Một bệnh nhân cấp cứu được chuyển đến bệnh viện ở Daegu hôm 27/2. Ảnh: Yonhap. |
"Thời sự đưa tin các bác sĩ đang đình công, nhưng đây là bệnh viện công, sẽ không có chuyện gì xảy ra đúng không?"
Ông Lim Chun-geun (75 tuổi) đứng trước khoa nội của một bệnh viện công ở Seoul (Hàn Quốc), lo lắng hỏi thăm các nhân viên.
Một buổi sáng vào cuối tháng 2, ông Lim đến bệnh viện để điều trị mắt. Dù chưa đến 10h, khu vực điều trị đã có hàng dài người chờ đợi, bảng thông báo số thứ tự bệnh nhân cũng nhảy qua số 100.
Với những bệnh nhân như ông Lim, bác sĩ đình công chính là cơn ác mộng vì ông sẽ không được điều trị kịp thời. Đứng trước nguy cơ phải về nhà mà không được thăm khám, ông Lim bức xúc và chuyển qua trách móc các bác sĩ.
"Tăng chỉ tiêu tuyển sinh sinh viên trường y thì tốt chứ sao, tại sao các bác sĩ lại đình công để phản đối điều đó. Sự tôn trọng của tôi dành cho các bác sĩ không còn nữa rồi", ông Lim nói với tờ Hankyoreh.
Mỏi mòn chờ lịch phẫu thuật
Ông Lim không phải trường hợp duy nhất rơi vào tình huống này. Vào khoảng 21h ngày 24/2, tờ Incheon Ilbo ghi nhận khoa cấp cứu của Bệnh viện Đại học Ajou ở Suwon cũng có khoảng 8 bệnh nhân cùng người thân ngồi chờ được cấp cứu.
Trong số đó, một bệnh nhân lớn tuổi cần phẫu thuật gấp đã phải chờ vài giờ nhưng vẫn chưa được hỗ trợ. Một số em bé sốt cao, mệt mỏi nằm trong vòng tay của bố mẹ để chờ bác sĩ.
Phòng khám nhãn khoa tại một bệnh viện đại học ở Seoul dán thông báo dừng tiếp đón bệnh nhân. Ảnh: Yonhap. |
Tại Hàn Quốc, vào cuối tuần, các phòng khám ngoại trú đóng cửa, khoa cấp cứu lại rất bận rộn với vô số bệnh nhân được chuyển đến trong tình trạng sức khỏe không ổn. Kể từ khi các bác sĩ đình công để phản đối chính sách mới, khoa cấp cứu lại càng trở nên quá tải.
Anh Kim (30 tuổi) vội vàng đưa con trai 5 tuổi đến Bệnh viện Dongsuwon ở Suwon để cấp cứu do bị rách hàm. Dù chỉ là tiểu phẫu, con anh Kim vẫn phải chờ hơn 5 giờ mới đến lượt.
Người cha nói rằng con anh vẫn còn may mắn hơn người khác. Một số bệnh nhân đã chờ hơn 10 giờ, nhưng cuối cùng vẫn bị từ chối vì bệnh viện không đủ nhân lực. Bệnh viện tuyến trên không đủ bác sĩ, bệnh nhân đành phải tìm đến bệnh viện tuyến dưới, nhưng cũng vô vọng.
Thời gian này, làn sóng đình công ở bệnh viện trường đại học cũng nhanh chóng lan đến các bệnh viện công tại nhiều địa phương.
Trung tâm Y tế Seoul thông tin 10 trong số 12 bác sĩ nội trú và thực tập sinh do Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul cử đến đều không làm việc, 2 người còn lại sắp hết thời gian thử việc nên cũng không đi. Thậm chí, những người này đã nộp đơn xin từ chức.
Biết tin bác sĩ đồng loạt nghỉ việc, đình công, người dân đều bày tỏ sự bức xúc và cho rằng đây là hành động không chấp nhận được.
Ông Koo Jin-hee (51 tuổi) đưa mẹ đến bệnh viện để khám định kỳ nhưng phải ra về vì không có ai khám. Chưa bao giờ ông gặp phải tình huống như vậy nên rất bất bình.
"Tôi không hiểu các bác sĩ đang làm gì với mạng sống của bệnh nhân nữa. Đáng ra bác sĩ phải coi mạng sống của bệnh nhân là trên hết chứ", ông Koo nói.
Bệnh nhân Lee (29 tuổi) cũng bày tỏ quan điểm tương tự. Anh từng nghĩ rằng vụ đình công chỉ ảnh hưởng đến các bệnh viện đại học, nhưng không ngờ bác sĩ bệnh viện địa phương cũng đồng loạt nộp đơn nghỉ việc.
Các bệnh viện khủng hoảng
Bệnh viện công ở các tỉnh khác ở Hàn Quốc cũng rơi vào khủng hoảng vì bác sĩ bỏ việc. Tại Trung tâm Y tế Kyonggi, 4 trong số 8 nhân viên y tế đã từ chức, 4 người còn lại cũng dự kiến nghỉ việc vào cuối tháng 2.
