rất thích đi học và thích vẽ. Có lẽ, ham muốn này đã dần dà thay thế cho sự mặc cảm.

Hằng ngày nhìn thấy các bạn nhỏ tung tăng cắp sách đến trường, Khanh Rong cũng muốn được đi học và thường ra ngôi trường đầu xóm nhìn vào lớp học.

Năm 12 tuổi, Khanh Rong ngập ngừng bước vào trường tiểu học xã Thạnh Trị xin vào lớp 1. Cô giáo nhìn cậu bé từ đầu đến chân rồi nói: “Con làm sao cầm viết mà học?”. Nghe vậy, Khanh Rong mượn cây viết, chụm hai cẳng tay lại viết, vẽ cho cô xem. Những nét viết từ từ hiện lên. Cô giáo liền cho học thử. “Được học tôi mừng lắm. Bạn bè chọc thằng cụt, thằng đui, tôi bỏ ngoài tai. Năm nào mình cũng đứng nhất lớp và đoạt giải nhất học sinh giỏi Văn lớp 5” – anh nhớ lại.

Năm 1985, Khanh Rong thi vào trường trung cấp Nghệ thuật Hậu Giang (chuyên ngành hội họa). Chờ mãi không có kết quả, anh tìm đến trường hỏi thăm thì mới biết ông hiệu trưởng xem hồ sơ thấy anh bị thương tật nên cho trượt, không chấm bài thi. Năm sau, anh lại nộp hồ sơ dự thi tiếp. Lần này đồng bào dân tộc Khmer ở Thạnh Trị đã mở hội ăn mừng khi nghe tin Khanh Rong đậu thủ khoa.

Sau khi tốt nghiệp, Khanh Rong về làm việc tại ban văn hóa xã và sau đó được biên chế làm giáo viên chính thức của trường THCS Thạnh Trị. Suốt 10 năm đứng trên bục giảng, thầy giáo Khanh Rong là giáo viên dạy giỏi cấp huyện.

Và tỏa sáng

Trong cuộc trò chuyện, Khanh Rong không quên nhắc đến người bạn đời đã gắn bó mấy chục năm nay. Anh bảo: “Tôi luôn cố gắng, nhưng sự cố gắng ấy có thể chẳng đến đâu, nếu như không có người vợ bên cạnh”. Nhưng, khi nghe Khanh Rong nói vậy, chị Nguyễn Thị Cẩm, vợ anh, lại khiêm tốn: “Anh nói vậy thôi chứ anh tự làm được hết. Cái gì anh ấy cũng làm được. Việc lặt vặt trong nhà một tay anh làm thôi”.

Về nhân duyên của mình với vợ, Khanh Rong kể: “Vợ tôi hồi đó là công nhân nhà máy thuốc lá Ô Môn (TP Cần Thơ). Cuối năm 1980, khi đang học trung cấp mỹ thuật, tôi đi thực tập ký họa ở nhà máy này. Một tháng ra vào nhà máy làm quen, tìm hiểu, ký họa về hoạt động sản xuất của nhà máy, chúng tôi quen nhau và phát sinh tình cảm”.

Hết thời gian thực tập, Khanh Rong trở về Sóc Trăng. Họ liên lạc với nhau bằng những cánh thư. “Biết tôi quen với anh Khanh Rong, gia đình không đồng ý. Ra sức ngăn cản. Được cái, ảnh rất quyết tâm theo đuổi chứ không bỏ cuộc. Với lại, lâu dần, gia đình cũng thấy ảnh là người có nghị lực, lại có đức, nên cũng chấp nhận”.

Thế là họ nên vợ nên chồng. Sau khi cưới, cô theo chồng về Thạnh Trị, bắt đầu những ngày tháng tảo tần chăm lo cho chồng, con. Đến nay, với 2 bàn tay người vợ và đôi cùi chỏ của người chồng, họ đã có “của ăn, của để” là ngôi nhà khang trang và vài công đất. “Tôi đã không chọn nhầm người. Dù anh ấy khuyết tật nhưng mấy chục năm nay luôn là trụ cột, là chỗ dựa tinh thần của mẹ con tôi” – chị Cẩm tâm sự.

Năm nay 49 tuổi, với trên 22 năm giảng dạy, mong mỏi lớn nhất của Khanh Rông là truyền đạt hết cảm xúc nghệ thuật cho các em học sinh như muốn truyền lửa ước mơ, hoài bão một thời của chính bản thân anh. Nhờ sự tâm huyết ấy mà nhiều học trò của anh đạt giải cấp huyện, tỉnh, nhiều em còn đến nhà nhờ anh luyện các môn năng khiếu để thi vào trường văn hóa nghệ thuật trong và ngoài tỉnh.

Gặp thầy giáo Trịnh Văn Trường, Hiệu phó trường THCS Thạnh Trị, mới biết ông từng là học trò của thầy Khanh Rong những năm 1994, 1995. “Những buổi sinh hoạt dưới cờ với học sinh, lãnh đạo nhà trường thường lấy tấm gương của thầy Khanh Rong để khuyên bảo học sinh toàn trường noi theo. Vừa rồi có em học sinh bị sốt bại liệt khiến đôi chân dị tật, chúng tôi cũng lấy tấm gương thầy Khanh Rong để động viên em ấy. Giờ em này đã vượt qua và học rất khá” – thầy giáo Trường kể.

Theo Vnmedia

Theo Vnmedia

Bạn có thể quan tâm