Trước đó, nhiều học thuyết tin rằng Christopher Columbus là người đầu tiên tìm ra châu Mỹ. Nhưng theo Headtopics, không phải Columbus mà chính người Viking đã vượt Đại Tây Dương và đến lục địa này đầu tiên.
Trong các saga (hình thức sử thi phổ biến ở Bắc Âu), người Viking kể về những chuyến thám hiểm đến bờ biển của Canada ngày nay, bao gồm Helluland (đảo Baffin hay Labrador), Markland (Labrador hoặc Newfoundland) và Vinland (Newfoundland).
Mặc dù vậy, trước khi Columbus ra khơi năm 1492, chưa từng có bằng chứng chính thức nào cho thấy có người biết về châu Mỹ.
Mới đây, Giáo sư Paolo Chiesa tại Đại học Milan, đã tiết lộ tài liệu quan trọng chỉ ra một tu sĩ từng nhắc đến vùng đất này vào đầu thế kỷ 14.
Cụ thể, trong một bản sao mà Giáo sư Chiesa tìm thấy năm 2015 tại New York, tu sĩ Galvano Fiamma đã kể về Markland trong Cronica Universalis, cuốn sách ông viết cách đây 680 năm.
Người Viking được biết đến là những thủy thủ tài giỏi. Họ có thể là người đã đi đến Markland, châu Mỹ ngày nay, trước Columbus. Ảnh: Steam. |
Theo Mymodernmet, cuốn sách từng thuộc về thư viện của vương cung thánh đường Sant'Ambrogio ở Milan nhưng vào thời Napoléon chinh phạt, tu viện này sụp đổ và các tài liệu bị phân tán.
Giáo sư Chiesa đã chụp toàn bộ bản sao của cuốn sách và cho sinh viên của mình chép lại. Một sinh viên đã tìm thấy đoạn văn mà tác giả mô tả: “Xa hơn về phía tây có một vùng đất khác tên là Marckalada, nơi những người khổng lồ sinh sống. Vùng đất này có các công trình kiến trúc bằng phiến đá lớn đến nỗi không ai có thể xây được, trừ những người khổng lồ. Cây xanh, động vật và một số lượng lớn các loài chim cũng sinh sống tại đây”.
Ngoài ra, văn bản có đoạn “không một thủy thủ nào biết chắc chắn về vùng đất này hoặc về các đặc điểm của nó” và tu sĩ Galvano nghe được câu chuyện từ “các thủy thủ thường xuyên qua lại giữa biển Đan Mạch và Na Uy”.
Một góc của Newfoundland ngày nay. Ảnh: CIC News. |
“Đoạn mô tả về Markland thật đáng kinh ngạc. Đó là bằng chứng cho thấy có ít nhất một người đã nhận thức sự tồn tại của châu Mỹ từ rất lâu trước khi Columbus ra khơi”, Giáo sư Chiesa chia sẻ.
Ông cho rằng “người khổng lồ” trong bài viết cũng rất phù hợp với các chuyện kể dân gian của người Bắc Âu về những vùng đất xa xôi.
Theo ông, tác giả Galvano có thể đã nghe được câu chuyện của nhóm người đi biển tại Genoa, một cảng gần thành phố Milan, nơi ông theo học tiến sĩ, và đưa nó vào cuốn sách của mình.
Khám phá trên giúp lý giải vì sao Columbus, một người Genoa, vẫn quyết tâm khám phá vùng đất nơi mà hầu hết người đương thời coi là một khoảng trống không có đất.
Phát hiện này cũng mở ra nghi vấn liệu còn bao nhiêu người khác biết về châu Mỹ và vì sao vùng đất này chưa từng xuất hiện trong bản đồ Italy thời điểm đó.