Hay tại Trung tâm Y tế Seongnam, cơ sở y tế công lớn nhất ở phía đông tỉnh Kyonggi, 3 nhân viên y tế đã nộp đơn xin nghỉ và không đi làm kể từ ngày 19/2.
Bệnh viện đại học còn khủng hoảng nặng nề hơn vì bác sĩ toàn thời gian nghỉ việc, sinh viên mới tốt nghiệp cũng từ chối thực tập.
Bệnh nhân mệt mỏi chờ hàng giờ nhưng không được khám bệnh. Ảnh: Yonhap. |
Ngày 26/2, lãnh đạo Bệnh viện Đại học Chosun cho biết một số bác sĩ toàn thời gian đến đợt gia hạn hợp đồng đã chọn không gia hạn, đồng thời thông báo sẽ nghỉ việc từ tháng 3. Hiện, bệnh viện vẫn chưa thể thống kê chính xác bao nhiêu bác sĩ bỏ việc.
Một bác sĩ nói với Korea Medicare rằng các bệnh viện lớn đã mất đi rất nhiều nhân viên y tế, từ y tá cho đến thực tập sinh. Những người ở lại chỉ còn các giáo sư và bác sĩ toàn thời gian.
Nhưng với tình hình như hiện tại, bác sĩ toàn thời gian cũng có nguy cơ nghỉ việc và sẽ tạo ra gánh nặng rất lớn cho các bệnh viện.
Ngoài ra, các bệnh viện đại học lớn ở Hàn Quốc cũng phải thông báo ngừng tuyển dụng thực tập sinh vì những sinh viên y mới ra trường đều đồng loạt bỏ hẹn phỏng vấn.
Ví dụ ở Bệnh viện Severance - bệnh viện đại học lâu đời bậc nhất ở Hàn Quốc, 150 người nộp đơn đăng ký làm thực tập sinh. Nhưng sau vụ đình công, khoảng 90% trong số đó đã hủy đăng ký. 86 trong số 101 thực tập sinh của Bệnh viện Đại học Quốc gia Chonnam cũng chọn hướng đi tương tự.
Kể từ khi bác sĩ đình công, các bệnh viện thuộc "big 5 Hàn Quốc" đã phải giảm 30-50% ca phẫu thuật so với trước đây Sungkyunkwan.
Tại Hàn Quốc, "big 5" là thuật ngữ để chỉ 5 bệnh viện đa khoa lớn nhất nước này, lần lượt là Trung tâm Y tế Ansan (trực thuộc Đại học Y khoa Ulsan), Bệnh viện Severance (trực thuộc Đại học Y Yonsei), Bệnh viện Samsung Seoul (trực thuộc Đại học Y Sungkyunkwan), Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul (trực thuộc Đại học Quốc gia Seoul), Bệnh viện St. Mary (trực thuộc Đại học Catholic Hàn Quốc).
Nhiều người lo ngại rằng tình trạng bệnh viện thiếu bác sĩ tay nghề cao, nhân viên y tế bỏ việc, sinh viên bỏ thực tập sẽ gây ra nguy cơ khủng hoảng trên diện rộng vào tháng 3. Đến khi đó, cơ hội được khám bệnh, điều trị đã ít lại càng ít hơn.
Hồi đầu tháng 2, chính phủ Hàn Quốc thông báo kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào trường y từ 3.000 sinh viên lên 5.000 sinh viên mỗi năm, kể từ năm 2025. Bộ Y tế Hàn Quốc nói rằng động thái này nhằm giải quyết thách thức cho hệ thống y tế nước này, được dự báo sẽ thiếu hụt 15.000 bác sĩ vào năm 2035.
Kế hoạch này đã vướng phản đối từ hàng loạt bác sĩ nội trú và thực tập sinh. Các quan chức Bộ Y tế Hàn Quốc cho biết khoảng 8.939 bác sĩ thực tập sinh, tương đương 72,7% tổng số. Số bác sĩ thực tập sinh nộp đơn xin nghỉ việc lên tới 9.909, theo Yonhap.
Máu là sức mạnh tự nhiên, là nguồn năng lượng quan trọng đã duy trì sự sống của chúng ta từ thời xa xưa. Bạn có thể không biết mình thuộc nhóm máu nào trừ khi bạn từng đi hiến máu hoặc cần truyền máu. Tại sao nhóm máu của chúng ta lại mạnh mẽ đến vậy? Vai trò thiết yếu của nhóm máu đối với sự tồn tại của chúng ta là gì - không chỉ trong hàng nghìn năm trước mà cho đến tận ngày nay?
Cuốn sách Ăn theo nhóm máu của BS Peter J D’Adamo gợi ý những chế độ ăn theo nhóm máu và những tác động đến sức khỏe, đời sống và tuổi thọ.