7h30 sáng 29/9, giảng viên Trần Thị Hồng Thủy (Khoa Lâm sàng, Đại học Nguyễn Tất Thành) lại cùng các sinh viên của mình vào ca trực, hỗ trợ y bác sĩ điều trị cho bệnh nhân tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hồi sức Covid-19.
Từ ngày 16/8, chị Thủy và 70 sinh viên đã đến bệnh viện, đảm nhận công việc như những điều dưỡng thực thụ cho bệnh nhân nặng và nguy kịch.
"Trước đây, chúng tôi đã quen với áp lực trong bệnh viện. Nhưng lần này tham gia hỗ trợ tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 nơi có rất nhiều bệnh nhân nặng, chúng tôi không tránh được cảm giác lo sợ lúc ban đầu. Tuy vậy, tất cả đều cố gắng chăm sóc bệnh nhân như người nhà của mình", chị chia sẻ cùng Zing.
Tập thể giảng viên, sinh viên Đại học Nguyễn Tất Thành tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19. |
Những cô trò điều dưỡng
"Vâng con biết rồi, cô nằm xuống đi nha".
Đó là những lời nói quen thuộc của những "điều dưỡng" trẻ Đại học Nguyễn Tất Thành khi tiếp xúc người bệnh. Những F0 họ chăm sóc đều ở tình trạng nặng, không thể tự đi lại và ăn uống. Mỗi bệnh nhân như thế đều được nhóm hỗ trợ toàn diện, từ dùng bữa, thay tã, uống thuốc, tiêm truyền dịch hoặc một số kỹ thuật cần thiết khác.
Giảng viên Trần Thị Hồng Thủy xa nhà hơn một tháng, cùng sinh viên tham gia chống dịch. |
Theo chị Thủy, dù công việc bận rộn, chị và sinh viên chưa khi nào đuối sức. Sự động viên từ đội ngũ y bác sĩ bệnh viện cũng như nhà trường như "liều doping tinh thần", giúp những sinh viên trẻ thêm nhiệt huyết, trách nhiệm.
"Nhìn những cô bác bệnh nhân nặng, chỉ có một mình, chúng tôi rất thương. Tất cả đều mong có thể giúp đỡ để họ có thể khỏe mạnh hơn, sớm được chuyển xuống khoa nhẹ và về nhà đoàn tụ với gia đình", chị Thủy nói.
Đối với chị Thủy, thời gian được làm việc tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 chính là cơ hội quý báu để các sinh viên của mình được sự trải nghiệm trong nghề điều dưỡng.
Trước khi làm nhiệm vụ tại đây, chị đã tham gia hỗ trợ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) giám sát việc phân bổ vaccine tới từng cụm tiêm. Trong khi đó, sinh viên của chị hầu hết học năm 3 hoặc năm 4, đã trực tiếp làm công việc lấy mẫu xét nghiệm và tiêm chủng trong cộng đồng.
Không còn sợ hãi
Hơn một tháng qua làm việc tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hồi sức Covid-19, Nguyễn Công Luận (sinh viên Đại học Nguyễn Tất Thành) đã hết dần cảm giác lo lắng. Khi học tập trên giảng đường trường y, nam sinh chưa có cơ hội thực hành trong các bệnh viện lớn và trực tiếp hỗ trợ điều trị cho những bệnh nhân nặng. Những ngày đầu tiếp xúc hàng chục F0 với nhiều tình trạng bệnh khác nhau, Luận đã rất hoang mang.
"Mới đầu vào viện, nhìn thấy rất nhiều bệnh nhân và các loại máy móc, chúng tôi sợ lắm. Nhưng khi làm việc nhiều, được các anh chị trong bệnh viện hỗ trợ, chúng tôi quen dần và bớt lo lắng phần nào.
Năm nay tôi 21 tuổi, vào trong bệnh viện mới thấy được ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh. Có những bệnh nhân 15 phút trước vẫn khỏe mạnh bình thường, sau đó đã ngưng tim. Có người hồi sức được, cũng có những người lại không qua khỏi. Đó chính là điều khiến chúng tôi buồn nhất", Luận nói.
Những giờ phút giải lao của Luận và bạn học sau khi làm nhiệm vụ. |
Sự bối rối, sợ sệt lúc ban đầu cũng là tâm lý chung của nhiều sinh viên trong những ngày đầu làm nhiệm vụ tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19. Như nữ sinh Trần Thị Hà Châu, cô tâm sự rằng khi mới vào viện đã rất sợ bệnh nhân. Họ đều là những F0 nặng hoặc nguy kịch, Châu lo mình không hỗ trợ tốt sẽ gây ảnh hưởng đến người bệnh.
Trong khi đó, nữ sinh viên Mạc Tường Vy lại chia sẻ rằng nhờ sự động viên, hướng dẫn và giúp đỡ từ những y bác sĩ tại bệnh viện, cô mới có thể bình tĩnh, yên tâm hơn khi làm nhiệm vụ.
Sau hơn một tháng làm việc, hy vọng lớn nhất của cô là được chứng kiến Khoa Cấp cứu của mình không còn phải tiếp nhận thêm bệnh nhân và những F0 hồi phục có thể được chuyển xuống những khoa nhẹ hơn, về nhà với gia đình.
Sự đóng góp của tập thể giảng viên, sinh viên Đại học Nguyễn Tất Thành được Ban lãnh đạo cũng như các y bác sĩ tại bệnh viện ghi nhận, tuyên dương.
Bác sĩ Trần Thanh Linh (Phó Giám đốc Bệnh viện Hồi sức Covid-19, bác sĩ điều trị chính cho bệnh nhân số 91 người Anh) chia sẻ: "Cùng với nền tảng kiến thức sẵn có, đây chính là môi trường tốt để các em sinh viên thực hành. Các em rất tâm huyết, nhiệt tình và chịu học hỏi. Đây là lực lượng chúng tôi đánh giá cao, đã hỗ trợ được rất nhiều cho bệnh nhân".
Bệnh viện Hồi sức Covid-19 (TP Thủ Đức, TP.HCM) được đưa vào hoạt động từ ngày 16/7, có tổng quy mô lên đến 1.000 giường.
Đây là bệnh viện điều trị Covid-19 ở tầng cao, mức độ nặng và nguy kịch, ngang cấp với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Chợ Rẫy. Tại đây, tiếp nhận bệnh nhân từ các tầng kế cận theo mô hình "tháp điều trị 3 tầng" chuyển lên chứ không phải từ các bệnh viện dã chiến.