Gần đây, nhiều vụ biến chứng thậm chí mất mạng do hút mỡ bụng, cắt da thừa vùng bụng như trường hợp ông Edward Hartley (53 tuổi, quốc tịch Mỹ) tử vong tại thẩm mỹ viện Việt Thành (quận 10) vào tối 19/7. Zing.vn đã có cuộc trao đổi với PGS-BS Đỗ Quang Hùng, Trưởng khoa Tạo hình thẩm mỹ, bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM, xung quanh vấn đề này.
"Bất kỳ cuộc phẫu thuật nào cũng ẩn chứa nguy cơ, không riêng gì hút mỡ bụng. Nguy cơ bệnh nhân bị sốc phản vệ, ngộ độc thuốc tê, biến chứng khác có thể gây tử vong", bác sĩ Hùng nói.
Tầm soát nhiều nguy cơ
Để tránh tai biến, người muốn hút mỡ, cắt da thừa vùng bụng phải đến bệnh viện để bác sĩ tư vấn. Nếu đồng ý phẫu thuật, họ sẽ phải trải qua quá trình sàng lọc sức khỏe nghiêm ngặt. Khách hàng phải làm nhiều xét nghiệm, tầm soát tim mạch, huyết áp, tuyến giáp, tiểu đường, thuyên tắc tĩnh mạch sâu...
Nếu kết quả tầm soát cho thấy sức khỏe đảm bảo, thì họ sẽ được bác sĩ gây mê khám tiền mê theo lịch mổ của khoa. Nếu mổ cho người nước ngoài, bác sĩ phải trình Phòng Kế hoạch và xin ý kiến ban giám đốc.
Theo trưởng khoa Tạo hình thẩm mỹ, tỷ lệ “mày râu” đi làm đẹp không nhiều, chỉ 1/10 so với nữ giới. Nhiều người đàn ông nhìn bụng rất to, nhưng năng lượng thừa của họ chủ yếu bám vào nội tạng trước như gan, mạc nối tràng, mỡ dưới da thành bụng ít hơn nữ.
Có người đến nhờ bác sĩ hút. Nhưng sau khi khám và lượng giá độ dày mỡ vùng thành bụng, bác sĩ khuyên họ về tập thể dục, ăn kiêng. 30 năm làm nghề, bác sĩ Hùng chỉ mới hút mỡ bụng cho 2 khách nam.
Mỗi năm khoa Tạo hình thẩm mỹ phẫu thuật hút, cắt da mỡ thừa vùng bụng cho nhiều phụ nữ sau sinh. Vì khi mang thai thành bụng họ giãn rộng, sau sinh không thể co lại như ban đầu.
Trước khi mổ, bác sĩ cho khách hàng mang vớ bó để ngừa thuyên tắc phổi. Bệnh nhân sẽ được tiêm thuốc giảm đau kèm thuốc làm co mạch, giảm tổn thương mạch máu. Sau 20-30 phút bác sĩ mới bắt đầu hút.
Khi mổ, phẫu thuật viên sẽ dùng ống nhỏ 3-4 li để không làm tổn thương mạch máu. Khi hút, nếu thấy máu lợn cợn trong mỡ, bác sĩ sẽ chuyển qua vùng khác.
Sau 30 phút bác sĩ sẽ hút được từ 2-2,5 lít mỡ cho bệnh nhân. Hút xong bác sĩ sẽ cắt da thừa vùng bụng bả, khâu căng cơ, tái tạo lại eo chuẩn cho họ. Có 20% phụ nữ phải hút từ 3-3,5 lít mỡ thừa mới tái tạo lại được vòng 2 chuẩn.
Để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, bác sĩ Hùng cho rằng cơ sở y tế phải chuẩn bị phòng mổ vô trùng, hệ thống gây mê hồi sức, phòng hậu phẫu, nhiều phương tiện để chăm sóc.
Theo bác sĩ Hùng, hút mỡ bụng là kỹ thuật khó nhất trong phẫu thuật thẩm mỹ. Nhân viên y tế phải trải qua 54 tháng đào tạo chuyên khoa thẩm mỹ. Tuy nhiên, hiện có nhiều bác sĩ chưa có chứng chỉ đã hành nghề.
Bệnh nhân sau khi được hút mỡ, cắt da thừa vùng bụng. Ảnh: Khánh Trung. |
Nhiều tai biến từ thẩm mỹ, spa
Bác sĩ Hùng cho biết hiện TP.HCM có 4.000 thẩm mỹ viện, spa. Mở những cơ sở này rất dễ, người kinh doanh chỉ cần đến phòng kinh tế quận, huyện đăng ký trong vòng 24 giờ sẽ được cấp phép. Vốn điều lệ của họ chỉ vài chục triệu mà không trải qua quá trình thẩm định cơ sở vật chất, trình độ chuyên môn.
Bác sĩ kể, có bệnh nhân sau khi phẫu thuật xỏ chỉ làm mí đôi, nâng đặt sống mũi, tạo má lúng đồng tiền... gặp phải biến chứng gây hoại tử. Hỏi ra mới biết, họ vào các diễn đàn không tin cậy, bị dụ dỗ đến các thẩm mỹ viện, spa không có người chuyên môn nên lãnh hậu quả.
“Tôi có học viên chưa được cấp chứng chỉ hành nghề đã ra ngoài mổ tràn lan, nguy hiểm cho bệnh nhân. Tôi phải gọi người đó lên cảnh cáo”, bác sĩ Hùng kể.
Trưởng khoa Tạo hình thẩm mỹ, bệnh viện Chợ Rẫy, khuyên để tránh "tiền mất tật mang", trước khi đi điều trị người dân nên vào trang web chính thống của ngành y, tìm hiểu kỹ về trình độ chuyên môn của bác sĩ, cơ sở y tế đã có giấy phép chuyên ngành thẩm mỹ hay chưa?